Mẹ nên ăn gì khi đang cho con bú để sữa về ào ạt, dinh dưỡng dồi dào?

Ăn gì khi đang cho con bú là thắc mắc phổ biến của hầu hết phụ nữ sau sinh. Những gợi ý của bác sĩ dưới đây sẽ giúp chị em biết cân đối chế độ dinh dưỡng trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Những yếu tố tác động đến thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM cho biết khi đang cho con bú các bà mẹ nên quan tâm đến 2 vấn đề lớn: Thể tích sữa và thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ.

Theo đó, lượng sữa mẹ tiết ra sẽ thay đổi một cách sinh lý theo từng giai đoạn trong quá trình tạo sữa: Sữa non tiết ra chỉ khoảng 15ml trong 24 giờ sau sinh và tăng dần mỗi ngày (trong 7 ngày), đạt đến hàng lít ở sữa vĩnh viễn.

Lượng sữa mẹ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn sau sinh - Ảnh minh họa: Internet

Bất kỳ yếu tố tác động nào làm giảm số lần bú mẹ, bé bú không sạch vú hoặc tâm trạng lo âu của mẹ đều làm giảm lượng sữa tiết ra. Trong tình trạng bệnh lý (mẹ bị thiếu dinh dưỡng, bị thiếu nước cấp nghiêm trọng do nôn, tiêu chảy…) lượng sữa sẽ giảm đi. Tình trạng bệnh nặng có thể khiến sữa mẹ ngừng tiết. Nếu mẹ cố gắng uống quá nhiều nước, lượng sữa cũng sẽ giảm đi.

Đối với thành phần sữa, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết khi mẹ ăn uống thiếu chất thì lượng đạm, bột đường, chất béo, axit folic và các khoáng chất chính yếu trong sữa mẹ vẫn được đảm bảo đủ cho sự phát triển của trẻ.

Dinh dưỡng của sữa mẹ lấy từ thức ăn hàng ngày hoặc năng lượng dự trữ trong cơ thể mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Khi bé bú, năng lượng và các chất dinh dưỡng trong sữa được lấy từ nguồn thức ăn hàng ngày mẹ ăn. Nếu mẹ ăn uống thừa chất, lượng dưỡng chất này sẽ được tích trữ khiến mẹ tăng cân.

Ngược lại, nếu mẹ ăn uống kiêng khem, thiếu thốn trong giai đoạn đầu sau sinh, các thành phần trong sữa mẹ sẽ được duy trì bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể mẹ khiến mẹ mệt mỏi, mất sức. Thời gian dài, nguồn dinh dưỡng dự trữ cạn kiệt khiến thành phần dinh dưỡng của sữa bị sụt giảm.

Mẹ nên ăn gì khi đang cho con bú?

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết, cơ thể mẹ cần thêm khoảng 500 kcal/ngày tương đương với 1 bữa ăn. Nếu mẹ lao động nặng hoặc vận động thể dục nhiều, cần ăn nhiều hơn. Nguyên tắc dinh dưỡng khi mẹ đang cho con bú là “Đói ăn – Khát uống”. Nghĩa là các bà mẹ hãy lắng nghe cơ thể mình: Khi cảm thấy khát thì uống sữa hoặc nước, khi cảm thấy đói thì ăn, không nên áp lực.

Khi chế độ ăn của mẹ sau sinh thay đổi để nuôi con bú thì: Các khoáng chất (canxi, phốt pho, magie…) sẽ không đổi. Tổng lượng chất béo, lượng cholesterol, triglycerid không đổi nhưng thành phần axit béo và DHD dễ thay đổi (Cá hồi, cá cơm đều giúp sữa mẹ tăng lượng DHA). Tổng lượng đạm ít thay đổi trong khi lượng vitamin B6, B12, A, D thay đổi nhiều.

Mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm, tránh kiêng khem khi cho con bú - Ảnh minh họa: Internet

Do đó, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương khuyên các bà mẹ đang cho con bú nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm đảo chế độ dinh dưỡng phong phú, cân bằng, hợp lý cho mẹ và bé. Việc kiêng cử thịt bò, tôm, cua hay trái cây, rau cải tươi… sau khi sinh hoàn toàn không cần thiết. Mẹ nên tiếp tục ăn những loại thực phẩm nói trên sau sinh nếu trước đó mẹ đã có thể ăn các món này. Tình trạng sẹo lồi ở vết thương mổ xuất hiện hay không hoàn toàn do cơ địa, không liên quan đến chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, những bà bầu sinh mổ cũng không cần ăn kiêng.

Sữa mẹ sẽ có mùi vị của những thực phẩm mẹ ăn - Ảnh minh họa: Internet

Các nghiên cứu đã cho thấy nếu mẹ ăn uống đa dạng khi cho con bú thì bé sẽ dễ chấp nhận nhiều loại thức ăn hơn khi mẹ kiêng khem quá mức, bé sẽ kén ăn, hạn chế nguồn thực phẩm tiếp nhận trong quá trình ăn dặm.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/me-nen-an-gi-khi-dang-cho-con-bu-de-sua-ve-ao-at-dinh-duong-doi-dao-c21a297491.html