Mẹ muốn thừa kế tinh trùng con: Bệnh viện nên đồng ý

Luật sư cho rằng trường hợp người mẹ muốn thừa kế tinh trùng của con phía bệnh viện nên đồng ý.

Trước đó bà Vòng Ngọc Huyền (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) có người con trai tên Tuấn đã qua đời. Trước khi mất, người con này có gửi tinh trùng của anh trong bệnh viện Từ Dũ.

Bây giờ, bà Huyền muốn lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm với vợ (chưa đăng ký kết hôn) của Tuấn. Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ không đồng tình vì cho rằng chị D (vợ anh Tuấn) và cả bà Huyền không có quyền theo pháp luật hiện hành.

Nêu quan điểm trước vấn đề này, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) cho rằng về vấn đề pháp luật có thể sẽ phải bàn cãi thêm vì chưa có quy định cụ thể về thừa kế tinh trùng, thừa kế ở đây chỉ có thừa kế tài sản.

Theo luật sư, về mặt nhân văn bệnh viện Từ Dũ nên chiều theo yêu cầu của người mẹ và người vợ để thực hiện ý nguyện cho người đã mất.

"Người con trai bà Huyền để lại tình trùng trong bệnh viện có thể mong muốn trong tương lai có con cái. Hơn nữa mong muốn này của con trai bà Huyền cũng được thực hiện một cách dễ dàng thuận lợi.

Vợ tương lai của người đó cũng sẵn sàng chấp nhận để mang cho chồng đứa con và người mẹ cũng vậy, không có lý do gì mà bệnh viện Từ Dũ phải từ chối" -Luật sư Hùng nhận định.

Bà Vòng Ngọc Huyền mong mỏi được nhận tinh trùng của con trai để con dâu thụ tinh trong ống nghiệm

Luật sư Phạm Công Hùng cũng cho biết thêm: "Theo quy định tinh trùng không phải là di sản thừa kế, tuy nhiên luật dân sự cũng quy định nếu không có luật quy định thì dùng thông lệ về đạo đức, còn nếu không có gì cả sẽ dùng lẽ công bằng để xử.

Trước mắt về mặt đạo đức ý nguyện mong muốn của người mẹ và vợ tương lai sẽ được chấp nhận, nếu mong muốn này không được chấp nhận thì bà mẹ và cô gái có thể kiện ra tòa".

Nhìn ở góc độ khác, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng trường hợp này sẽ có nhiều người tranh cãi xem tinh trùng có phải là di sản không?

Theo quan điểm của luật sư Hòe, tinh trùng ở đây chính là di sản. Nếu là di sản thì sẽ được thực hiện theo đúng luật thừa kế.

"Trường hợp này không phải là thừa kế nhận tài sản mà là nhận tinh trùng để chuyển hóa từ tinh trùng sang con, việc này luật pháp nước ta không cấm nhưng có một vấn đề là khi đứa bé ra đời luật chưa được điều chỉnh như đứa bé có được mang theo họ bố không?.

Trong luật hôn nhân gia đình cho phép người mẹ đơn thân đẻ con, trong trường hợp này người cha đã chết nhưng luật không cho mang họ cha, đây là điểm mâu thuẫn để luật hôn nhân tới sẽ điều chỉnh.

Muốn đứa bé được hoàn thiện một cách đầy đủ thì luật hôn nhân phải thừa nhận di sản người cha để lại, di sản này là di sản đặc biệt và người mẹ tiếp nhận cái đó để mang thai, quyền của đứa bé phải được bổ sung vào luật hôn nhân gia đình và đứa trẻ đó sẽ được mang họ bố 1 cách đầy đủ" -Luật sư Hòe nhấn mạnh.

Trước việc Bệnh viện Từ Dũ không đồng tình với mong muốn của người nhà vì cho rằng chị D (vợ anh Tuấn) và cả bà Huyền không có quyền theo pháp luật hiện hành, luật sư Hòe khẳng định việc bệnh viện Từ Dũ từ chối như vậy là không đúng.

"Theo nguyên tắc về di sản thừa kế, những người trong gia đình được thừa nhận nó. Về tinh trùng, luật hôn nhân gia đình cũng đã cho phép mua và bán tinh trùng, tinh trùng trở thành hàng hóa rồi thì được quyền để lại theo luật di sản.

Tuy nhiên có vấn đề bản thân gia đình muốn cho con mang tên họ bố thì luật hôn nhân chưa quy định" -luật sư phân tích.

Luật sư Hòe cũng khẳng định nếu bệnh viện không đồng ý với yêu cầu của gia đình là bệnh viện không làm đúng luật. Vậy nên trường hợp này gia đình có thể kiện ra tòa và chắc chắn sẽ được pháp luật bảo vệ.

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/me-muon-thua-ke-tinh-trung-con-benh-vien-nen-dong-y-3371697/