Mê mẩn thứ đặc sản bán theo cân

Nói đến đặc sản người ta thường nghĩ ngay đến những món đắt tiền, sơn hào hải vị. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, những miếng đậu phụ rất đỗi bình thường với giá chỉ từ 20-30.000 đồng/kg lại trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng.

Đậu phụ là món ăn dân dã rất đỗi bình thường, có mặt ở khắp các khu chợ hay siêu thị, được bán với giá từ 2.000-5.000 đồng/miếng. Tuy nhiên, thời gian gần đây chị em lại truyền tai nhau tìm mua món đậu phụ làng Kênh – một món đặc sản của thôn Kênh, xã Tây Đô (Hưng Hà, Thái Bình) về chế biến.

Khác với các loại đậu phụ khác, đậu phụ làng Kênh rất mỏng, chỉ khoảng 0,5cm và được bán theo cân với giá từ 20-30.000 đồng/kg nhưng có vị thơm thơm, bùi bùi và rất ngậy, ăn một lần nhớ mãi.

Đậu phụ làng Kênh được làm thủ công với những miếng đậu rất mỏng, được bán theo kg.

Đậu phụ làng Kênh được làm thủ công với những miếng đậu rất mỏng, được bán theo kg.

Vừa nhanh tay xếp từng hộp đậu vào túi để giao cho khách, chị Hương – trú tại Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay, quê chị ở làng Kênh, nơi có nghề làm đậu phụ nổi tiếng nhất vùng.

Lớn lên, rời quê lên Hà Nội đi học rồi đi làm, mỗi lần về quê đều mang theo vài cân đậu phụ lên cho hàng xóm và ăn dần nhưng hơn 1 năm nay chị mới nghĩ đến việc bán đậu phụ làng Kênh tại Hà Nội.

“Năm trước bất ngờ tôi thấy trên chợ online của chung cư chỗ tôi có người đăng bán đậu làng Kênh với giá 40-45.000 đồng/kg. Dù họ bán giá gấp 3 lần giá đậu phụ bán tại quê tôi nhưng lại rất nhiều người mua và khen ngon. Vì vậy, tôi nghĩ ngay đến việc mang đậu quê mình lên Hà Nội bán”, chị Hương kể.

Chỉ bán tại khu chung cư vào cuối tuần nhưng chị Hương bán được cả tạ đậu phụ.

Với giá chỉ 30.000 đồng/kg, vừa giúp bà con quê mình bán được đậu vừa giúp khách hàng ở Hà Nội mua được đặc sản với giá rẻ nên lần đầu tiên đăng bài bán hàng, chị Phương gom được hơn 70kg đậu phụ. Vì quá đông khách mua nên chị phải nhờ sự trợ giúp của anh trai.

Những tuần sau đó, mỗi tuần 2 lần, chị Phương cùng anh trai thay phiên nhau gom đậu phụ lên Hà Nội bán. Mỗi lần chị chỉ nhận từ 40-50kg đậu để công việc vận chuyển đỡ vất vả. Sau khi trừ chi phí cước xe, thùng xốp rồi hộp nhựa bảo quản đậu, mỗi lần chị Phương thu về được 400-500.000 đồng.

Ít ai ngờ rằng món đậu phụ hết sức đời thường này lại trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua.

Làm rể của làng Kênh, anh Nguyễn Văn Tuân có niềm đam mê đặc biệt với những thớ đậu trắng tinh, mềm, ngon thơm lừng của làng.

“Họ bên vợ mình có khoảng 7-8 nhà làm đậu gia truyền suốt 3-4 đời. Dù đi khắp nơi nhưng chỉ có đậu phụ làng Kênh quê vợ mới có vị béo, bùi, thơm mềm mà không bị pha tạp chất”, anh Tuân chia sẻ.

Hàng đậu Kênh lúc nào cũng đông khách.

Ngoài bán đậu sống, người bán hàng còn dùng bếp rán đậu nóng bán ngay tại chợ.

Để giới thiệu món đậu phụ này đến người dân Thủ đô, anh Tuân cùng với em trai đã tiến hành thiết kế logo cẩn thận cho đậu làng Kênh, trang bị thêm hộp đựng cẩn thận để bảo quản đậu được lâu hơn.

Theo anh Tuân, trung bình mỗi ngày, gia đình anh làm khoảng 50kg đỗ tương. Sau khi trải qua nhiều công đoạn như ngâm đỗ, xay, lọc, đun sôi, đánh nước chua để đậu kết tủa rồi ép thành miếng thì sẽ cho thành phẩm khoảng 1 tạ đậu phụ.

Anh Tuân cùng với em trai làm logo cho đậu phụ làng Kênh trước khi mang bán tại thị trường Hà Nội.

Để có được những miếng đậu mỏng đều và mịn thì phải chế nước chua cho đủ độ. Pha ít chua thì đậu sẽ không hoặc khó kết tảng, còn khi pha quá tay thì đậu sẽ rắn và nhanh bị chua.

Đậu phụ lành tính lại dễ ăn, phù hợp với mọi lứa tuổi và có thể ăn hàng ngày với các món như luộc, rán, sốt cà chua hay làm đậu cuộn thịt, nhúng lẩu… Để bảo quản được lâu nhất, anh Tuân cho biết khi làm xong phải để thật nguội rồi đóng thành từng cân, bọc nilon rồi chuyển bằng xe khách lên Hà Nội.

“Ngày cao điểm nhất nhà tôi làm khoảng 2 tạ đậu thành phẩm. Khách đặt nhiều nên ông bà phải dậy từ 2-3 giờ sáng làm để kịp giao. Có người mua đậu nhà tôi ăn thấy ngon quá liền gom lên bán luôn hoặc rủ cả cơ quan, chung cư mua cả tạ về ăn dần”, anh Tuân cho hay.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/me-man-thu-dac-san-ban-theo-can-73455.html