Mê mẩn cành vàng lá ngọc thật 100% của nhà Nguyễn

'Cành vàng lá ngọc' là một dạng cổ vật đặc biệt, từng hiện diện rất nhiều trong các cung điện, lăng tẩm vua chúa ở Huế. Các tác phẩm này là vật minh chứng cho cuộc sống vương giả trong hoàng tộc nhà Nguyễn.

“ Cành vàng lá ngọc” là tên gọi một loại hình cổ vật đặc biệt của nhà Nguyễn: Các loại cây, hoa nhân tạo được làm từ vật liệu quý hiếm như vàng ngọc để sử dụng vào mục đích trang trí. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi đang lưu giữ một số hiện vật thuộc dạng này.

“ Cành vàng lá ngọc” là tên gọi một loại hình cổ vật đặc biệt của nhà Nguyễn: Các loại cây, hoa nhân tạo được làm từ vật liệu quý hiếm như vàng ngọc để sử dụng vào mục đích trang trí. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi đang lưu giữ một số hiện vật thuộc dạng này.

Nổi bật trong các cây "cành vàng lá ngọc" ở bảo tàng là một cây mai trắng, được coi là hoàn chỉnh và đẹp nhất trong hệ thống cành vàng lá ngọc hiện đang lưu giữ ở Huế. (Hình ảnh được thực hiện với sự đồng ý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).

Hiện vật này có từ thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889), có chiều cao khoảng 55 cm, thân làm bằng gỗ thếp vàng.

Hoa có cánh bằng đá trắng, lá bằng đá xanh nhạt, được kết nối xuyên qua các lỗ ở thân một cách khéo léo.

Nhị hoa là các hạt nhỏ màu vàng gắn vào đài nhụy nhau bằng các sợi kim loại được chế tác rất tinh tế.

Xung quanh thân cây mai có nhiều loại hoa cỏ làm nền, nổi bật là một cây hoa hồng bạch với những cánh hoa làm từ đá trắng. Ngoài ra, còn có hai hòn giả sơn nhỏ bằng đá màu xanh phối ở hai góc.

Tất cả được đặt trong chậu bằng pháp lam (đồ đồng phủ men màu) hình chữ nhật vát bốn góc, có bốn chân, trang trí hình hoa lá, con dơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc.

"Cành vàng lá ngọc" tiếp theo là một cây lựu có từ thời Đồng Khánh, cao khoảng 55 cm, được đặt trong chậu có kiểu dáng và hoa văn tương tự chậu cây mai trắng.

Cây có thân bằng gỗ thếp vàng. Cánh hoa và quả màu đỏ cam, lá màu xanh nhạt, đều được làm bằng đá tự nhiên.

Quả lựu được tạo hình rất sinh động với các múi lựu nhỏ lộ ra khi quả chín và nứt. Ngoài ra còn có các nụ hoa được làm từ lọa đá giống như hồng ngọc.

Xung quanh gốc lựu cũng có các loài cây nhỏ và hai giả sơn màu xanh phối xung quanh như ở cây mai trắng.

Trong các "phụ kiện" này, có cây hoa cúc trắng với những đóa hoa được tạo hình rất đẹp.

"Cành vàng lá ngọc" thứ ba là chậu hoa địa lan cũng thuộc thời Đồng Khánh.

Tác phẩm cao khoảng 35 cm, 32 thân bằng gỗ thếp vàng, lá bằng đá màu xanh nhạt, hoa bằng đá thạch anh màu tím nhạt, được tạo hình với vẻ mong manh rất quyến rũ.

Cây được đặt trong chậu kim loại mạ vàng, hình chữ nhật, vát bốn góc, thành chậu chạm nổi các chi tiết hoa lá, có bốn chân quì.

Một cây "cành vàng lá ngọc" khác được trưng bày tại bảo tàng là cây hoa mai đỏ. Tác phẩm này không còn được nguyên vẹn như các "cành vàng là ngọc" đã đề cập ở trên.

Cây mai đỏ này đã mất khá nhiều lá và các loại cây trang trí xung quanh, dù vậy các đóa hoa vẫn toát lên vẻ đẹp rất tinh tế.

Vào giai đoạn hưng thịnh của nhà Nguyễn, các cây "cành vàng lá ngọc" đã hiện diện rất nhiều trong các cung điện, lăng tẩm vua chúa ở Huế.

Có thể nói, các tác phẩm này là vật minh chứng cho cuộc sống vương giả trong hoàng tộc nhà Nguyễn - chế độ quân chủ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Theo các tư liệu lịch sử, từng cả những cây "cành vàng lá ngọc" có thân được làm bằng vàng thật chứ không phải gỗ thiếp vàng. Tiếc rằng ở Huế không còn cây nào như vậy được lưu giữ.

Sau các biến động lịch sử, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, rất nhiều "cành vàng lá ngọc" cùng vô số cổ vật quý giá khác của triều Nguyễn ở Huế đã mất mát, một phần lớn trong số đó bị tuồn ra nước ngoài.

Theo thống kê, hiện tại ở Huế chỉ còn trên dưới 20 chậu cây "cành vàng lá ngọc" được lưu giữ, khá nhiều trong số đó đã bị hư hại nặng nề.

Ngoài các di tích ở Huế, một số nhà sưu tầm trong và ngoài nước cũng được cho là đang sở hữu các hiện vật "cành vàng lá ngọc".

Cách đây ít năm, một "cành vàng lá ngọc" của vương triều Nguyễn đã được tư nhân rao bán ở Mỹ với giá 30.000 USD, tương đương với trên 600 triệu đồng Việt Nam.

Xem clip: Phực dựng Tử Cấm Thành Huế bằng kỹ thuật 3D.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/me-man-canh-vang-la-ngoc-that-100-cua-nha-nguyen-1062157.html