Mẹ lo sốt vó khi tuần nào cũng 'được' giáo viên liên hệ

Thời điểm này, lẽ ra con đã ổn định lớp học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 thì chị Phan Thùy Giang (Đại Từ, Hà Nội) lại 'sốt xình xịch' tìm lớp học thêm cho con. Chị lo lắng khi thấy con không tiến bộ và muốn đổi giáo viên dạy thêm cho con.

 Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

4 năm trước, con trai đầu cũng trải qua kỳ thi vào lớp 10 nên chị Giang có thừa kinh nghiệm để biết con học ở mức nào, để biết "cuộc đua" vào lớp 10 căng thẳng ra sao. Thế nên, khi thấy cậu con trai thứ hai cứ đủng đỉnh, chị Giang vô cùng sốt ruột. Nhờ chọn giáo viên giỏi nên con trai đầu thành công trong kỳ thi vào 10, nên chị cho con thứ hai học những giáo viên mà anh trai từng học. Vậy mà, chị liên tục nhận được liên lạc của giáo viên chủ nhiệm về việc con học đuối, không tiến bộ. Chị rất lo lắng vì sự "dậm chân tại chỗ" của con.

Tìm hiểu thì được biết, những giáo viên mà con học thêm chỉ phù hợp với những bạn có ý thức học. Cậu con trai lớn vốn học giỏi, lại chăm chỉ nên theo được những giáo viên này. Tuy nhiên, cậu con thứ hai không tập trung học nên không theo kịp tiến độ bài giảng của giáo viên. Vì vậy, dù học thêm kín tuần nhưng kết quả của con vẫn ở mức bình bình, không có sự vượt trội.

Tiếc giáo viên giỏi nên chị Giang cố thuyết phục con theo học. Nhìn điểm thi học kỳ 1 của con chỉ đạt 6-7, chị Giang biết cần phải thay đổi lớp học thêm cho con. Khổ nỗi, ở thời điểm này, tìm giáo viên phù hợp với con đã khó, tìm lớp để khớp với lịch trống của con còn khó hơn. Bởi tìm được lớp Toán cho con thì trùng với lịch của lớp tiếng Anh. Môn nào cũng quan trọng và không bỏ được. Chị Giang không biết xoay xở thế nào.

Ảnh minh họa: ST

Cũng có con học lớp 9 mà kết quả lại tụt hơn so với những năm trước nên chị Nguyễn Minh Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy không yên tâm. Chị Thủy cho biết, tuần nào cũng "được giáo viên liên hệ" ít nhất 1 lần nên chị cảm thấy lo lắng. Chị rất thông cảm cho con khi thấy lượng kiến thức năm nay của con quá nhiều. Nhìn lịch học của con dày đặc ở trường, buổi tối lại phải "chạy sô" các lớp học thêm, con mệt mỏi và không có thời gian học bài ở nhà cũng là điều dễ hiểu. Chị Thủy đang không biết làm thế nào để phân bố lịch học của con cho hợp lý.

Chị không dám cho con nghỉ học thêm ở trường dù chị biết hiệu quả không cao. Chị cũng không đủ "can đảm" cho con nghỉ lớp học thêm ở giáo viên bên ngoài vì đó đều là những thầy cô giỏi. Thế nên, sau cả ngày đi học ở trường, đi học thêm buổi tối, nhìn con chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi mệt nhoài nằm vật trên giường, chị không nỡ gọi con dậy học.

Chị không muốn ép con học khi con quá mệt mỏi. Thế nhưng, nhìn thấy những đứa trẻ khác học thêm nhiều hơn con mình, chúng lại "cày" bài đến tận khuya, chị cảm thấy lo lắng cho con. Chị hiểu, nếu con không nỗ lực, không cố gắng trong "cuộc đua" vào lớp 10, con sẽ mất cơ hội học ở trường THPT công lập tốt.

Với nhiều học sinh lớp 9, học kỳ 2 sẽ là chặng đường quan trọng cho các em cố gắng để có thể thực hiện được ước mơ của mình. Với những học sinh có mục tiêu thì bố mẹ không cần quá lo lắng đến việc học của con. Tuy nhiên, với những học sinh mà lực học chỉ ở mức trung bình, không có ý chí, quyết tâm thì bố mẹ lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa". Con thì đủng đỉnh, còn bố mẹ mới là người chịu áp lực, căng thẳng từ kỳ thi của con.

K.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-lo-sot-vo-khi-tuan-nao-cung-duoc-giao-vien-lien-he-20210111183739645.htm