Mẹ lo sợ vì suốt 2 năm con gái không tăng được tí nào chiều cao

Tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ không chỉ khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng mà còn khiến cho bản thân trẻ cảm thấy mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.

Ngày 8/6, chị Nguyễn Thúy Vy (ngụ tỉnh Tây Ninh) dẫn theo cô con gái 11 tuổi đến tham gia chương trình ‘Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì” lần thứ 3 do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tổ chức với tâm trạng đầy lo lắng.

Chị Vy cho biết, chị hết sức lo sợ khi con gái của mình không cao thêm được chút nào trong khoảng gần 2 năm qua. “Ở lớp, cháu thấp hơn các bạn hơn 10cm. Trong thời gian qua, tôi cố gắng cho cháu bồi bổ chất dinh dưỡng, đi học bơi nhưng cũng không thấy hiệu quả. Tôi tìm hiểu về tình trạng của con, khi biết chương trình thì đưa cháu đến thăm khám, hy vọng sẽ có kết quả tốt”, chị Vy nói.

Cũng giống như chị Vy, có rất nhiều phụ huynh khác cũng đã đưa con đến bệnh viện khi con có dấu hiệu chậm tăng trưởng chiều cao. “Sau khi thăm khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị chậm tăng trưởng chiều cao, cần phải điều trị. Tôi hy vọng cháu sẽ cao bằng bạn bè để tự tin hơn trong học tập, sinh hoạt hằng ngày”, chị Lan Anh - có con gái 12 tuổi chậm tăng trưởng chiều cao cho hay.

Các bậc phụ huynh đưa con đến thăm khám khi phát hiện con chậm tăng trưởng chiều cao.

Các bậc phụ huynh đưa con đến thăm khám khi phát hiện con chậm tăng trưởng chiều cao.

BS Nguyễn Thị Thu Hương, bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tuy nhiên, chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến đến việc trẻ không đạt được chiều cao đáng lý đạt được khi trưởng thành.

Thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần là bệnh lý hiếm với tỉ lệ 1/4.000-1/10.000, không có nguyên nhân, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì. Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề trẻ sẽ không tăng hoặc tăng chiều cao rất chậm và kết quả cuối cùng dẫn đến trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn nhiều so với độ tuổi.

Trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao nên điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi.

Bác sĩ Hương khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đo chiều cao của trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3/tháng lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu thấy chiều cao của bé có dấu hiệu bất thường thì nên đưa bé đi khám bác sĩ nhi tổng quát, dinh dưỡng. Nếu xác nhận bé không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì lúc này phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng.

“Quy trình thông thường là bé sẽ được chụp X-quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Khi có kết quả chẩn đoán thì phụ huynh sẽ được tham vấn về cách thức điều trị và theo dõi cụ thể”, bác sĩ Hương cho hay.

BS CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

“Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ được điều trị kịp thời sẽ cải thiện được chiều cao, giảm chi phí chăm sóc y tế và các chi phí xã hội khác”, bác sĩ Chiến nói.

Diệu Ngân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/me-lo-so-vi-suot-2-nam-con-gai-khong-tang-duoc-ti-nao-chieu-cao-post60425.html