Mê Linh: Bị thu hồi giấy kinh doanh, vẫn hoạt động gây ô nhiễm!

Mặc dù bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng xưởng sản xuất bao bì, túi nylon của hộ ông Nguyễn Văn Tĩnh, ở thôn Do Hạ, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) vẫn ngang nhiên hoạt động khiến dư luận bức xúc.

Cơ sở sản xuất nylon của hộ ông Tĩnh bị xử phạt vi phạm hành chính 2.000.000 đồng

Bức tử người dân

Gần đây, Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của hàng chục hộ dân sống ở thôn Do Hạ, xã Tiền Phong (Mê Linh) phản ánh về tình trạng xưởng tái chế, sản xuất bao bì, túi nylon của hộ ông Nguyễn Văn Tĩnh gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh nhưng chưa được xử lý một cách triệt để.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Bạch bức xúc, cơ sơ sản xuất nylon của gia đình ông Tĩnh hoạt động khoảng 10 năm nay. Do cơ sở nằm trong khu dân cư nên mỗi khi hoạt động đã gây tiếng ồn kèm theo mùi khét khiến bà con xung quanh vô cùng bức xúc. Nhiều hôm gió to, mùi bay xa vài chục mét, trẻ em thì không dám ra ngoài chơi, có những gia đình phải đưa trẻ nhỏ đến nơi khác ở.

Khoảng cách từ cơ sở sản xuất nylon đến nhà dân quá gần.

Trước tình trạng ô nhiễm về không khí, tiếng ồn phát ra cả ngày lẫn đêm, đầu năm 2017, hàng chục hộ dân đã gửi đơn phản ánh tới chính quyền và ngành chức năng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, ra quyết định xử phạt hành chính, cơ sở có hạn chế hoạt động về đê. Có khoảng 30 hộ dân bị ảnh hưởng bởi không khí, nguồn nước và tiếng ồn từ cơ sở sản xuất của hộ ông Tĩnh.

Cụ Nguyễn Thị Hảo (80 tuổi) bức xúc, cơ sở sản xuất nhà ông Tĩnh nằm gần nhà tôi nên mỗi khi máy móc hoạt động, nhiều đêm tôi không ngủ được. Trước đây, có con gái và cháu ở cùng, nay chúng phải chuyển đi chỗ khác ở vì ô nhiễm. Tôi phải bịt kín cửa nhà, cửa sổ nhưng vẫn có mùi. Vì sức khỏe cho người dân, chúng tôi mong muốn chính quyền di chuyển cơ sở sản xuất nylon ra khỏi khu dân cư.

Ngày 11/10/2018, phóng viên có mặt tại thôn Do Hạ (xã Tiền Phong), cách cơ sở sản xuất nhà ông Tĩnh mấy chục mét mà vẫn thấy mùi khét rất khó chịu. Đặc biệt, cơ sở này nằm sát nhà dân nên việc bà con phản ánh bị bức tử bằng tiếng ồn, mùi khét là có cơ sở.

Thách thức pháp luật

Được biết, sau khi nhận được đơn của các hộ dân gửi các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết khẩn cấp vấn đề ô nhiễm môi trường do xưởng sản xuất túi nylon gây ra, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Mê Linh xử lý theo quy định và thẩm quyền.

Mặc dù đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ sở của ông Tĩnh vẫn ngang nhiên hoạt động.

Trong văn bản ngày 26/1/2018 của UBND huyện Mê Linh, do ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện ký, gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết: UBND xã Tiền Phong đã kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tĩnh do không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường số tiền 2.000.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở sản xuất nylon của ông Tĩnh vẫn hoạt động gây ô nhiễm. Ngày 24/4/2018, huyện Mê Linh tiến hành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các nội dung trong giấy phép kinh doanh. Qua kiểm tra thấy, cơ sở sản xuất của ông Tĩnh chưa đủ điều kiện kinh doanh nên yêu cầu tạm dừng hoạt động. Nhưng theo báo cáo của UBND xã Tiền Phong thì cơ sở của hộ ông Tĩnh vẫn hoạt động, như thách thức pháp luật.

Sau 2 lần yêu cầu dừng hoạt động nhưng hộ ông Tĩnh không chấp hành, ngày 24/8/2018, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mê Linh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ ông Tĩnh. Tuy nhiên, ông Tĩnh vẫn không chấp hành theo yêu cầu của huyện Mê Linh.

Cụ Nguyễn Thị Hảo bức xúc khi cơ sở sản xuất của nhà ông Tĩnh nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm.

Ngày 11/10/2018, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: Khi đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ sở sản xuất nylon của ông Tĩnh vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật. Xã đã nhiều lần xuống nhắc nhở, lập biên bản nhưng ông này vẫn hoạt động lén lút.

"Tôi vừa xin ý kiến huyện, được huyện đồng ý, tới đây điện lực sẽ cắt điện, chỉ còn cách cắt điện thì cơ sở này mới dừng hoạt động. Trong quá trình đợi làm thủ tục cắt điện, xã sẽ giao cho các cơ quan chức năng xuống lập biên bản xử lý theo quy định", ông Trung nói.

Trước việc hộ ông Nguyễn Văn Tĩnh cố tình vi phạm, UBND huyện Mê Linh cần có biện pháp xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật, trả lại môi trường trong lành cho người dân thôn Do Hạ.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/me-linh-bi-thu-hoi-giay-kinh-doanh-van-hoat-dong-gay-o-nhiem-post23002.html