Mê Linh bất khuất (Kỳ 17)

Trân trọng giới thiệu tiếp bài viết của PGS TS Cao Văn Liên 'Mê Linh bất khuất' trong chương II - Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kỳ 17.

Do sự bao vây ngặt nghèo của Mã Viện, Cấm Khê trong mấy tháng ròng không nhận được lương thực của nhân dân quanh vùng. Thiếu lương thực là một thực tế đang đe dọa quân đội Trưng Vương. Trong Cấm Khê, quân sĩ và nhiều tướng lĩnh bị thương không có thuốc chữa trị dù được Trưng Vương và đồng đội chăm sóc hết lòng. Nhiều tướng lĩnh và binh sĩ trước khi ra đi đã nắm chặt tay Trưng Vương, rơi nước mắt, cảm kích trước tấm lòng của vị quân vương nhân từ hết lòng thương yêu tướng sĩ.

Để đánh vào tinh thần và tình cảm của Trưng Vương và quân Việt, Mã Viện sai lính về Hạ Lôi đào hết mồ mả của Lạc Tướng Mê Linh và mồ mả trong dòng tộc của Trưng Vương. Sự hèn hạ của Mã Viện và quân Hán đã gây lòng căm thù vô hạn của người Việt với quân giặc ngoại xâm.

Ngày 10-11 năm 42, mẹ của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương là bà Man Thiện từ quê nhà Đường Lâm, Mê Linh đã chiêu mộ nghĩa quân tiến về Cấm Khê để cứu viện cho hai vua. Dọc đường bị quân Hán chặn đánh, Hoàng Thái Hậu Man Thiện đã gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn. Nghĩa quân trong Cấm Khê và quân dân trong toàn cõi Hùng Lạc biết tin đau buồn và cảm phục người mẹ Việt anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì con cháu và vì non sông đất nước. Từ đó, trên đầu hai Trưng Nữ vương chiếc khăn tang trắng thay cho mũ đâu mâu màu vàng chiến trận.

Cuối mùa đông năm 42, gió lạnh kèm theo những đợt mưa khủng khiếp và triền miên. Mây xám giăng đặc bầu trời Tam Đảo và Ba Vì để sẵn sàng trút những cơn mưa. Nước sông Đáy và sông Tích dâng lên chảy cuồn cuộn. Mã Viện quan sát và nghĩ tới binh pháp nói rằng trong chiến trận có thể dùng hỏa công nhưng cũng có thể dùng thủy công nếu điều kiện cho phép. Hắn cười ha hả:

-Đây là lúc trời giúp ta dùng thủy công để dìm quân Việt làm cá ở Cấm Khê.

Hắn ra lệnh:

-Xẻ nhiều con mương ngang bờ sông Đáy và sông Tích cho nước chảy vào Cấm Khê.

Quả nhiên, nước từ sông Đáy và sông Tích chảy vào làm ngập sâu thung lũng Cấm Khê. Hầu hết doanh trại quân Việt bị chìm trong nước. Quân Việt phải làm trại ở ven đồi hay ở những đảo nhô cao trong thung lũng. Sinh hoạt thường ngày vô cùng khó khăn. Tháng 2 năm 43 Trưng Vương nói với các tướng lĩnh:

-Chúng ta ngày càng gặp nhiều khó khăn nhưng điều đó không đáng kể. Cái đáng kể là chúng ta không đảo ngược được tình thế mà ngày lại càng nguy nan hơn. Ta muốn bỏ Cấm Khê rút về Cửu Chân là nơi hiểm trở, người đông, lương thực nhiều, lại có truyền thống anh hùng để lập căn cứ mới, may ra có thể đảo ngược được tình thế.

Tướng Mai Lan nói:

-Trưng Vương nói phải, nên về Cửu Chân. Thần quyết đi tiên phong phá vây đưa Trưng Vương và Trưng Nhị Vương về đến nơi.Trung Dũng Đại Tướng Quân nàng Nước nói:

-Đúng vậy, chúng thần sẽ hết mình bảo vệ an toàn cho hai Trưng Vương. Thần cho rằng phải phá vòng vây vào ban đêm để giặc khó đối phó.

Trưng Vương nói:

-Hôm nay là ngày 5 tháng 2 năm Quý Mão (43), đến canh ba đêm nay khi thời khắc chuyển sang ngày 6 tháng 2, chúng ta phá vây, rút khỏi Cấm Khê, về rừng núi Cửu Chân, xây dựng căn cứ, lấy lại sức tấn công, quét sạch giặc thù để trả thù nhà nợ nước.

Trưng Trắc nói thêm:

-Dù khó khăn đến mấy chúng ta vẫn không thể bỏ những chiến sĩ bị thương. Phải cáng họ đi hết không để sót một người.

Một nữ tướng thưa:

-Như vậy sẽ rất khó khăn khi rút lui, thưa Trưng Vương.

- Dù khó khăn chúng ta vẫn phải mang theo những đồng đội của mình. Chúng ta là quân đội đại nghĩa, không thể bỏ đồng đội của mình trong giờ phút nguy nan.

Các tướng dạ ran trở ra chuẩn bị.

Canh ba đêm đó, Trưng Vương và Trưng Nhị Vương cưỡi lên hai con voi quen thuộc, chiến bào màu đỏ, áo giáp đồng vàng óng, đội mũ đâu mâu có gắn khăn tang, để tang cho Hoàng thái hậu Thiện Man. Hai Trưng Vương đi giữa gần một vạn quân vũ khí tua tủa. Tiền quân đi trước mở đường, hậu quân đi sau. Hàng trăm quân còn khênh những chiếc cáng cáng đồng đội bị thương đi giữa để được bảo vệ. Tiền quân mở đường đi về hướng Cửu Chân. Tiền quân của quân Việt đã chạm trán và giao chiến với quân Hán ở cửa ngõ phía Nam khi quân Việt tràn ra ngoài. Phía quân Hán bắn vút lên trời mấy phát tên châm lửa. Quân Hán các nơi thấy tín hiệu, biết quân Việt đã phá vòng vây ở phía Nam. Hàng vạn quân Hán kể cả Mã Viện đều chạy tới cửa Nam, nơi quân Hán và quân Việt đang giao chiến dữ dội. Tiếng reo hò vang dậy, tiếng trống đồng và thanh la của quân Việt, tiếng trống thùng thùng của quân Hán, tiếng binh khí chạm nhau vang động trời đất trong đêm khuya. Trên từng bước chân voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương đều phải bước qua hàng trăm xác giặc mà tiến. Trời đã bắt đầu sáng nhưng vẫn là buổi sáng u ám. Hai con voi của Trưng Vương và Trưng Nhị Vương vẫn sải những bước dài. Hai vạn quân Hán đã chết nhưng gần một vạn quân Việt và các nữ tướng cũng đã hy sinh gần hết. Phía sau lưng hai Trưng Vương vẫn vang lên tiếng bước chân chạy, tiếng reo hò của quân Hán truy sát. Bỗng nhiên, không gian tối sầm, trên không trung sấm sét nổ ran, gió thổi ào ào như giông bão. Thốt nhiên, bầu trời sáng lóa đến mức 1000 quân Việt và một vài tướng lĩnh phải nhắm mắt, không nhìn thấy gì được nữa. Trong tiếng gió gào chớp giật sấm ran, có tiếng nói hùng tráng xa xăm vang vọng khắp bầu trời:

-Ta là Sơn tinh và Thủy Tinh, được lệnh của các vua Hùng đón hai đứa cháu anh hùng về cùng tiên tổ.

Sau tiếng nói là một trận gió cuốn theo với sấm vang chớp giật. Đột nhiên không gian và bầu trời im lặng. Mọi người mở mắt ra thì không thấy hai Trưng Nữ Vương trên mình voi nữa. Trên mình voi chỉ còn hai người quản tượng và hai chiếc lọng vàng. Hôm ấy là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (43). Nơi mà hai Trưng Nữ Vương đi về cõi bất diệt với tiên tổ, thần thánh nay là xã Hát Môn (Phúc Thọ Hà Tây), bên bờ Hát Giang (sông Đáy). Hai con voi được đưa về núi Nghĩa Lĩnh nhưng không chịu ăn uống và chỉ hai ngày sau nước mắt của chúng chảy ròng ròng mà chết theo chủ. Những nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã mai táng hai con voi như hai chiến sĩ đồng đội của mình.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/me-linh-bat-khuat-ky-17-73874