Mẹ hốt hoảng khi con 3 tuổi bị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường hiện nay có thể coi là một loại bệnh toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh, trong đó Việt Nam có 3,5 triệu người mắc.

Trẻ đã bị đái tháo đường tuyp 2

Chị Trần Thị L. trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ con gái chị mới 3,5 tuổi nhưng đã điều trị đái tháo đường 6 tháng nay.

Chị L. cho biết ban đầu thấy con đi tiểu nhiều hơn và cứ khoảng 20 phút lại vào uống nước.

Đến lớp cháu ăn nhiều, về nhà thì ăn bánh kẹo luôn miệng. Có lúc cháu còn xin mẹ cho ăn đường. Chị L. lên mạng tìm kiếm và thấy không yên tâm nên cho con đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả chẩn đoán bé bị đái tháo đường tuyp 1.

Khi nghe con bị đái tháo đường, chị L. chết sững vì bệnh này không chữa khỏi được mà sẽ theo con suốt đời.

Mấy tháng qua, sau thời gian điều trị ở viện ổn định, chị L. cho con về nhà và hàng ngày theo dõi đường huyết cũng như tự tay tiêm insuline cho con. Nhìn tuổi thơ của con lúc nào cũng bị kiểm soát ăn gì, uống gì, chị L. thương con đứt ruột. Khi vào viện, từ hốt hoảng, lo sợ đến nay chị L. thấy yên tâm hơn vì có nhiều bé cũng giống con chị và các mẹ thường xuyên trao đổi tình hình con cái với nhau.

Trường hợp khác, cháu Nguyễn Văn M. 15 tuổi, trú tại Mỗ Lao, Hà Đông thì phát biện muộn hơn. Năm 13 tuổi M. thường xuyên thấy mệt mỏi. Khi bố mẹ cho con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bé đái tháo đường tuyp 2 và phải điều trị insuline.

Sau hai năm kiên trì điều trị, tập luyện, tình trạng đường huyết của bé M. ổn định hơn. Bố mẹ của M. cho biết ngày còn nhỏ M. cũng rất lười ăn nhưng từ khi lên 5 cháu bắt đầu ăn được và từ chỗ trẻ còi M. nhanh chóng trở thành béo phì. Khi học lớp 7, M. đã nặng 80 kg.

Trẻ nhỏ bị đái tháo đường không còn là chuyện hiếm. Ảnh minh họa

Trẻ nhỏ bị đái tháo đường không còn là chuyện hiếm. Ảnh minh họa

Các bệnh đái tháo đường

PGS.TS. Vũ Thị Thanh Huyền - Giảng viên ĐH Y Hà Nội cho biết, tây y phân biệt đái tháo đường tuyp 1 và tuýp 2.

Bệnh đái tháo đường tuyp 1 (Phụ thuộc insulin, cơ thể không tiết ra insulin) xảy ra khi những rối loạn hệ miễn dịch khiến tế bào beta trong tuyến tụy bị triệt tiêu gần hết. Không có những tế bào này, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin để cân bằng và chuyển hóa lượng glucose (hay còn gọi là đường huyết) trong cơ thể.

Bệnh đái tháo đường tuyp 2, người bệnh đái tháo đường vẫn sản sinh insulin như bình thường. Thế nhưng, cơ thể lại không thể sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào dẫn đến không hấp thụ được .

Tình trạng này gọi là kháng insulin. Tuyến tụy cố gắng sản sinh ra nhiều insulin hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và đến một lúc nào đó sẽ bị suy giảm chức năng trầm trọng. Đa phần chúng ta gặp bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2, tỷ lệ này chiếm 90-95%.

Bên cạnh đó hiện nay chúng ta cũng phát hiện ra nhiều người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ nghĩa là giai đoạn mang thai mới phát hiện ra bệnh đái tháo đường.

Đây là dạng bệnh rất đặc biệt vì chỉ xuất hiện trong giai đoạn mang thai, và sẽ biến mất sau khi sinh con.

Khi mang thai, nhau thai sản sinh ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Các loại hormone này vô hình chung lại ức chế tác dụng của insulin, khiến cơ thể người mẹ rơi vào tình trạng kháng insulin. Chính vì vậy, nhu cầu insulin ở phụ nữ mang thai cao hơn 2-3 lần so với người bình thường. Bệnh đái tháo đường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 24-28 của thai kỳ.

Thể đái tháo đường nữa đó là những trường hợp sau khi tổn thương ở tụy, mổ cắt tụy cũng dẫn đến đái tháo đường.

Theo bác sĩ Huyền, để chẩn đoán đái tháo đường chúng ta cần tầm soát sớm nguy cơ những người trong gia đình có đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…. đến khi có biểu hiện ăn nhiều, tiểu nhiều,.., thì đã giai đoạn muộn.

Bác sĩ Huyền cho biết ở người bình thường ngoài 40 tuổi cần tầm soát 1 năm một lần. Còn đối với người có nguy cơ thì cần kiểm soát 6 tháng /1 lần.

Tiến triển của bệnh âm thầm, nhiều người bệnh không có triệu chứng, chỉ đi khám định kỳ mới phát hiện ra bệnh. Nhiều người thắc mắc là sao 3 tháng trước đường huyết bình thường mà giờ lại cao. Căn bệnh tiến triển âm thầm, tăng đường máu sau ăn có thể có biểu hiện từ 7 năm trước, còn khi đã có biểu hiện tiểu nhiều, khát nhiều thì đã có ít nhất 1 biến chứng.

Nguyên nhân khiến đái tháo đường tăng cao, bác sĩ Huyền cho biết là do lối sống hiện đại nên con người ít vận động và sử dụng thức ăn nhanh.

Ngoài ra, do nhiều người có kiến thức nên giúp phát hiện bệnh sớm cũng khiến con số bệnh nhân đái tháo đường gia tăng nhiều hơn. Hiện nay con số bệnh nhân được phát hiện là khoảng 3,5 triệu người nhưng thực tế còn cao hơn nữa.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/me-hot-hoang-khi-con-ba-tuoi-bi-dai-thao-duong-262062.html