Mẹ hối hận vì chủ quan với đái tháo đường thai kỳ, khiến thai nhi chết lưu

4h sáng ngày 26/11, Khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận trường hợp của thai phụ H T. H, 36 tuổi, trú tại thành phố Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra huyết, có dấu hiệu chuyển dạ…

Qua siêu âm trước sinh, bác sỹ phát hiện thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ, có chỉ định đình chỉ thai nghén.

Sản phụ H cho biết, khi mang thai tuần 28 của thai kỳ, chị thường xuyên cơ sở y tế tư nhân để kiểm tra đường huyết và được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK). Thai phụ có thực hiện kiêng tinh bột và đường đến khi mang thai tuần 34, nhưng thấy mẹ không lên cân, lo lắng em bé không lớn nên thai phụ đã chủ động ăn uống tẩm bổ những tuần tiếp theo. Khi thấy mẹ và bé bắt đầu tăng cân đều mà không cảm thấy dấu hiệu gì bất thường nên cũng không làm xét nghiệm đường huyết lại. Đến lúc đi sinh mới biết tim thai không còn đập, chị đã rất buồn và ân hận vì đã chủ quan, không nghĩ rằng ĐTĐTK lại nguy hiểm đến vậy.

BS. Phạm Thị Lan Hương tư vấn sức khỏe cho thai phụ đến khám tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang

Bác sỹ CKI Phạm Thị Lan Hương - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hiện tại, sau khi được đình chỉ thai nghén, sức khỏe của sản phụ H.T. H đang dần ổn định, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Phụ sản.

BS Hương cho biết thêm, ĐTĐTK có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với mẹ như: Tăng huyết áp; Tiền sản giật; sản giật; Sảy thai; thai lưu; Nhiễm khuẩn tiết niệu; Đẻ non; Đa ối; Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai; Tăng nguy cơ mắc ĐTĐTK ở lần mang thai tiếp theo… Biến chứng của ĐTĐTK đối với thai nhi và trẻ sơ sinh như: Thai to; Chậm phát triển trong tử cung; Suy hô hấp cấp chu sinh; Tử vong chu sinh; Dị tật sơ sinh; Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sinh; Hạ canxi máu, đa hồng cầu, tăng Bilirubin máu gây vàng da sơ sinh…; Dễ béo phì và tăng nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai

Vì thế, BS. Hương khuyến cáo: Thai phụ cần được khám thai định kỳ, và quản lý thai nghén tại cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Phụ Sản, nên thực hiện tầm soát ĐTĐTK ở tuổi thai 24-28 tuần để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh sớm. Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo để tránh nguy cơ mắc ĐTĐTK.

Thanh Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/me-hoi-han-vi-chu-quan-voi-dai-thao-duong-thai-ky-khien-thai-nhi-chet-luu-n183470.html