Mẹ hoa hậu cao 1m75, bố 1m58 con sẽ cao giống ai?

Yếu tố di truyền có thực sự quyết định đến chiều cao của một đứa trẻ, nhất là khi bố là 'chú lùn' còn mẹ là hoa hậu cao tới 1,75m?.

Mới đây, ngôi sao Hongkong TVB Vương Tổ Lâm và bà xã Lý Á Nam vui mừng thông báo có tin vui sau 3 năm kết hôn. Người hâm mộ ngoài chúc mừng cặp vợ chồng còn nổ ra cuộc tranh cãi về chiều cao tương lai của đứa trẻ, sẽ lùn giống bố hay cao giống mẹ.

Vì thực tế, diễn viên, MC Vương Tổ Lâm chỉ cao vẻn vẹn 1,58m, trong khi vợ anh vốn là Hoa hậu, cao tới 1,75m.

Cặp đũa lệch chênh tới 17cm của làng giải trí Hongkong

Cặp đũa lệch chênh tới 17cm của làng giải trí Hongkong

Di truyền không quyết định chiều cao của trẻ

Thực tế lâu nay luôn có 2 quan điểm đối nghịch khi nói về yếu tố tác động đến chiều cao của trẻ.

Nhóm thứ nhất cho rằng chiều cao của trẻ do di truyền và các yếu tố trước sinh, quan điểm còn lại cho rằng do tác động của các yếu tố ngoại cảnh.

Tuy nhiên hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất quan điểm: Sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng.

TS Từ Ngữ, Chủ tịch hội Dinh dưỡng Việt Nam phân tích thêm, trong các yếu tố tác động đến chiều cao của một đứa trẻ, di truyền chỉ đóng một phần, còn lại chiều cao có thể cải thiện nhờ dinh dưỡng, môi trường sống.

Nếu một đứa trẻ sinh ra trong gia đình bố mẹ đều cao, nhưng các điều kiện về dinh dưỡng và môi trường không thỏa mãn thì mức phát triển sẽ không tương xứng với tiềm năng di truyền.

Nếu trường hợp bố hoặc mẹ có chiều cao vượt trội hơn người còn lại, yếu tố di truyền về chiều cao sẽ ưu tiên gen trội. Ngay cả ông bố thấp, nhưng nếu cả gia đình ông bố cao thì gen cao vẫn là gen trội và ngược lại.

“Tuy nhiên đây vẫn chỉ là nghiên cứu về mặt cộng đồng, còn thực tế cần xét tới yếu tố cá thể”, TS Từ Ngữ nói.

3 giai đoạn vàng để tăng chiều cao

Theo TS Từ Ngữ, do di truyền chỉ chiếm một phần trong suốt quá trình phát triển chiều cao của một đứa trẻ nên để cải thiện chiều cao, hoàn toàn có thể tác động nhờ dinh dưỡng, tập luyện.

TS dinh dưỡng Từ Ngữ

Trong đó cần tập trung “bón thúc” cho 3 giai đoạn vàng – đây là thời điểm yếu tố dinh dưỡng có tác động trội hơn, “đánh” trúng có thể thay đổi được di truyền.

- Giai đoạn 1: 9 tháng mang thai. Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra, nếu đứa trẻ dài hơn mức trung bình 1cm khi vừa chào đời thì có tiềm năng phát triển chiều cao thêm 10cm.

Tuy nhiên có tiềm năng tốt nhưng không được nuôi dưỡng tốt ở những giai đoạn sau thì cũng “vứt đi”.

- Giai đoạn 2: Từ lúc chào đời đến khi 2 tuổi. Nguồn dinh dưỡng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đóng vai trò quan trọng, từ tháng thứ 7 bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên ở Việt Nam, 50% cha mẹ cho con ăn dặm quá sớm và thường không đủ chất.

2 giai đoạn này được xem là đóng vai trò quyết định đến chiều cao của trẻ sau này. Do đó cần can thiệp tích cực để trẻ đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được.

Hiện WHO công nhận, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành.

Cụ thể, nếu một trẻ 3 tuổi bị thấp còi nặng, chỉ cao 81,2cm thì đến khi trưởng thành chỉ cao tối đa 158cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3cm thì sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3cm và 1 trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5cm thì sẽ đạt đến 170,9cm.

- Giai đoạn 3: Giai đoạn dậy thì. Các nghiên cứu đã chỉ ra, giai đoạn này có thể quyết định đến 25% tổng chiều cao của một đứa trẻ.

Nhưng cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, kiểm soát dinh dưỡng tốt để con không béo phì, dậy thì sớm, sớm quá sẽ không đạt được chiều cao tiềm năng tối ưu.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-suc-khoe/tang-chieu-cao-cho-con-the-nao-tot-nhat-khi-me-cao-1m75-bo-1m58-464458.html