Mẹ Hòa của những vầng trăng khuyết

Là tấm gương nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm và sống có ý nghĩa với cộng đồng, cô Lê Thị Hòa- giáo viên trường tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.

Từ nhiều năm nay, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) của cô giáo Lê Thị Hòa là tổ ấm của gần 60 trẻ em mắc các hội chứng bệnh đặc biệt đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội. Đến lớp học, ngoài các kiến thức văn hóa, các em còn được học về kĩ năng sống, về cách ứng xử, về đạo lí làm người...

Với tấm lòng thiện nguyện, từ năm 1993, cô Hòa đã nhận 23 em học sinh bị nhiễm chất độc màu da cam và nghỉ học giữa chừng về dạy trong gian bếp nhỏ của nhà. Lớp học chỉ rộng chưa đến 10m2 khi ấy luôn rộn ràng tiếng cười với những niềm hi vọng về một tương lai không xa, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích với xã hội như bao người khác.

 Lớp học tình thương trong chùa Hương Lan

Lớp học tình thương trong chùa Hương Lan

Khi nhận thấy nhu cầu học tập của các em ngày một lớn hơn, trong khi lớp học tại nhà đã quá tải, cô giáo Hòa đã tìm đến sự giúp đỡ nơi cửa chùa. Nhờ những tâm nguyện thiện lành, sư thầy trụ trì chùa Hương Lan đã hỗ trợ cô trò học ở phòng khách, rồi sau đó chuyển sang phòng học mới rộng đến hơn 100m2, kèm theo đó là rất nhiều sự hỗ trợ khác.

Từ 23 học sinh tại nhà ban đầu, lớp học tình thương của cô giáo Hòa tại chùa Hương Lan được khai giảng vào ngày 14/9/2007 đã thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh khó khăn đến từ nhiều vùng quê lân cân như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức, Thanh Oai...

Năm học này, lớp học tình thương của cô Hòa đón 58 học sinh bị khuyết tật, đến từ các địa phương, với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 19 học sinh chưa biết chữ được xếp chung lớp để học kiến thức lớp 1; 39 học sinh đã biết chữ học chung một lớp, học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5.

Em Hoàng Thị Hà (30 tuổi) là học sinh có sức khỏe yếu nhất do bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, đến từ xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Từ một người gần như không có khả năng nhận thức, sau hơn 10 năm đến lớp, Hà đã viết được các chữ cái, có thể ngân nga những ca từ trong bài hát “Đi học về” quen thuộc.

Học sinh khác có sự tiến bộ vượt bậc là Nguyễn Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đến từ xã Kim Chung (huyện Hoài Đức). Dung bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ chậm phát triển, phát âm không rõ, đi lại khó khăn. Đến tuổi đi học, gia đình đã cho Dung theo học nhiều lớp dành cho người khuyết tật, nhưng tới đâu, Dung cũng từ chối.

Những học sinh khuyết tật hạnh phúc với lớp học

Chỉ đến khi tiếp xúc với những giáo viên tận tâm của lớp học tình thương ở chùa Hương Lan vào năm 2015, em mới mở lòng đón nhận tình yêu thương. “Hiện nay, con gái tôi đã biết đọc, viết, làm các phép toán trong phạm vi 100, biết sử dụng điện thoại, máy tính... Mừng hơn, Dung đang ấp ủ ước mơ có việc làm phù hợp trong tương lai.

Nhờ có sự dạy dỗ của cô, đến nay, trong số 58 em theo học đã có 30 em biết chữ, biết hát 7 bài hát khác nhau dù thời gian để các em có thể thuộc bài có thể lên đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Nhiều em đã tìm được việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và luôn nhớ đến “mẹ” Hòa như một ân nhân đã có công sinh ra mình lần nữa để có được nghị lực mạnh mẽ và thành công như ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức học tập và đồng cảm với những số phận thiệt thòi trong cuộc sống cho học sinh tại trường tiểu học Đông Sơn, cô Hòa đã tự mình nêu gương làm những việc tốt và tổ chức cho nhiều em có cơ hội đến thăm lớp học tình thương của mình. Nhiều học sinh của cô đã cố gắng trong học tập và rèn luyện chính từ sự răn dạy rất nhân văn, nhân ái ấy.

Những ngày cuối tháng 9/2019, cô Lê Thị Hòa được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Nhận được thông tin này, cô Hòa chia sẻ: “Thực sự mình không nghĩ mình làm việc để được khen thưởng. Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim của một người mẹ, một nhà giáo. Mình hi vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay với mình để giúp đỡ trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn”.

Lớp học tình thưởng của cô Lê Thị Hòa

Cảm phục về những việc làm của cô Lê Thị Hòa, ông Nguyễn Đức Hòa- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ xúc động nói: Dạy dỗ học sinh biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là những việc nhỏ và hết sức bình thường. Nhưng nhìn những đứa trẻ đặc biệt trong lớp học tình thương có thể làm thuần thục được những điều bình thường ấy mới thấy được nghị lực phi thường cũng như tấm lòng cao quý của cô giáo Hòa.

Ngành GD-ĐT Chương Mỹ thực sự trân trọng và tự hào vì có một tấm gương sáng, giàu lòng nhân hậu như cô giáo Hòa. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô Hòa không chỉ góp phần nâng tầm suy nghĩ, nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, giáo viên, người lao động của nhiều trường học trên địa bàn huyện, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để mọi người làm thêm nhiều việc tốt, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/me-hoa-cua-nhung-vang-trang-khuyet-4036549-v.html