'Mẹ hiền' của những cuộc đời lầm lỡ

Họ là những bác sĩ đặc biệt, làm việc ở một nơi rất đặc thù, hằng ngày chăm sóc, điều trị cho những cuộc đời lầm lỡ, sa ngã vào con đường nghiện ngập. Đó chính là những bác sĩ của Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An.

Dọc theo Quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, không khó để nhận ra biển chỉ dẫn đường vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An. Men theo sườn núi, tiếp tục đi thêm một quãng đường gần 3km nữa đã thấy xa xa thấp thoáng bóng dáng của những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nhấp nhô hiện lên giữa một thung lũng được bao quanh bởi bạt ngàn núi rừng. Ở nơi đó có các y sĩ, bác sĩ vẫn đang ngày đêm miệt mài làm công việc của những “mẹ hiền”.

 Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An trong giờ thể dục.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An trong giờ thể dục.

Có mặt tại Phòng Y tế của Trung tâm, một không khí làm việc tất bật, khẩn trương là những gì chúng tôi nhìn thấy được. Gạt những giọt mồ hôi còn vương lại trên trán sau khi vừa cắt cơn cho một học viên mới vào đang lên cơn khát thuốc xong, bác sĩ Nguyễn Hữu Điệp - Trưởng phòng Y tế tâm sự với chúng tôi: “Tổng số biên chế hiện có của Trung tâm là 46 người chia ra 5 phòng ban khác nhau. Riêng phòng Y tế có 7 cán bộ gồm: 2 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 điều dưỡng và 1 dược sĩ cao đẳng. Vì là một đơn vị đặc thù nên phải đóng quân ở một nơi xa khu dân cư, hầu hết cán bộ, nhân viên ở đây đều phải làm việc xa gia đình cả mấy chục cây số. Hầu hết tuổi đời của các y sĩ, bác sĩ đang còn trẻ, con đang còn nhỏ, nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên họ phải thay ca nhau thường xuyên có mặt 24/24 để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm 100% các kíp trực, sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho học viên trong mọi tình huống. Đặc biệt, nan giải nhất vẫn là giai đoạn cắt cơn giải độc cho họ”.

Giai đoạn này thường là vất vả nhất trong năm bởi cứ hết Tết Nguyên đán là số lượng bệnh nhân được đưa vào Trung tâm lại gia tăng đáng kể. Chỉ riêng hơn 10 ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, đã có 23 học viên được đưa vào. Y tá Thái Thị Quỳnh cho biết thêm: “Các bệnh nhân mới vào, biểu hiện bệnh còn nặng, những lúc lên cơn khát thuốc vật vã, có những trường hợp ngáo đá lâu ngày, không làm chủ và kiểm soát được các hành vi của mình có thể có những biểu hiện chống đối, đôi khi còn gây thương tích cho đội ngũ y tế thực hiện nhiệm vụ trong ca. Nhớ lại những ngày đầu đi làm run sợ lắm, nhìn hình ảnh những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối vật vã, nhìn hình ảnh những bệnh nhân ngáo đá tự hủy hoại bản thân mình nhìn chúng tôi như muốn “ăn tươi nuốt sống” mà không dám lại gần chứ chưa nói gì đến khám bệnh cho họ. Nhưng làm lâu rồi cũng quen. Thấu hiểu được các bệnh nhân không chỉ là người bệnh đơn thuần, rà soát hồ sơ, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, các đặc điểm tâm sinh lý, cũng như tự học tập trau dồi kỹ năng tiếp cận với người nghiện giúp chúng tôi tự tin và dần tiếp cận được với bệnh nhân”.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số II Nghệ An trong giờ lao động tăng gia.

Nhìn cách các y sĩ, bác sĩ làm việc, trong lòng chúng tôi không khỏi thán phục. Để đối xử với những con người không may sa ngã, một thời lầm lạc này đòi hỏi các y sĩ, bác sĩ ở đây phải có thật nhiều sự cố gắng, tình yêu thương và bao dung.

Lô Văn Thắng, một học viên gần đến ngày tái hòa nhập cộng đồng xúc động kể với chúng tôi: “Ở ngoài xã hội, em bị người đời khinh rẻ, coi thường, gia đình, bạn bè xa lánh khiến em chán nản lại tìm đến ma túy để vơi đi, đã sai lầm lại còn sai lầm hơn nữa, cho đến khi em được đưa vào đây em mới thấy rằng bọn em vẫn là một con người như bao nhiêu con người khác. Ở đây, bọn em được xem như những con người bình thường, được hỏi han, trò chuyện nên không còn thấy cô đơn, lạc lõng nữa. Em biết ơn cán bộ Trung tâm lắm, nhất là các y sĩ, bác sĩ đã cắt cơn, giải độc cho em để em trở lại làm một con người bình thường, không còn mang trong mình mầm mống của cái chết trắng nữa. Kết thúc đợt trị liệu ở đây, e quyết tâm sẽ làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Các y sĩ, bác sĩ đang khám cho các bệnh nhân đã hoàn thành đợt cai nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Vào khu điều trị đặc biệt dành riêng cho những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối chúng tôi càng thấu hiểu hơn sự vất vả và nghị lực phi thường của những y sĩ, bác sĩ nơi đây. Trong gian phòng rộng hơn 20m2 có đến 9-10 bệnh nhân đang điều trị. Nhìn họ lở loét đầy mình, người gầy rộc tưởng chừng như còn bộ xương. Ấy vậy mà, bỏ qua những nguy hiểm đang rình rập, mức độ phơi nhiễm cao, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị lây nhiễm, đội ngũ y sĩ, bác sĩ nơi đây vẫn vượt lên tất cả để làm tròn sứ mệnh khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng với biết bao niềm tự hào. Những tấm Bằng khen các cấp, ngành tặng thưởng treo khắp phòng làm việc chính là sự ghi nhận cho tinh thần quả cảm, trách nhiệm, lòng yêu nghề và y đức đối với người bệnh của những cán bộ y tế nơi đây...

Bài, ảnh: NHẬT NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/me-hien-cua-nhung-cuoc-doi-lam-lo-652581