Mẹ già 75 tuổi nuôi gia đình 5 người tâm thần phân liệt

Không dứt ruột sinh ra nhưng bao nhiêu năm nay bà coi anh như con đẻ. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn lo từng bữa ăn cho cả gia đình 6 người thì có 5 người bị tâm thần

Bà Trần Thị Lung (75 tuổi) vẫn chăm sóc gia đình người con nuôi bị tâm thần phân liệt

Bà Trần Thị Lung (75 tuổi) vẫn chăm sóc gia đình người con nuôi bị tâm thần phân liệt

Ở xóm Trại ai cũng biết nhà bà Trần Thị Lung, (75 tuổi, xóm Trại, thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bởi gia đình 6 người thì 5 người thần kinh không bình thường. Anh con nuôi Nguyễn Văn Đắc (sinh năm 1978) bị tâm thần phân liệt, chẳng mấy khi ở nhà, cứ lang thang hết làng trên xóm dưới.

Anh Đắc được vợ chồng bà Lung nhận nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Năm 3 tuổi, bà phát hiện ra anh không được khôn như trẻ cùng tuổi. Cứ ai đi qua nhà là Đắc lại giơ tay rủ vào chơi rồi cười hềnh hệch.

Đến tuổi đi học, Đắc cũng được mẹ nuôi cho đến trường, nhưng đúp lên đúp xuống, lên lớp 3 thì tự bỏ học. Lớn lên, anh được người trong làng cho đi phụ hồ, nhưng chỉ làm những công việc đơn giản như vác gạch, xúc cát... Lương nhận về cũng đủ nuôi bản thân.

Năm 20 tuổi, được hàng xóm mai mối, anh Đắc nên duyên với chị Sơn (sinh năm 1970), người xóm bên, hơn anh 8 tuổi. Chị Sơn đầu óc cũng không được bình thường. Trước kia chưa bị tai nạn lao động chị còn đi lại nhanh nhẹn. Bây giờ chân có tật chị không còn đi bắt ốc như trước nữa.

Người dại mà lấy được người khôn thì gia đình đỡ khổ. Đằng này, dại lấy dại, mấy đứa con sinh ra chẳng đứa nào được bình thường. Bao nhiêu năm nay gia đình toàn được xét vào hộ đặc biệt khó khăn trong xã.

Lấy nhau được một năm, năm 1999 chị Sơn sinh được cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Văn Trường. Cậu bé sinh ra khôi ngô khiến bà Lung khấp khởi mừng, hy vọng cháu không giống bố mẹ. Tuy nhiên, đến năm 3 tuổi, Trường cũng có những biểu hiện giống bố trước đây, đi ra ngoài cứ thấy túi ni lông là cho vào miệng nhai. 6 tuổi, Trường được đi học nhưng không có chữ nào vào đầu. Trong một đợt kiểm tra sức khỏe của một đoàn từ thiện từ trung ương về xã, cậu bé bị chẩn đoán thiểu năng trí tuệ, không thể tiếp tục học tập.

Sau Trường, hai em gái là Nguyễn Kim Yến (sinh năm 2002) và Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 2006) đến tuổi đi học cũng được chẩn đoán thiểu năng. Giờ chỉ có Linh tiếp tục đến trường, nhưng chẳng biết đọc, biết viết.

3 đứa cháu bị thiểu năng trí tuệ hầu như không giúp được việc gì trong gia đình

Cách đây 8 năm, một lần do mâu thuẫn với cai thầu, anh Đắc bị đánh đến chấn thương sọ não, rồi được chuyển lên Bệnh viện tâm thần trung ương với chẩn đoán tâm thần phân liệt. Về nhà, anh không làm được gì, suốt ngày chỉ lang thang. Bà Lung trước mắt còn tinh, chân đi lại còn nhanh nhẹn thì vẫn lùng sục khắp nơi tìm con, đưa về nhà ăn uống, tắm rửa. Giờ bà bị đục thủy tinh thể, người đứng trước mặt nhìn còn chẳng rõ nên không đi tìm anh nữa, khi nào nhớ thì về.

Trước kinh tế gia đình bà Lung còn trông chờ được vào 6 sào ruộng, giờ bà yếu nên chẳng ai làm nữa. "Năm ngoái 3 mẹ con nhà nó cũng cầm liềm đi gặt 6 thước ruộng. Bình thường khoảnh ruộng đó một người gặt trong 20 phút, đây 3 người đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Chắc ở ngoài đó cười với nhau", bà Lung ngao ngán.

Không ai cấy lúa nên giờ đến gạo nhà bà cũng phải mua. Cả nhà hiện chỉ trông chờ vào 4 suất trợ cấp của những người thần kinh trong nhà, tổng cộng hơn 2 triệu mỗi tháng. Bữa cơm hàng ngày chỉ là vài miếng đậu phụ và rau cỏ người làng bán rẻ cho. Bà Lung cũng nuôi dăm ba con gà, họa hoằn có giỗ chạp các cháu lại được bữa cải thiện

Vất vả, nhưng bà Lung vẫn luôn tự hào vì ít khi phải vay nợ hàng xóm. "Tôi già rồi, biết sống đến bao giờ nên chẳng muốn vay mượn ai. Nhỡ chết ra đấy, con cháu thì thế này, không trả được nợ thì áy náy lắm", bà cho biết.

Ngôi nhà là nơi trú mưa nắng của 6 người được xây dựng từ những năm 70 của thế kĩ trước đến nay đã quá cũ kĩ và xiêu vẹo. Trên nóc nhà có đến hơn 10 chỗ dột. Mỗi lần mưa, bà Lung phải lấy những tấm áo mưa phủ lên màn để tránh bị ướt chỗ nằm. Phía cuối giường treo la liệt những bộ quần áo, trên giường chăn màn ám màu đen kịt như thể hàng năm nay chưa được giặt giũ.

Trong ngôi nhà của mấy mẹ con bà Lung, tiếng nói cười của những đứa trẻ ngây ngô xen với tiếng thở dài của bà nội. Cuộc sống cứ mòn mỏi trôi qua từng ngày mà không biết rằng tương lai của gia đình nhỏ rồi sẽ đi về đâu.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/me-gia-75-tuoi-nuoi-gia-dinh-5-nguoi-tam-than-phan-liet-d148892.html