Mẹ đừng để con bị sởi nặng hơn vì... kiêng nước, kiêng gió

Khi bị sởi, cha mẹ thường cấm nước, cấm gió cho trẻ. Thực tế, điều này không những không làm trẻ nhanh khỏe mà còn gia tăng nguy cơ làm cho bệnh của trẻ trầm trọng hơn.

Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa Đông Xuân, tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, bệnh sởi diễn ra quanh năm. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trường hợp phát ban nghi sởi. Hầu hết trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi.

Trên báo Nhân dân, để chủ động phòng tránh bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo: đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc-xin dự phòng, trong đó có vắc-xin sởi.

Khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc sởi; thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay bằng xà-phòng khi chăm sóc trẻ, bảo đảm các biện pháp về dinh dưỡng và dự phòng mà ngành y tế đưa ra...

Trẻ bị sởi, tắm thế nào cho đúng?

Việc chăm sóc trẻ trong những ngày bị bệnh, nhất là giai đoạn ban đỏ đang mọc dày rất quan trọng. Dù được ngành y thông tin rất nhiều về cách chăm sóc trẻ bị mắc sởi tại nhà nhưng nhiều cha mẹ vẫn mắc sai lầm khiến trẻ bị bệnh nặng hơn và gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Một trong số những vấn đề nhiều cha mẹ hay mắc phải đó là kiêng nước, kiêng gió cho con.

Theo kinh nghiệm dân gian, người nào bị mắc sởi sẽ ở yên trong phòng, không được ra ngoài gió, khong được tắm rửa, và cũng không được tiếp xúc với mọi người để tránh làm lây bệnh. Tuy nhiên, thực tế, cái gì kiêng quá cũng không phải là tốt.

Trên báo Tin Tức, Ths.Bs Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ: "Việc giữ gìn vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ trong giai đoạn mắc bệnh sởi là rất quan trọng vì nếu không đảm bảo vệ sinh da, trẻ rất dễ bị bội nhiễm. Các cha mẹ không nên kiêng quá kỹ mà không tắm cho trẻ hoặc chăm sóc trẻ ở nơi phòng quá kín".

Theo BS. Hương hướng dẫn: Cách tắm cho trẻ bị sởi khá đơn giản, chỉ cần cho trẻ tắm nước ấm, tắm ở nơi kín gió, không có gió lùa, tắm nhanh (dưới 10 phút) sau đó lau khô và giữ ấm người cho trẻ. Còn việc chăm sóc trẻ nên ở phòng thoáng khí, có thể mở hé cửa sổ để không khí bên ngoài tràn vào phòng. Đặc biệt phòng chăm sóc trẻ bệnh cần phải lưu thông không khí với bên ngoài để tránh tích tụ các vi khuẩn gây bệnh trong phòng trẻ.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ

Trên Phụ nữ sức khỏe, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) lưu ý thêm, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, vệ sinh môi trường xung quanh và phòng ngủ của trẻ được thông thoáng sạch sẽ.

Người thân chăm sóc trẻ tốt nhất nên đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ bị nhiễm bệnh.

Để chăm sóc mắt cho con, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, ngày 3 lần.

Với trẻ nhỏ đang bú mẹ thì cần tích cực cho con bú. Trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ nên có chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ để rút ngắn thời gian lành bệnh.

Ngoài ra, khi chọn thức ăn cho con nên chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và cần được nấu chín kỹ. Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh cho trẻ ăn một lúc quá no.

Trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém là những đối tượng dễ mắc bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, sởi sẽ trở thành căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng như suy dinh dưỡng, nhẹ cân, tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa… thậm chí gây tử vong. Do đó, khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao liên tục, khó thở, thở nhanh, trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, phát ban hết toàn thân mà vẫn sốt… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để đươc bác sĩ thăm khám kịp thời.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi ở trẻ em. Theo y học hiện đại, cách chữa bệnh chủ yếu vẫn là cải thiện triệu chứng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và có chế độ ăn uống hợp lý. Đặc biệt, để phòng bệnh sởi cho trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đủ mũi, đúng lịch; cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi có mầm bệnh, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người, cho trẻ ăn đủ chất để tăng cường sức đề kháng...

Sơn Bình tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-dung-de-con-bi-soi-nang-hon-vi-kieng-nuoc-kieng-gio-518060.htm