Mẹ dạy con gái mắc chứng down bước vào tuổi dậy thì

Là mẹ của một cô bé 16 tuổi không may mắc hội chứng down, chị Nguyễn Thùy Dương (SN 1978, ở Hà Nội) đã có những chia sẻ về việc giúp con gái bước vào tuổi dậy thì một cách rất đời thường, nhiều yêu thương.

Chị Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Tôi không xác định rõ thời điểm bé Hồng Hà của tôi “chuẩn bị dậy thì” như thế nào, nhưng ngay từ khi con khoảng 7 hay 8 tuổi, tôi tự dưng hay nhắc con về việc phải giữ ý. Tôi dặn con rất kỹ về việc không được hôn (thơm) người khác ngoài mẹ và ngược lại không cho người khác hôn. Khi chơi với anh họ thì không được ôm ấp.

Tôi dạy con cách ý tứ trong sinh hoạt, ví dụ như mặc váy thì phải ngồi thế nào, muốn thay quần áo thì phải thay chỗ nào kín đáo, ăn uống thì phải thế nào. Khi tắm hoặc rửa vệ sinh cho con, lần nào tôi cũng chỉ vào những vùng nhạy cảm và nhắc con không được cho ai ngoài bố mẹ, cô giáo (trong trường hợp con cần trợ giúp) động vào, nếu có thì cũng chỉ được động vào trong trường hợp nào, không thì phải xử lý thế nào (hét to, bỏ chạy, hoặc sau đó phải kể lại với mẹ).

Đến khi con 10 tuổi, bố chính thức không hỗ trợ con những việc cá nhân ấy nữa. Lúc này, con cũng gần như tự làm, tôi chỉ hỗ trợ bằng cách thỉnh thoảng kiểm tra thôi. Tôi biết con làm chưa đủ chuẩn, chưa đủ sạch (đến giờ vẫn chưa đủ), nhưng tôi vẫn để con tự làm rồi thỉnh thoảng giả vờ như vô tình phát hiện ra “hôm nay con làm chưa đúng” và tiện thể chỉ cho con phải thế này thế kia để đúng hơn - như thế con vui vẻ sửa theo và sẽ nhớ cho lần sau”…

Hiện giờ, tôi đi làm cả ngày, con cũng đi lớp cả ngày, nên hầu như chỉ có buổi tối ở cùng nhau. Cũng tùy thời điểm, có những hôm bố mẹ mệt mỏi thì con tự chơi (xem ti vi, máy tính, tự tập múa hát, chơi đồ chơi) không thì mẹ sẽ chơi đồ chơi cùng con, hoặc dạy con học chữ, tập đọc, cũng chỉ khoảng nửa tiếng, còn lại để con chơi tự do.

Tôi không quan trọng việc “bao nhiêu thời gian”, mà quan trọng là mỗi khi có thời gian thì ta làm gì cùng nhau. Cuối tuần, tôi hay rủ con cùng xuống bếp, con sẽ phụ mẹ nhặt rau, rửa bát…

"Tôi thường đưa con đi chơi với các con của bạn mình, hoặc đến khu vui chơi, công viên để con được vận động, tiếp xúc với mọi người. Quan điểm của tôi là không cần phải tiếp xúc và dễ thương với tất cả mọi người mà chỉ cần tập trung mối quan hệ với những người bạn thân sẵn có".

"Tôi thường đưa con đi chơi với các con của bạn mình, hoặc đến khu vui chơi, công viên để con được vận động, tiếp xúc với mọi người. Quan điểm của tôi là không cần phải tiếp xúc và dễ thương với tất cả mọi người mà chỉ cần tập trung mối quan hệ với những người bạn thân sẵn có".

Khi dạy con, mẹ thành người kiên nhẫn nhất

Nếu như các bà mẹ có con ở tuổi dậy thì bình thường, khi dạy, có thể mẹ chỉ cần nói vài lần, còn với Hà, mẹ phải nói rất rất nhiều lần, thậm chí phải cụ thể bằng hành động minh họa, làm mẫu vì con ít hiểu được nguồn gốc “vì sao phải thế”…

Đôi khi, tôi cũng phải chọn cách nói đơn giản và dứt khoát là không được làm việc này, không được làm việc kia - coi như là mệnh lệnh, yêu cầu. Khi ấy, con có thể hiểu mệnh lệnh, yêu cầu và làm theo, nhưng thường lại không “ngay lập tức”.

Với Hồng Hà, mẹ dạy con theo cách mưa dầm thấm lâu, lại nói nhiều, làm mẫu nhiều con sẽ làm theo, phải nhẹ nhàng, từ từ… 1 lần, 2 lần, nhiều lần, mà lần thứ nhiều ấy cũng vẫn phải như lần 1 - nghĩa là cố gắng không thể cáu kỉnh kiểu như “bực quá nói mãi không được".

Khi thấy con càng lớn, mẹ lại có thêm nhiều lo lắng vì con lớn thì mẹ cũng dần nhiều tuổi, lo về việc sau này con làm gì, con ra sao khi không có tôi. Mà cái nỗi lo này, lại rất khó giải quyết. Vì vậy, hiện tại tôi chỉ có cách là cố gắng kiên nhẫn hướng dẫn con độc lập được càng nhiều càng tốt, ít nhất là phải biết tự chăm sóc bản thân trong những việc cá nhân, rồi thì tự biết làm những việc đơn thuần trong gia đình, nếu tốt hơn thì hướng cho con được 1 công việc (cái này khó lắm, cá nhân tôi đang mông lung lắm) và phải chuẩn bị kinh tế (tiền bạc) cho con ở mức nhiều nhất có thể.

Khi thấy con càng lớn, mẹ càng thấy cần phải dạy kỹ năng tự chăm sóc nhiều hơn...

Yêu thương con như việc mình đương nhiên phải thở

Việc có Hồng Hà làm tôi thay đổi rất nhiều, theo hướng tích cực. Có thể thời gian đầu là rất buồn, khóc rất nhiều, có chút oán trách số phận… Nhưng mọi chuyện cũng qua đi. Từng ngày bên Hà, tôi thấy việc đầu tiên chỉ cần là tình yêu. Mình cứ yêu thương như việc đương nhiên mình phải thở, thế là tự nhiên tìm được cách để làm mẹ, học được cách để ứng xử, nuôi dạy con…

Cũng nhờ con xuất hiện trong cuộc đời này, bây giờ mẹ học được cách sống nhẹ nhàng không bon chen, không đấu đá, không vội vã...

* Clip cô bé Hồng Hà của chị Dương trượt patin, đi xe đạp, làm đồ ăn, làm bánh…

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/me-day-con-gai-mac-chung-down-buoc-vao-tuoi-day-thi-post44925.html