Mẹ của đứa trẻ không biết cười

Chị Nguyễn Thị Định (giáo viên Trường THCS Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) không may mắn có con bị bại não. 15 năm nay, cháu chỉ nằm một chỗ, không thể nói cười như bạn bè cùng trang lứa.

Chị Nguyễn Thị Định và đứa con bị bệnh (bìa phải) đã 15 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Định và đứa con bị bệnh (bìa phải) đã 15 tuổi.

Hạnh phúc là bắt đầu của… xót xa

Tốt nghiệp sư phạm, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Định bén duyên cùng anh bộ đội cùng quê tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Được gia đình nội, ngoại vun đắp mối tơ duyên, năm 2005, lễ cưới của anh chị được tổ chức trong ngập tràn hạnh phúc.

Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi anh chị đón đứa con đầu lòng vào năm 2006. Tiếng khóc của trẻ thơ đã làm tan biến những nhọc nhằn trong căn nhà nhỏ. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, đứa con bé bỏng của anh chị phải nhập viện khi mới 4 tháng tuổi. Bác sĩ chuẩn đoán cháu bị rối ruột phải làm phẫu thuật. Lần 1 rồi lần 2, biến chứng sau khi phẫu thuật là căn bệnh bại não thể co cứng. Kể từ đó, cuộc sống của chị và gia đình là đằng đẵng những tháng ngày trong bệnh viện.

Từ khi bị biến chứng sau phẫu thuật, cháu liên tục đau ốm. Vợ chồng cùng gia đình đã đưa đến khám chữa ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh tình hầu khi không có biến chuyển. 15 năm nay, cháu chỉ nằm một chỗ, không thể nói cười như bạn bè cùng trang lứa. Năm 2017, gia đình có xin được tài trợ từ một quỹ thiện tâm để ghép tế bào gốc. Sau lần ghép tế bào gốc này, cháu đỡ ốm vặt và lớn hơn một chút còn mọi thứ khác dường như không có chuyển biến.

Những năm đầu mới nhận công tác tại Trường THCS Trung Hà, chị Định và gia đình đã quyết định thuê nhà gần trường để tiện cho công việc và chăm sóc con. Thế nhưng, đồng lương giáo viên mới ra trường còn eo hẹp, chồng thì công tác xa, việc gia đình nội ngoại cũng nhiều nên chỉ thời gian ngắn, chị Định cùng gia đình chuyển về quê sinh sống. Hàng ngày, chị đi xe máy đến trường với quãng đường cả đi và về trên 50 cây số. Con cái ban đầu nhờ ông bà nội chăm sóc, hết thời gian ở trường, chị lại nhanh chóng trở về nhà. Với chị, những buổi hội hè cùng đồng nghiệp dần trở thành một thứ hàng xa xỉ.

Chỉ mong một điều ước giản dị

Chồng của chị Định hiện đang công tác tại Trường bắn Quốc gia, thuộc Quân đoàn 2, đóng tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Với chị Định, chị thương bản thân mình một thì có lẽ chị thương chồng, thương con gấp năm, gấp mười.

Tâm sự trong nước mắt, chị Định kể: “Gia đình hiện có 6 thành viên. Mẹ chồng năm nay đã 87 tuổi. Trước đây, khi bố chồng còn sống, ông bà vẫn tự chăm sóc được bản thân và chăm lo cả phần con cháu. Từ khi ông mất, bà nội cũng thường xuyên bị đau ốm, có thời gian phải nằm một chỗ. Chồng đóng quân ở xa, tôi vừa chăm mẹ chồng, vừa chăm con ốm và cháu nhỏ. Cũng may, các anh chị nhà chồng và họ hàng nội, ngoại thương tình nên cũng thường xuyên qua hỗ trợ để tôi có thời gian lên lớp.

Về phần chồng, những tháng bị dịch Covid-19, anh không được về nhà. Rồi mùa huấn luyện quân, trực chiến, gác bắn có khi vài tuần, thậm chí vài tháng anh mới được về. Vì hoàn cảnh gia đình nên ngày phép hàng năm anh đều phải để dành, có xin nghỉ phép thì chỉ xin đi một nửa, còn lại để phòng khi gia đình có việc lớn hoặc con cái ốm đau, nằm viện”.

Biết hoàn cảnh gia đình chị Định, Ban giám hiệu Trường THCS Trung Hà cùng đồng nghiệp luôn tạo mọi điều kiện có thể để chị yên tâm công tác và có thêm chút thời gian chăm lo cho gia đình. Sự tin yêu, đùm đọc của đồng nghiệp cùng sự hỗ trợ của gia đình nội ngoại đã giúp chị Định dần vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống để tận tâm cống hiến với nghề. Thành quả công tác của chị cũng đã được ghi nhận, mới đây, chị đã giành giải Nhất, Hội thi Giáo viên giỏi các môn Khoa học Tự nhiên huyện Yên Lạc năm 2020.

Tới đây, chị Định sẽ tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chị chia sẻ: “Được nhà trường tin tưởng, các anh các chị động viên, tôi cũng phải cố gắng hết sức tham gia hội thi. Tranh thủ những lúc ngoài giờ lên lớp, ở nhà những lúc con ngủ, tìm hiểu tài liệu, viết đề tài, bồi dưỡng thêm những kiến thức, kĩ năng, phương pháp mới để áp dụng phù hợp nhất với bài dự thi của mình. Dù khó khăn đến đâu, cứ nỗ lực, không ngừng cố gắng. Mục tiêu thì không đặt ra nhiều mà chủ yếu là được học hỏi từ đồng nghiệp và nhất là nhận xét của Ban giám khảo để mình được hoàn thiện hơn về kỹ năng, nghiệp vụ”.

Nói về mong ước, chị chỉ mong sức khỏe của con được cải thiện. Để mẹ con được “bên nhau”. Mẹ chồng chị khỏe lại như trước để mẹ con, bà cháu nương tựa vào nhau. Để bà chăm thằng bé cho bố cháu yên tâm công tác.

“Tôi luôn trăn trở và ước mong các bác lãnh đạo có thể thấu hiểu, quan tâm đến hoàn cảnh mẹ con tôi. Cho tôi được chuyển công tác về gần nhà để cho đỡ vất vả. Được về gần nhà, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn chăm sóc mẹ già và các con, đặc biệt là con lớn bại não. Chứ ở xa trường thế này, sáng thì đi từ tờ mờ, chiều về tối sẩm. Nắng ráo còn đỡ, gặp phải đợt nào mưa rét thì khổ lắm. Mỗi ngày, cả đi lẫn về hơn 50 cây số, xe cộ thì cũ nát nhiều lúc dở chứng lại chậm muộn, nhờ vả anh em cũng phiền... Còn về vật chất, tôi nghĩ xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn nên tôi không mong muốn được mọi người hỗ trợ mà nên dành cho những hoàn cảnh khác” – Chị Định nói trong nước mắt.

Thầy Dương Viết Thắng, giáo viên cùng trường chia sẻ:“Thật cảm phục quãng đường hơn 50 cây số cả đi lẫn về của cô giáo Nguyễn Thị Định trong gần 20 năm công tác (quãng đường từ xã Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội đến Trường THCS Trung Hà - Yên Lạc dài khoảng 27km). Ước nguyện chuyển về dạy học gần nhà của cô thật chính đáng. Tôi đã khuyên cô làm đơn gửi Phòng GD&ĐT, để các cấp quản lý biết, quan tâm, tạo điều kiện cho cô. Sự nghiệp GD-ĐT luôn cần những giáo viên yêu nghề, nhiệt huyết và nghị lực như cô. Hy vọng, mong ước giản dị đó của cô sẽ sớm trở thành hiện thực để cô bớt đi phần nào gian nan, tiếp tục yên tâm cống hiến cho nghề".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/me-cua-dua-tre-khong-biet-cuoi-HWRknIwGg.html