Mẹ của bé trai bị bố ruột bạo hành cần làm gì để giành quyền nuôi con?

Mẹ đẻ của bé có thể yêu cầu tòa ra quyết định hạn chế quyền của bố đẻ trong việc chăm sóc, tiếp cận con.

Trần Hoài Nam (bố ruột của bé trai 10 tuổi) đang thực nghiệm lại hành vi đánh đập con. Ảnh: Cơ quan công an.

Với vai trò luật sư cũng như một ông bố trẻ, luật sư Lê Văn Hồi, Công ty Tư vấn Penfield, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thường xuyên theo dõi các thông tin, diễn biến những vụ bạo hành, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe trẻ em gây bức xúc dư luận, đặc biệt vụ bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị bố và mẹ kế đánh mới đây.

Trong quá trình công tác, luật sư Hồi chưa gặp phải những vụ việc pháp lý tương tự nhưng từng chứng kiến nhiều cảnh trẻ em bị bạo hành với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Theo luật sư, tại một số quốc gia, người lớn đánh trẻ con bị coi là hành vi phạm tội. Tuy nhiên ở Việt Nam, tâm lý "thương cho roi cho vọt" dẫn tới việc trẻ bị đánh diễn ra khá thường xuyên và người lớn cho đó là hành vi bình thường.

"Từ tâm lý như vậy rất dễ chuyển hóa sang hành vi bạo hành, đánh đập ở mức độ nặng nề, gây tổn thương nghiêm trọng như vụ bé trai nêu trên", luật sư Hồi nói.

Dựa trên những thông tin tiếp cận được, luật sư Hồi đánh giá sơ bộ một số hành vi vi phạm của bố và mẹ kế bé trai như sau:

Thứ nhất, bố và mẹ kế đã có hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 khi có hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý và có hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe của cháu bé.

Thứ hai, tùy vào mức độ thương tật của bé, bố và mẹ kế có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự dưới đây:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người

Luật sư phân tích, hành vi đánh đập, gây tổn hại đến sức khỏe của cháu bé diễn ra trong thời gian hơn một năm và diễn ra nhiều lần nên bố và mẹ kế của bé có thể phải chịu mức hình phạt tù lên đến 3 năm do có hành vi phạm tội nhiều lần, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân.

Ngoài ra, bố và mẹ kế còn phải chịu các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 48 Bộ Luật Hình sự với hành vi "Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác".

"Phụ thuộc vào mức độ thương tật, nếu mức độ thương tật của cháu bé được cơ quan giám định pháp y xác định từ 11% đến 30% thì bố và mẹ kế còn phải đối mặt với mức hình phạt từ hai đến 7 năm tù", luật sư Hồi cho hay.

Chiều 5/12, bé Hải (đã đổi tên) bỏ trốn khỏi nhà bố và mẹ kế và về nhà ông bà nội. Ảnh: Hà Phương.

Khi phát hiện con mình bị bạo hành, các bậc phụ huynh cần ngay lập tức tiến hành bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực để có thể ngăn chặn hành vi bạo lực tiếp tục tái diễn, ngăn ngừa các đối tượng có hành vi bạo hành tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp không thể tự mình cách ly trẻ đến nơi an toàn, các bậc phụ huynh cần báo ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền là ủy ban nhân dân, cơ quan công an xã, phường, nơi có hành vi bạo lực diễn ra.

Sau khi hoàn tất bước cách ly và ngăn ngặn, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, thậm chí là bác sĩ tâm lý để thăm khám sức khỏe, xác định mức độ tổn thương về sức khỏe, tinh thần cho cháu bé.

Song song với bước thứ hai, phụ huynh cũng cần làm đơn trình báo nội dung vụ việc đến cơ quan công an cấp xã/phường để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật. Tùy mức độ nghiêm trọng mà cơ quan công an cấp/xã phường có thể xem xét chuyển lên công an quận/huyện để giải quyết theo trình tự.

Đối với trường hợp cá biệt của bé 10 tuổi nêu trên, mẹ đẻ của cháu cần nộp đơn ra tòa án nhân dân cấp quận/huyện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình. Đồng thời với việc thay đổi này, nếu như bố đẻ bị kết tội cố ý gây thương tích, mẹ đẻ của bé còn có thể yêu cầu tòa án ra quyết định hạn chế quyền của bố đẻ trong việc chăm sóc, tiếp cận con theo quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân gia đình trong thời gian từ một đến 5 năm.

"Trong trường hợp bà mẹ này cần trợ giúp pháp lý, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ miễn phí", luật sư Hồi khẳng định.

Hà Phương

Nguồn Ngôi Sao: https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/me-cua-be-trai-bi-bo-ruot-bao-hanh-can-lam-gi-de-gianh-quyen-nuoi-con-3681998.html