Mê Công - Dòng sông tương lai

Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam - 6 quốc gia có dòng sông Mê Công-Lan Thương (theo tiếng Trung Quốc) chảy qua không chỉ đang nuôi dưỡng nền văn hóa đặc sắc, tương đồng, mà còn hình thành mối quan hệ kinh tế-văn hóa có lịch sử lâu đời, vững chắc. Hiện, cả 6 nước đang tích cực tham gia hợp tác khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài, dốc sức phát triển cơ sở hạ tầng để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước ven sông Mê Công-Lan Thương đi vào chiều sâu đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi nước.

Các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công-Lan Thương (MLC) lần thứ hai tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia, ngày 10-1-2018. Ảnh: TTXVN

Hợp tác Mê Công-Lan Thương là cơ chế hợp tác do 6 nước thượng nguồn, hạ nguồn của sông cùng triển khai, đã đạt được rất nhiều thành quả kể từ khi thành lập. Ngày 23-3-2016, để thực hiện sáng kiến hợp tác Mê Công-Lan Thương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 17, Trung Quốc và 5 nước khu vực sông Mê Công đã tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo đầu tiên tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) và đưa ra Tuyên bố Tam Á, cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương. Ngày 10-1-2018, nhân dịp 2 năm ngày thành lập cơ chế, các nhà lãnh đạo của 6 nước đã tổ chức hội nghị lần thứ hai, để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong cơ chế hợp tác này.

Nhân tố thúc đẩy hợp tác

Hợp tác Mê Công-Lan Thương là bộ phận cấu thành tích cực nhất của quan hệ Trung Quốc-ASEAN, là tiêu chí quan trọng để đưa hợp tác giữa Trung Quốc và các nước trong tiểu vùng Mê Công lên một tầm cao mới. Hợp tác Mê Công-Lan Thương có được tiến triển nhanh như vậy là nhờ động lực bên trong mạnh mẽ, ngay từ đầu đã được các nước ASEAN công nhận và ủng hộ, là kết quả tất yếu của nhất thể hóa kinh tế khu vực. Thái Lan là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng hợp tác tiểu vùng Mê Công-Lan Thương vào năm 2012 và Trung Quốc đã có phản ứng tích cực. Sau đó, Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc nhiều lần xác nhận sẽ ủng hộ cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương.

Hợp tác Mê Công-Lan Thương là khu kinh tế xuyên quốc gia, theo đó, các bên phát huy ưu thế tương đối của mình, bổ sung những khiếm khuyết của nhau, thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh tổng hợp của các ngành nghề. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nước nhập khẩu lớn thứ 3 của Lào. Xét về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Myanmar, thứ 2 của Lào và Thái Lan, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và thứ 6 của Campuchia. Từ tổng lượng đầu tư cho thấy, Trung Quốc là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Campuchia, Lào và Myanmar, là nguồn đầu tư bên ngoài lớn thứ 8 của Việt Nam. Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ 3 của Thái Lan.

So với các quốc gia Đông Nam Á khác, vấn đề an ninh phi truyền thống mà Trung Quốc và các nước ven sông Mê Công phải đối mặt có tính đặc thù. Ví dụ như tính chất tác động dây chuyền và tính nhạy cảm của vấn đề nguồn nước, tình hình tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng, tính lưu động mạnh của người nhập cư bất hợp pháp... rất cần có sự hợp tác mang tính thể chế để cùng nhau đối phó.

Có hai cơ chế đa phương nhỏ quan trọng ở lưu vực sông Mê Công: Ủy hội sông Mê Công (MRC) và Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Từ khi thành lập đến nay, hai cơ chế này đã đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Nhưng qua thời gian, yêu cầu tạo ra các cơ chế mới để bổ sung và thúc đẩy hợp tác nổi lên, và cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương đã ra đời.

Dòng sông tương lai

Giống như các cơ chế khác, hợp tác Mê Công-Lan Thương cũng tồn tại những khó khăn cần tiếp tục vượt qua. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và đà phát triển mạnh, hợp tác Mê Công-Lan Thương trong thời gian tới cần tập trung vào một số phương diện sau.

Thứ nhất, các nước thuộc lưu vực sông Mê Công-Lan Thương cần củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, tăng cường kết nối, xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng hiệp thương thông cảm cho nhau.

Hai là, trao quyền cho cơ chế. Kinh nghiệm từ MRC, Cơ chế GMS cho thấy sức sống của cơ chế khu vực được quyết định bởi mức độ trao quyền ở các nước. Trong thời gian tới, muốn hợp tác Mê Công-Lan Thương đi vào chiều sâu và mở rộng lĩnh vực hợp tác thì các nước cần cùng nhau tìm kiếm ước số chung lợi ích, trao tư cách chính trị rõ ràng cho các cơ chế mới. Hợp tác Mê Công-Lan Thương với tư cách là một tổ chức của tiểu vùng, cần không ngừng tự hoàn thiện, củng cố mục tiêu, trình tự, thành quả hợp tác thông qua các hình thức như ban hành các nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao uy tín, mở rộng tầm ảnh hưởng trong hợp tác khu vực.

Ba là, xây dựng năng lực. Các nước trong lưu vực sông Mê Công có thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, vận hành chính trị cũng như năng lực phát triển khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc giàu kinh nghiệm, có khả năng tương đối mạnh về các mặt khai thác nguồn nước, khoa học trong nông nghiệp, quản lý tổng hợp đất đai..., Thái Lan cũng có ưu thế nhất định về các mặt xây dựng kinh tế, quản lý thành phố, quản lý môi trường..., còn Lào, Campuchia, Myanmar lại tồn tại điểm yếu riêng. Do đó, các bên cần phải thích ứng và tiếp xúc với nhau.

Bốn là, phối hợp bên trong và bên ngoài, cùng phát triển bền vững. Hiện khu vực này đã có các loại hình cơ chế hợp tác, ngoài MRC, GMS, còn có cơ chế hợp tác phát triển ASEAN-Mê Công (AMBDC), chương trình hành động hạ lưu sông Mê Công do Mỹ khởi động, Đối thoại cấp cao Mê Công-Nhật Bản, Hợp tác sông Hằng-lưu vực Mê Công do Ấn Độ khởi xướng, Hội nghị Ngoại trưởng Mê Công-Hàn Quốc... Những cơ chế này lần lượt do các nước hoặc tổ chức quốc tế khác nhau giữ vai trò chủ đạo, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhau. Hợp tác Mê Công-Lan Thương cần phải được phối hợp hài hòa với các cơ chế của tiểu vùng, giảm bớt sự hoài nghi lẫn nhau giữa các nước trong và ngoài khu vực và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ chế.

Năm là, hoàn thiện cơ chế thể chế. Trong giai đoạn đầu các cơ chế được thiết lập, các nước trong khu vực đều cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với nhau trên tất cả các mặt, hợp tác thông qua các cuộc tiếp xúc.

Sáu là, tăng cường sự kết nối theo chiều ngang, như hợp tác Trung Quốc-ASEAN, hợp tác Mê Công-Lan Thương và các tổ chức tiểu vùng khác. Thông qua xây dựng quan hệ đối tác với MRC, GMS..., hợp tác Mê Công-Lan Thương phải điều phối có hiệu quả mối quan hệ giữa các bên, có thể tiếp nhận các nước và các tổ chức khu vực khác làm quan sát viên, điều phối mối quan hệ giữa các nước trong ngoài khu vực và các tổ chức khu vực.

Cuối cùng là xây dựng hệ sinh thái tôn trọng tự nhiên, phát triển xanh. Đây chính là động lực để phát triển bền vững.

Hồng Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/me-cong-dong-song-tuong-lai/