Mẹ con tôi 'mắc kẹt' ở trường mác 'quốc tế'

Nhiều phụ huynh vì 'hào quang ảo ảnh', nghĩ 'đắt sẽ tốt', đầu tư cho con học các trường gắn mác quốc tế, dân lập chất lượng cao nhưng rồi không ngờ có lúc bị đối xử áp đặt, coi nhẹ, thậm chí bị đe dọa khi không có tiếng nói chung.

Với mong muốn con được học thực nghiệm nhiều, kiến thức bớt nặng nề hơn nên sau hồi đắn đo, suy nghĩ, hai vợ chồng tôi tặc lưỡi quyết định cho con học tại một ngôi trường tên nước ngoài ở Cầu Giấy (Hà Nội) mà sau này mới biết, mác quốc tế là do trường tự phong.

Tôi lựa chọn ngôi trường này bởi tiêu chí gần nhà, nhà trường cũng cam kết học phí tăng có lộ trình và không quá 10%/năm theo đúng quy định.

Thế nhưng, hồi đầu tháng 4 vừa qua, nhà trường gửi thông báo về việc vẫn thu đủ học phí online như học phí tại lớp, cùng với đó là thông báo về việc nhà trường sửa chữa, nâng cấp nên đề nghị phụ huynh tìm trường khác cho con.

Phụ huynh Trường Quốc tế Singapore căng băng rôn tại cổng trường, yêu cầu nhà trường trả lại học phí trong thời gian học sinh nghỉ học chống dịch Covid-19.

Phụ huynh Trường Quốc tế Singapore căng băng rôn tại cổng trường, yêu cầu nhà trường trả lại học phí trong thời gian học sinh nghỉ học chống dịch Covid-19.

Thông báo của nhà trường về mức thu học phí trong thời gian nghỉ dịch gây làn sóng phản đối vô cùng bực dọc từ các phụ huynh. Mức đóng học phí phải là kết quả sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, thế nhưng khi không hề có thỏa thuận, nhà trường vẫn quyết… thu đủ 100% học phí trong suốt thời gian các con ở nhà tránh dịch. Dù phụ huynh đã mang đơn cầu cứu khắp nơi nhưng cũng chỉ như "đá ném ao bèo".

Mệt mỏi hơn cả là bé nhà tôi năm nay lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6, cả nhà đang rất đau đầu chuyện tìm trường mới cho con khi nhà trường đột ngột thông báo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Lẽ thường, nếu sửa chữa nhà trường phải thông báo trước cho phụ huynh và học sinh từ trước khi năm học bắt đầu để các bên cùng có kế hoạch chuẩn bị phù hợp.

Nhưng không, nhà trường thông báo quá gấp gáp và yêu cầu phụ huynh tìm trường mới vào thời điểm cuối năm học khiến cho không chỉ con tôi mà hàng trăm học sinh đang học tập tại trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm trường học mới và có nguy cơ không được đi học trong năm học tiếp theo.

Bởi lẽ, đến thời điểm tháng 5, khi nhà trường thông báo phụ huynh tìm trường khác cho con thì nhiều trường ngoài công lập khác trên địa bàn đã tuyển sinh và chốt xong sĩ số, lúc ấy tôi cũng không còn cơ hội nộp hồ sơ cho con.

Các phụ huynh đã cùng nhau ký đơn kiến nghị gửi đến UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội, Thanh tra Bộ GD&ĐT.

Vì sao phải chuyển trường cho con gấp thế? Vì năm học 2020 – 2021 nhà trường thông báo học phí tăng vọt lên 200 triệu đồng/năm, trong khi mức hiện tại chỉ là 60 triệu đồng/năm, quả là quá sức với gia đình có 2 con học trường “quốc tế” như gia đình tôi. Như vậy là chuyển đi không được, ở lại cũng không xong, chúng tôi thực sự mắc kẹt ở “trường quốc tế” mà không biết phải đi đâu về đâu.

Ròng rã trong hơn 1 tháng qua, dù đã nhiều lần liên hệ với nhà trường trên tinh thần cầu thị, muốn thỏa thuận nhưng tôi và các phụ huynh khác không nhận được sự hợp tác.

Bạn bè tôi, có phụ huynh cho con học tại trường ngoài công lập, "trường tên tây" cũng đang đau đầu vì những quy định được cho là “thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường”. Khi có ý kiến bất đồng với nhà trường thì ngay lập tức bị gửi email cảnh báo, thậm chí có tính chất đe dọa.

Quá chán nản với cách đối xử của một cơ sở giáo dục, nhiều phụ huynh muốn chuyển trường cho con ngay lập tức nhưng lại gặp khó bởi không dễ dàng cho học sinh chuyển từ trường tư sang trường công. Có người đã không lường trước được những khó khăn thậm chí vỡ mộng khi chọn trường cho con.

Đây cũng là vướng mắc của không ít phụ huynh khi lỡ chọn trường ngoài công lập mà không tìm hiểu trước các quy định, chỉ vì nghĩ "đắt sẽ tốt" trong môi trường giáo dục.

Theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS và THPT thì việc chuyển trường từ ngoài công lập sang công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong 2 trường hợp.
Trường hợp 1: Học sinh phải chuyển nơi cư trú đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường ngoài công lập.
Trường hợp 2: Học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào, phải chuyển nơi cư trú theo cha, mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương.

Hoàng Thanh (ghi theo ý kiến một phụ huynh)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/vo-mong-mac-ket-o-truong-quoc-te-dan-lap-tu-thuc-254589.html