Mẹ chợt nhận ra sai lầm và con nói 'Con yêu mẹ rất nhiều'

GDVN- Vào buổi 'lễ thưởng thành' cuối cấp của con gái tại trường tiểu học, chị Liên mới nhận ra được bài học quý giá về cách dạy con.

Bắt đầu năm học mới, bao nỗi lo lại ập như chọn trường, chọn lớp, chọn thầy cô. Bên cạnh đó là mối lo về cơm áo gạo tiền, điều kiện học tập…

Tất cả những lo lắng của các bậc phụ huynh vô hình trung đã tạo áp lực lên chính con cái của họ khi bước vào một năm học mới.

Bài học đáng suy ngẫm từ “lời chưa nói” của con trẻ

Hai năm học gần đây, thay vì uốn nắn, tạo sức ép học hành cho con gái của mình như những năm học trước, chị Quỳnh Liên (Đống Đa, Hà Nội) chọn cách làm bạn, ủng hộ và lắng nghe chia sẻ của con vào những ngày đầu năm học.

Không còn đau đầu với chuyện học nâng cao môn gì như những năm học trước, năm nay khi đến hiệu sách, chị Liên cùng con gái Khánh Linh (học lớp 7) đã chọn những cuốn sách về kỹ năng sống mà em thích.

Bởi theo chị, tôn trọng sở thích chính đáng của con trẻ mang lại hiệu quả lớn cho việc giáo dục, đó là những kiến thức bổ ích cần thiết cho cuộc đời của con.

“Những năm về trước mình sai lầm trong việc giáo dục con cái. Mình bắt con phải học môn này, chú trọng môn kia. Đỉnh điểm nhất là mặc dù chưa chính thức vào năm học mới nhưng mình đã bắt con học trước chương trình, thậm chí có những hôm học rất muộn để học hết kiến thức cơ bản trước, vào năm học mình cho con học nâng cao”, chị Liên kể lại.

Chị Liên chia sẻ, mùa hè thường là lúc được nghỉ ngơi, thư giãn cho học sinh thì chị cùng những bố mẹ khác có cùng cách dạy “ép con” đều đi tìm lớp học thêm ôn luyện và nâng cao kiến thức mấy môn

Nhìn lại quá trình tạo “hiệu quả ngược” của mình, chị Liên cho biết: “Mình cứ thấy chỗ nào được mọi người đánh giá tốt thì mình lại tìm hiểu đưa con theo học mà không biết có phù hợp với con hay không.

Có những thầy cô học sinh đăng kí rất đông, mình cứ lấy đó làm thước đo chuẩn mực để đăng kí cho con học với suy nghĩ “họ giỏi chắc chắn họ đào tạo con mình giỏi”.

Đã có một thời gian rất dài, Khánh Linh hay bản thân chị Liên bị quay cuồng trong vòng xoáy “học – thi – học – thi” mà quên mất rằng, tuổi học trò của con ngoài học tập còn có những nhu cầu khác như: vui chơi, sở thích bản thân...

“Thời gian đó, thay vì cho con tự lựa chọn đồ dùng học tập, mình mua về và bắt con dùng. Mình sắp xếp cho con vào lớp cô A, cô B, thậm chí việc con chơi với bạn nào, không chơi với bạn nào cũng do mẹ định hướng.

Ngay cả thời gian nghỉ hè của con cũng bị sử dụng triệt để hoàn toàn phục vụ vào việc học thêm, học ngoại khóa…

Đã rất nhiều lần Khánh Linh xin nghỉ học vì chạy sô học thêm quá mệt, xin tự chọn mua đồ dùng hay đơn giản là con muốn thay đổi chỗ ngồi cho vừa tầm mắt nhìn bảng nhưng tất cả đều bị mình gạt đi.

Con đã rất nhiều lần khóc một mình sau những tranh cãi. Tất nhiên, lúc đấy mình luôn cho rằng con phải nghe lời vì mẹ làm tất cả vì con.

Bây giờ, tại thời điểm này, mình tự hỏi, không hiểu sao lúc đó mình lại bảo thủ để giữ gìn “phương pháp” giáo dục con cái sai lầm như thế”, chị Liên chia sẻ.

Khánh Linh duy trì khá ổn định thành tích trong học tập. Duy chỉ có điều em không bao giờ chia sẻ với mẹ về những gì xảy ra trên lớp và hai mẹ con không có tiếng nói chung trong cùng một câu chuyện.

Theo lời kể của chị Liên, vào buổi “lễ thưởng thành” cuối cấp của con gái tại trường tiểu học, chị mới nhận ra được bài học quý giá về cách dạy con.

Phần cuối chương trình của buổi lễ là một bức thư tâm sự của những đứa con gửi tới bố mẹ với tựa đề “lời chưa nói”.

Chị Quỳnh Liên, người bắt gặp hình ảnh của chính mình và con gái nhỏ trơng bức thư “lời chưa nói” vào ngày lễ trưởng thành cuối tiểu học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Quỳnh Liên, người bắt gặp hình ảnh của chính mình và con gái nhỏ trơng bức thư “lời chưa nói” vào ngày lễ trưởng thành cuối tiểu học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị nhớ mãi có đoạn bức thư viết: “Con biết, bố mẹ rất vất vả vì con. Nhưng xin mọi người hãy lắng nghe con nói. Vì bản thân con không muốn mình làm trái ý bố mẹ và trở nên hư hỏng. Con thật sự không ngoan ngoãn, con muốn làm khác những gì bố mẹ muốn con phải làm. Thế nên, cầu xin người lớn đừng bắt con làm dối, đừng bắt con không phải chính mình”.

Đến bây giờ chị Liên vẫn không quên cảm xúc của mình lúc đó. Đó có thể không phải bài viết của Khánh Linh, nhưng những lời trong bài viết đó như dành riêng cho chị.

“Lúc đấy, mình như đứng hình, bắt gặp mình và con gái nhỏ trong chính tâm sự đó. Mình đã định từ chối không đến buổi lễ, nhưng rồi thấy thật may mắn khi nghe được bức thư xúc động ấy”, chị Liên nhớ lại.

Nữ sinh trầm cảm nhập viện vì ám ảnh phải đạt điểm 9, điểm 10

Để sửa đổi tính cách của bản thân mình vì ai đó ngay lập tức là điều không thể. Thế nên, thay vì thay đổi “chóng mặt” chị Liên chăm chú hơn vào con.

Chị để ý từ việc con yêu thích đồ dùng màu gì, đọc loại sách nào, đam mê môn học nào hơn. Chị nghĩ “tôn trọng lẫn nhau, xem con là bạn” hiệu quả hơn rất nhiều so với việc quát tháo, bắt ép, gây áp lực như trước đó.

“Thật may mắn vì mình nhận ra những điều không đúng trong cách giáo dục con cái. Khánh Linh là con đầu lòng của mình, nên việc giáo dục bé cũng có rất nhiều áp lực, vì mẹ chưa có chút kinh nghiệm nào.

Mình sợ con hư, sợ con chểnh mảng học tập, nhưng đó hầu như là lí do biện minh cho việc giáo dục sai hướng của mình.

Thực ra, việc quan tâm, đồng hành cùng con thì mới giúp mình hiểu con được. Có những giá trị mình nhận lại còn bất ngờ, lớn hơn cả kì vọng”, chị Liên chia sẻ.

Trong hai năm học vừa qua, Khánh Linh được giảm tối thiểu số giờ học thêm ngoài việc học chính tại trường. Kỳ nghỉ hè thường được bắt đầu bằng những chuyến về thăm quê, đi du lịch và hoạt động ngoại khóa.

Bơi lội và múa là hai môn ngoại khóa mà Khánh Linh thích thú lựa chọn sau rất nhiều năm em chỉ vùi đầu vào sách vở và học theo những môn học do mẹ chọn lựa.

Bắt đầu năm học mới, mẹ tôn trọng những sở thích đúng đắn của Khánh Linh, nhìn gương mặt rạng ngời, dù rất ngại chia sẻ cảm nghĩ của mình nhưng em ôm mẹ và nói “con yêu mẹ rất nhiều”.

Đó chính là kết quả của sự thay đổi của cả mẹ và con khi tôn trọng và lắng nghe “lời con nói”.

Việc quan tâm, đồng hành cùng con mới giúp mình hiểu con được, có những giá trị mình nhận lại còn bất ngờ lớn hơn cả kỳ vọng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Áp lực học tập nhận hiệu quả ngược

Ép học, chỉ trích, so sánh là những biện pháp bố mẹ thường sử dụng để đốc thúc con cái chăm chỉ hơn trong việc học hành. Nhưng vô hình trung, những biện pháp này tạo hiệu quả ngược.

Chạy đua thành tích, học thật giỏi, điểm thật cao đó là “thước đo” của nhiều bậc phụ huynh đặt ra ngay từ đầu năm học.

Không chỉ dừng lại đạt kết quả cao trong học tập, có rất nhiều ông bố, bà mẹ đòi hỏi con mình cần phải đạt thành tích tốt trong các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ thể thao, âm nhạc và các hoạt động xã hội.

Tất cả chỉ vì một học bạ “đẹp”, một bảng thành tích xuất sắc cho những lần chuyển cấp, thi tuyển.

Thành công trong học tập là điều quan trọng, nhưng kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo cho các em áp lực rất lớn.

Hiện nay, phần lớn số học sinh, sinh viên thừa nhận cảm thấy chán nản, lo lắng và trầm cảm khi thực hiện viêc học tập của mình theo định hướng hoàn toàn từ bố mẹ.

Tâm lý học tập quyết định việc thành bại cho cả một quá trình học tập. Hứng thú, tự nguyện đối với một buổi học sẽ giúp kiến thức thu nạp hiệu quả hơn nhiều so với sự ép buộc.

Việc căng thẳng, lo lắng học tập đầu năm không chỉ tạo áp lực cho con cái mà còn cho chính bản thân các phụ huynh. Điều này dẫn đến không khí trong gia đình trở nên nặng nề, công việc của người lớn không được tập trung, việc học tập của các con bị gò bó, tù túng.

Theo bác sỹ, nhà giáo Đỗ Thúy Nga - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng, một nhà giáo dành trọn cuộc đời mình cho giáo dục, bảo vệ trẻ em cho biết: “Bất cứ cái gì quá cũng không tốt. Đối với con trẻ mình thật sự rất không nên ép buộc con theo ý của cha mẹ. Tạo tâm lý thoải mái trong đời sống tinh thần đó sẽ giúp năng lực học tập của học sinh phát triển tốt nhất”.

Một năm học mới đang bắt đầu, việc giáo dục con cái theo phương pháp nào đều tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Tuy nhiên, tình yêu thương, tôn trọng con cái luôn là kim chỉ nam để hướng tới phương pháp giáo dục tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Cao Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/me-chot-nhan-ra-sai-lam-va-con-noi-con-yeu-me-rat-nhieu-post212255.gd