Mẹ chồng ép phải 'bạo chi' lì xì bên nhà chồng và màn xử lý đỉnh cao của con dâu

Cứ đến dịp Tết là mẹ chồng của Thủy lại chỉ đạo phải chuẩn bị khoản tiền lớn để lì xì gia đình, họ hàng nhà chồng.

Cứ gần đến Tết là mẹ chồng của Thủy lại rất "hăng hái" nhắc nhở con dâu phải "mạnh tay chi đậm" khoản lì xì năm mới cho gia đình, họ hàng bên nhà chồng. Bà đâu có chịu hiểu tiền lì xì Tết không phải là hình thức quà cáp, biếu xén, cho tặng… Đó đơn thuần là đồng tiền mới, tiền lẻ được đưa vào phong bao đẹp để đưa tặng người già, trẻ nhỏ kèm theo lời chúc năm mới. Lì xì có giá trị tinh thần là chính, không nặng về ý nghĩa vật chất.

Mẹ chồng Thủy nhiều năm nay lại muốn con dâu phải báo cáo chi tiết và áp đặt mức lì xì của con dâu cho các thành viên trong gia đình và trong họ hàng bên nhà chồng, cứ như thể lên danh sách các khoản chi thưởng Tết vậy. Đúng là cách làm không giống ai và rất áp đặt. Thủy lại phải tìm cách chống chế. Ban đầu, cô tham khảo các mức tiền lì xì trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, rồi từ đó bàn bạc với chồng để thực hiện.

Mới đầu, chồng Thủy phản đối, cho rằng năm nào cũng thực hiện theo cách như vậy, không nên thay đổi, làm mẹ giận, có khi mất ăn Tết. Thậm chí, chồng Thủy cho rằng, khoản này dẫu có lớn thì cũng coi như mang đến may mắn cho gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, chồng cô đã cảm thấy "xuôi tai" nghe Thủy kể về chuyện lì xì của các gia đình khác, đồng thời nói rằng nếu "chơi trội" sẽ càng nảy sinh rắc rối, nhiều người khó nghĩ khi nhận lì xì tiền lớn mà chỉ lì xì lại tiền nhỏ. Chưa kể, trong họ hàng xì xào khen chê, so sánh với các gia đình khác…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thủy còn tìm cách tế nhị thuyết phục bố chồng, rồi để chồng cùng bố chồng làm công tác tư tưởng về lì xì Tết cho mẹ chồng. Mặt khác, Thủy cũng cố tình đổi số tiền của mình có mệnh giá cao là tiền cũ. Cô đổi một số tiền lẻ, tiền mệnh giá thấp thành tập tiền mới. Đồng thời chuẩn bị những phong bao lì xì đẹp, hấp dẫn phù hợp cho từng lứa tuổi.

Sát ngày Tết, Thủy mời mẹ chồng vào phòng để cùng sắp xếp tiền lì xì vào phong bao. Nhìn những tờ iền mệnh giá cao nhưng cũ kỹ, mẹ chồng lắc đầu ngán ngẩm. Khi đóng phong bao lì xì là các khoản tiền lẻ, tiền mệnh giá thấp nhưng mới, mẹ chồng Thủy tỏ ra áy náy, suy nghĩ rằng liệu người nhận có vui không khi đón nhận phong bao lì xì này.

Lúc này Thủy mới giải thích do năm nay làm ăn không tốt nên cũng phải thắt chặt chi tiêu, hơn nữa mọi người đều trao nhau những phong bao lì xì cũng như vậy, cũng không phải điều gì đáng để băn khoăn. Nghe con dâu giải thích, bố chồng và chồng Thủy cũng vào nói đỡ, tiền lì xì mang tính tượng trưng, mang may mắn là chính có ai chê tiền lì xì bao giờ. Mừng trẻ con tiền lớn, chỉ khiến trẻ hư vì sử dụng tiền không đúng cách, mà bố mẹ thu lại cũng mất vui vì trẻ con đòi, khóc…

Vậy là, cho dù chưa thực sự bằng lòng lắm, nhưng mẹ chồng Thủy không còn cớ gì để ép buộc con dâu phải chuẩn bị lì xì tốn kém tới mức thái quá cho những người trong gia đình, họ hàng nhà chồng. Thủy thấy nhẹ lòng, trong khi bố chồng và chồng Thủy cũng thấy vui.

Điền Tâm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/me-chong-ep-phai-bao-chi-li-xi-ben-nha-chong-va-man-xu-ly-dinh-cao-cua-con-dau-20210208100459779.htm