'Mẹ cho tiền, bảo tôi phẫu thuật thẩm mỹ'

Chúng ta có thể chọn phẫu thuật thẩm mỹ hoặc không. Nhưng hãy hiểu rằng, đằng sau quyết định của ai đó, là những động cơ mà chỉ họ mới biết rõ.

Helin Jung là một cô gái người Mỹ gốc Hàn Quốc - một nơi được mệnh danh là thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ, và cũng gặp phải vô số chỉ trích bởi xu hướng dao kéo quá phổ biến, làm mất đi bản sắc cá nhân.

Bản thân Jung không phải là một cô gái xinh đẹp. Và dù không chọn cách thay đổi ngoại hình bằng các thủ thuật y tế, Jung hiểu rõ vì sao một số người làm như vậy. Cô đã chia sẻ những suy nghĩ của mình qua bài viết trên tạp chí Elle:

Bất cứ khi nào tôi kể với mọi người về quãng thời gian mà mẹ đề nghị cho tôi tiền để đi phẫu thuật thẩm mỹ, họ đều phản ứng với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng tựu chung đều tỏ ra tức giận.

Điều đó thật tồi tệ. Tại sao mẹ bạn lại làm vậy với bạn chứ? Mà lại là chính mẹ của bạn! - họ phẫn nộ chất vấn.

Vâng, thực ra tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng giờ, tôi đã thay đổi quan niệm. Hãy để tôi giải thích.

Một cô gái có ngoại hình tiêu chuẩn theo kiểu Hàn Quốc (bên trái) và Helin Jung (bên phải)

Tôi là một người châu Á. Đặc biệt hơn nữa, tôi lại là dân gốc Hàn Quốc. Cha mẹ tôi là di dân, nhưng tôi được sinh ra ở Mỹ. Điều đó khiến tôi trông giống như một người lớn lên ở đâu đó ngoài Mỹ. Chỉ có điều, thực ra tôi đã sống ở quốc gia này cả đời.

Đôi mắt châu Á của tôi rất đặc trưng, vừa nhỏ, vừa ngắn, vừa nông. Mí mắt thì nặng nề sụp xuống. Hàng mi thưa quá ngắn và thẳng, lại có xu hướng cụp xuống đến nỗi bạn khó có thể nhìn thấy chúng. Nói chung, công bằng mà nhận xét thì mắt tôi xấu tệ.

Khi còn bé, tôi đã thích thú theo dõi những chị gái họ hàng lớn hơn của mình dùng băng keo kích mí để dán vào mắt họ. Giống như những miếng dán ngực silicon hay loại corset dùng để bó eo, tôi thấy băng dán kích mí quả là một sản phẩm đáng sợ, chỉ có ý nghĩa đối với những người đang thay đổi ngoại hình của mình nhưng lại không có đủ tiền để làm điều đó. Bạn dán một miếng băng keo vào mí mắt, gấp nó lại để làm mí mắt giả. Đó chẳng phải một trò ma thuật. Bạn và mọi người vẫn nhìn thấy miếng băng trắng ngay đó. Khi gỡ nó xuống, bạn trở về ngay với ngoại hình ban đầu của mình, vật lộn với nỗi niềm bất mãn về khuyết điểm cơ thể chưa thể sửa chữa.

Nhưng cho đến khi tôi vào trung học, thay vì tốn thời gian với dụng cụ kích mí, các cô gái lũ lượt rủ nhau tìm đến sự giúp đỡ của dao kéo. Trong kỳ nghỉ hè, tôi không tới trường, và đến khi thu sang, quay trở lại trường học, một hay hai người bạn của tôi bỗng chốc có đôi mắt hai mí (điều tương tự cũng xảy ra ở trường đại học, nhưng là nâng mũi, độn cằm). đôi mắt hai mí là một trong những thứ mà tôi khao khát có, đến độ tôi vẫn nhớ từ đó là gì trong tiếng Hàn, mặc dù từ điển ngôn ngữ quê hương của cha mẹ tôi cực kỳ giới hạn.

Một mùa hè nọ, tôi gặp cô bạn cùng lớp ở cửa hàng tiện lợi ngay sau khi cô ấy vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cắt mí. Thật là một khoảnh khắc ngại ngần. Mí mắt sưng phồng chưa hồi phục hoàn toàn, và nhìn cô ấy giống như đang bị dị ứng nặng vậy. Thế nên chúng tôi cũng không trò chuyện gì về những thứ đang diễn ra trên gương mặt cô ấy. Thực ra thì người ta cũng khó mà có một cuộc hội thoại ra hồn bên giá hàng sốt cà chua. Cả chúng tôi đều biết tạm thời đừng nên nói gì. Thế là tôi tạm biệt bạn, trong đầu là nghĩ ý như kiểu, thật buồn khi cô ấy lại làm thế với bản thân mình.

Nhiều người thay đổi ngoại hình một cách thần kỳ nhờ dao kéo

Vào năm cuối trung học, tôi được mẹ gợi ý nên phẫu thuật cắt mí. Từ khi nào mà gia đình tôi có cả quỹ dành riêng cho việc trùng tu nhan sắc? – tôi tự hỏi. Bà không nói liệu sẽ chi trả số tiền này như thế nào, chỉ có điều, bà có vẻ rất chắc chắn rằng bà có điều kiện cho tôi đi phẫu thuật thẩm mỹ. Mẹ bảo, con có thể xinh hơn khi vào đại học. Công nghệ bây giờ tốt lắm, và nó cũng là điều rất bình thường rồi, chả ai biết đâu mà. Và tiện thể, đã làm cái này cái kia trên mặt rồi, hay là đi xóa tàn nhang luôn đi? - mẹ tôi gợi ý.

Tôi đã bị sốc và phẫn nộ một cách chính đáng. Tôi hét lên, yêu cầu mẹ đừng bao giờ đề cập đến chuyện phẫu thuật thẩm mỹ cho tôi nữa. Không phải tôi đã hoàn toàn hài lòng với ngoại hình của mình. Thành thật mà nói, tôi còn chẳng thực sự hiểu vì sao mình phản đối chuyện phẫu thuật. Có lẽ tôi e ngại rằng mình sẽ xóa bỏ mất gốc gác Hàn Quốc của tôi hay đại loại thế. Tôi cũng sợ hãi rằng kết quả của cuộc phẫu thuật sẽ tồn tại mãi mãi, trong khi nó có thể không được như ý muốn, khiến tình trạng khuôn mặt tôi càng thêm tồi tệ. Vân vân và mây mây.

Nhưng thực sự, sâu thẳm bên trong, tôi biết rằng dù mẹ có ý tốt khi gợi ý chuyện đó với mình, thì hồi đó, tôi cũng muốn mẹ nói rằng trông tôi ổn, dù con gái mẹ có đôi mắt xấu xí, cặp má to bạnh quá mức, và làn da tái nhợt xanh xao.

Và mẹ đã không nói thế.

Nhiều năm sau, tôi nhận ra lý do vì sao. Mẹ tôi đã cố gắng bảo vệ tôi khỏi những đánh giá và sự lãnh đạm mà bà đã phải đối mặt, mà tôi chắc chắn sẽ gặp phải trong cuộc đời vì những đặc điểm ngoại hình của mình. Bị đánh giá chẳng làm tôi quan tâm lắm. Nhưng còn sự lãnh đạm. Đó chính là điều đã khiến tất cả mọi người ở những nơi tôi từng làm việc, nhầm lẫn tôi với các đồng nghiệp châu Á khác. Tôi từng được nhiều người khen ngợi rằng trông đẹp hơn khi gắn lông mi giả. Và sự lãnh đạm này, đã khiến mọi người tỏ ra sốc - một cách giả dối - khi nghe kể việc mẹ bảo tôi đi phẫu thuật thẩm mỹ, hay có vẻ bàng hoàng khi có người châu Á nào đó phẫu thuật thẩm mỹ, như thể ai làm vậy đều là những người đáng thương, bất an về bản thân. Đó chính là sự lãnh đạm khiến tôi giấu mình trong vỏ bọc an toàn, với những cái gai chĩa ra xung quanh, sẵn sàng tấn công người ta khi được khuyên nên phẫu thuật thẩm mỹ.

Mắt tôi vẫn không thay đổi kể từ trung học. Nếu có, thì chỉ là mí mắt của tôi đã sụp xuống thêm một chút. Về phần mẹ tôi, bà không đề cập đến bất cứ điều gì về mắt tôi nữa. Bà vẫ nhiều lần bảo tôi đi xử lý cái đám tàn nhan trên mặt. Tôi không chấp nhận, nhưng tôi không phản ứng dữ dội nữa. Tôi không đổ lỗi cho bà hay phán xét bất cứ ai phẫu thuật thẩm mỹ, mong muốn sẽ được chấp nhận trong xã hội.

Ai đó có thể nói rằng mẹ tôi đã sai lầm khi bảo tôi đụng dao kéo. Không, người ấy mới sai đấy.

Lan Phương

Theo Elle

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/me-cho-tien-bao-toi-phau-thuat-tham-my-79382.html