Mẹ chết, tòa giao con cho bà ngoại là sai luật

Khi chưa có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con thì người cha vẫn là người có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con.

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa hủy một bản án phúc thẩm giải quyết tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con của TAND tỉnh Đăk Lăk.

Theo hồ sơ, anh Lê Quốc H và chị Phan Thị D ly hôn, chị D nuôi con. Sau đó chị D qua đời do tai nạn giao thông nên cháu bé ở với bà ngoại. Anh D kiện ra tòa muốn được trực tiếp nuôi con.

Bị đơn là bà ngoại cháu bé không đồng ý giao cháu vì cháu ở với bà, phát triển khỏe mạnh và được đi học đầy đủ, còn anh H là lái xe taxi, toàn bộ thời gian là hành trình ở trên đường. Ngoài ra, bị đơn cho rằng anh H có biểu hiện nghiện ma túy và phải ở nhờ nên không đảm bảo điều kiện nuôi con.

Ngày 18-7-2018, TAND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm đã tuyên giao cháu bé cho cha cháu trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng.

Bà ngoại kháng cáo, đề nghị để bà nuôi cháu.

Ngày 27-11-2018, TAND tỉnh Đắk Lắk sửa án sơ thẩm, giao cháu cho bà ngoại nuôi dưỡng đến khi cháu thành niên hoặc có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 1-6-2020, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị hủy án phúc thẩm.

Xử giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: Tòa sơ thẩm không giao con cho bà ngoại vì yêu cầu này không được cha cháu bé đồng ý, đồng thời cha cháu bé cũng không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên. Nhận định này là chính xác.

Tòa phúc thẩm chỉ căn cứ vào “Giấy xác nhận” của Ủy ban MTTQ xã, của Chi hội phụ nữ thôn và của Trường mầm non tư thục cùng nơi cư trú của bà ngoại cháu bé để giao cháu cho bà mà không xác minh làm rõ điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cha cháu.

Như vậy, khi chưa có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con thì anh H vẫn là người có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con.

Do đó, Ủy ban Thẩm phán đã hủy bản án phúc thẩm để thẩm tra, xác minh điều kiện nuôi dưỡng của đương sự, từ đó mới có căn cứ để giao cho ai nhằm đảm bảo cho cháu bé được phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Những trường hợp bị hạn chế quyền nuôi con

Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ: Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên...; Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của BLDS cho con chưa thành niên...”…

Cha mẹ chỉ bị hạn chế quyền đối với con trong trường hợp: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Theo Điều 69, khoản 1 Điều 85 Luật HN&GĐ 2014

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/me-chet-toa-giao-con-cho-ba-ngoai-la-sai-luat-945570.html