Mẹ bật mí phương pháp dạy học để con không sợ tiếng Anh

Mong muốn của bà mẹ 2 con là các con sẽ coi tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu.

Hiện nay, việc học tiếng Anh đã trở nên rất quen thuộc với trẻ nhỏ. Nhiều bà mẹ đã cho con học ngoại ngữ này từ sớm với một số phương pháp khác nhau. Dưới đây là những chia sẻ của mẹ Thu Hòa về các phương pháp dạy học để con không sợ tiếng Anh, hy vọng có ích cho các phụ huynh khác.

Mục đích của việc dạy ngoại ngữ từ sớm

Mục tiêu đầu tiên khi mình tìm đọc các cách dạy con theo giáo dục sớm chỉ là để con không sợ tiếng Anh. Mong con tiếp xúc và cảm nhận tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ cũng gần gũi như tiếng Việt thôi, không có gì xa lạ và khó hiểu cả.

Nên từ khi 2 nàng còn nhỏ, 3 mẹ con đã có khá nhiều hoạt động với tiếng Anh. Nhiều ở đây bằng ít thôi nhưng đều đặn hàng ngày cộng lại. Chứ không phải nhiều hoạt động trong cùng 1 ngày. Vì mình cũng 8h xoay vần công việc công ty, rồi đưa đón con cái, cơm nước, tắm rửa cho các con, nhà cửa... mà không có ai trợ giúp. Chưa kể có những đợt công việc bận phải ôm cả tài liệu về thức đêm làm nữa.

Vì thế, sức lực và thời gian chỉ đủ để mỗi ngày dành cho các con một chút, một ít hoạt động học mà chơi, chơi mà học vào buổi tối. Nhưng hôm nào các con cũng cực kỳ vui thích với khoảng thời gian ít ỏi này và hào hứng chờ đợi xem hôm nay mẹ sẽ có gì cho mình "chơi".

Cho đến hôm nay, khi con lớn tốt nghiệp tiểu học, nhìn lại mình thấy 3 mẹ con đã vượt được chỉ tiêu lúc đầu khá nhiều. Chuẩn bị lại setup chỉ tiêu mới và "ít thôi nhưng đều đặn" để chinh phục những dự định tiếp theo.

Hai em bé nhà chị Thu Hòa.

Hai em bé nhà chị Thu Hòa.

Dưới đây, mình xin chia sẻ lại bài viết của thầy Sang Đỗ rất chi tiết về cách dạy tiếng Anh cho trẻ từ 1 đến 7 tuổi. Rất nhiều hoạt động mình đã áp dụng với các con và thực sự các bé đã học một cách rất vui vẻ, tiếp nhận, ghi nhớ thông tin sâu và lâu.

Cách dạy tiếng Anh cho trẻ từ 1 đến 7 tuổi

1. Vừa làm vừa nói. Nói gì làm đó. Chỉ vào đâu, nói cái đó.

2. Thông điệp rõ ràng, ngắn. Không dùng câu phủ định.

3. Chú trọng danh từ cụ thể (concrete nouns) mà bé nhìn thấy hàng ngày.

4. Lợi dụng những động từ nóng:

PICK UP/PUT DOWN (nhặt lên/đặt xuống); TAKE OFF/PUT ON (cởi ra/mặc vào); TOUCH (sờ vào); OPEN/CLOSE (mở/đóng); POINT TO (chỉ tay vào).

5. Làm liên tục, nói chậm, lặp lại nhiều lần.

6. Gia tăng độ khó bằng cách thêm/thay chủ ngữ, thêm/thay trạng từ SLOWLY/QUICKLY.

VÍ DỤ:

– Tuần 1 luyện THIS IS A DOOR, TOUCH THE DOOR, OPEN THE DOOR, CLOSE THE DOOR.

– Tuần 2 luyện I TOUCH/OPEN/CLOSE THE DOOR; YOU TOUCH/OPEN/CLOSE THE DOOR.

– Tuần 2 luyện I AM OPENING THE DOOR; YOU ARE OPENING THE DOOR.

– Tuần 3 luyện I AM OPENING THE DOOR SLOWLY/QUICKY.

7. Sử dụng bộ 500 Flashcards để tự in màu, ép nhựa, hoặc thẻ Glenn Doman mua sẵn.

8. Dùng bộ đồ chơi nhựa (thú vật, hoa quả, các phương tiện giao thông).

Một số lưu ý khi dạy tiếng Anh cho trẻ

- Khi nào thì nên dạy tiếng Anh cho trẻ?

Câu trả lời là: Tùy điều kiện của từng gia đình. Có thể dạy cho trẻ ngay từ 6 tháng tuổi.

- Dạy như thế nào cho hiệu quả?

Vừa hoạt động vừa nói tiếng Anh. Ví dụ như vừa đắp chăn lên mặt bé vừa nói: "Good night"; sau đó vừa mở chăn khỏi mặt bé vừa nói: "Good morning".

Trẻ con mô phỏng và bắt chước rất nhanh.

- Lưu ý quan trọng: CHA MẸ LÀ NGƯỜI THẦY DẠY TỐT NHẤT CỦA CON/ LÀM THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC, KHÔNG BỎ CUỘC.

Hy vọng bố mẹ và các con sẽ có những khoảng thời gian chất lượng bên nhau mỗi ngày, và cảm thấy học tiếng Anh không khó.

San San

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-bat-mi-phuong-phap-day-hoc-de-con-khong-so-tieng-anh-2220221299145509.htm