Mẹ 9x dạy con tìm hiểu về khoa học dễ dàng nhờ 7 kênh dành riêng cho bé

Muốn con có cơ hội học hỏi và khám phá kiến thức mới, bố mẹ nên chọn lọc nội dung và hướng dẫn con cùng học.

Con chị Phương được mẹ cho tìm hiểu sách và các kênh kiến thức về khoa học từ sớm.

Khoa học là hệ thống kiến thức về những định luật, cấu trúc và cách vận hành của thế giới tự nhiên, được đúc kết thông qua việc quan sát, mô tả, đo đạc, thực nghiệm, phát triển lý thuyết bằng các phương pháp khoa học. Nghe học thuyết là vậy nhưng trẻ nhỏ hoàn toàn có thể tìm hiểu được bộ môn này với các kiến thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi của các con.

Ngay từ lứa tuổi mầm non, việc để cho trẻ tiếp cận với khoa học là tạo điều kiện hình thành và phát triển cuộc sống xung quanh trẻ, giúp con biết yêu quý bảo vệ thiên nhiên và biết giữ gìn sản phẩm tự làm ra.

Khoa học khơi dậy tính ham học hỏi, khám phá ở trẻ. Trẻ không thích chỉ được đứng ngoài "quan sát và lắng nghe", có người lớn đi theo sau hoặc bảo phải làm gì. Hãy để trẻ tự khám phá hơn là được dạy, bởi việc tự động não suy nghĩ sẽ làm trẻ ghi dấu ấn sâu hơn, tự giác khởi xướng làm những gì mình thích.

Để trẻ tự tìm tòi không những giúp trẻ nhớ được lâu hơn, mà còn giúp phát triển tính kiên nhẫn ở trẻ. Khi có điều gì nằm ngoài khả năng tự lý giải, trẻ sẽ đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi về những điều chưa biết, sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp, trao đổi với mọi người và giúp trẻ hiểu biết rõ hơn về bản thân và thế giới xung quanh.

Các câu hỏi thường được đặt ra như Tại sao lại có mưa? Mưa từ đâu rơi xuống? Cây xanh có từ đâu? Vì sao nó sống được? Sao mây lại bay? Tại sao con mèo ngủ ngày? Con được sinh ra từ đâu? Tại sao người lớn có tóc bạc?... cũng là dấu hiệu con đang muốn tìm hiểu về khoa học.

Hiểu được tầm quan trọng của việc này, chị Phương (sống tại Vũng Tàu) đã tạo điều kiện cho con được biết đến các kiến thức về khoa học ngay khi còn nhỏ. "Để tránh con coi các chương trình có nội dung không lành mạnh thì ba mẹ nên chọn lọc lại các kênh có nội dung hay để cho con xem. Bên cạnh đó, người lớn cũng nên kiểm soát thời gian xem tivi của bé", chị Phương nhấn mạnh.

Dưới đây là 7 kênh về khoa học bà mẹ trẻ khuyến khích các phụ huynh nên cho bé xem:

1. Kurzgesagt - In a Nutshell

Kênh có đồ họa tuyệt đẹp, cực kỳ bắt mắt, nội dung được chia nhỏ 5-10 phút rất dễ hiểu. Các video quay quanh loạt chủ đề như sự tiến hóa, thời gian, năng lượng và thậm chí là cả sự tồn tại của chúng ta trong vũ trụ kỳ lạ. Trung bình mỗi video mất khoảng 600 giờ để sản xuất.

2. CrashCourse

Kênh youtube giáo dục do John và Hank Green khởi xướng với loạt video phong cách hoạt hình dạy trẻ về đủ các lĩnh vực chứ không riêng về khoa học. Mỗi video thường kéo dài 10-15 phút.

3. Minute Physics

Với danh sách khổng lồ các video khoa học về nhiều chủ đề như không gian và trọng lực, các con sẽ luôn tìm thấy thứ gì đó để coi khi theo dõi Minute Physics. Video nhanh chóng đi vào trọng tâm, hoạt hình đơn giản, ngộ nghĩnh.

4. SciShow

Kênh này trả lời về mọi câu hỏi khoa học mà bạn có thể nghĩ ra, từ lý do mèo kêu hay tại sao vết bầm tím lại đổi màu. Một số video hướng đến trẻ lớn hơn (như trẻ cấp 2 và cấp 3) và rất nhiều video hữu ích, thú vị dành cho trẻ nhỏ.

5. NASA

Kênh NASA bao gồm tất cả những thứ liên quan đến khám phá không gian, đem đến cái nhìn hấp dẫn về cuộc sống bên trong một trạm vũ trụ. Kênh có cái nhìn cận cảnh về một số hành tinh, có bản cập nhật những xu hướng quanh NASA mỗi tuần.

6. Sick Science

Giáo viên khoa học Steve Spangler chia sẻ rất nhiều thí nghiệm tương tác để trẻ thực hiện ở nhà hoặc trên lớp. Kênh có đầy đủ các ý tưởng để trẻ khám phá mọi thứ từ hóa học đến vật lý.

7. AsapSCIENCE

Các video thú vị đầy ắp thông tin về các câu hỏi liên quan đến khoa học, về nhiều chủ đề theo cách hài hước, giải trí. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng sẽ yêu thích kênh này.

Ngoài cách xem tivi, ba mẹ có thể nghĩ ra một số trò chơi khoa học dành cho trẻ ở lứa tuổi mầm non:

- Học đếm bằng những thứ thân thuộc.

- Trò chơi bán hàng.

- Ném bóng vào rổ.

- Trồng cây (cùng trẻ làm đất cho vào chậu cây, cho trẻ gieo hạt, tìm nơi có ánh sáng, hướng dẫn trẻ tưới nước và cho trẻ theo dõi hàng ngày để trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về sự phát triển của cây)

- Tập làm bánh.

- Đóng vai trong "Bữa cơm gia đình".

- Tìm hiểu về các con vật sống trên cây.

- Tập phối quần áo qua cuộc thi Thiết kế thời trang.

- Tìm hiểu về các vật dụng xung quanh (Dùng nguyên liệu nào để làm ra? Sản phẩm có tác dụng gì? Trong cuộc sống hàng ngày, có thể thấy sản phẩm này ở đâu?).

Hy vọng với các thông tin trên đây, ba mẹ có thể cùng con tìm hiểu kiến thức khoa học thật bổ ích nhé.

Thảo Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-9x-day-con-tim-hieu-ve-khoa-hoc-de-dang-nho-7-kenh-danh-rieng-cho-be-20230127152241325.htm