McCormick và vụ áp phe thế kỷ

Tháng 3-2003, sau khi Mỹ và liên quân lật đổ Tổng thống Saddam Hussein với lý do sở hữu vũ khí sinh học hủy diệt hàng loạt, một chính quyền mới ở Iraq ra đời nhưng từ đó đến nay, Iraq luôn trong tình trạng bất ổn bởi những vụ đánh bom tự sát do các phần tử IS cùng những tay súng tự xưng là lực lượng nổi dậy thực hiện.

Nhân cơ hội này, Conman James McCormick, giám đốc một công ty chuyên về thiết bị thông tin liên lạc tuyên bố đã chế tạo ra một chiếc máy, gọi là ADE 651, được cho là có thể phát hiện bom, chất nổ, vũ khí giấu trong xe, trong nhà, trên người...

Bối cảnh sự ra đời của máy ADE-651

Kể từ khi Mỹ và liên quân lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein hồi tháng 3-2003 thì đến năm 2010, đã có tổng cộng 1.003 vụ đánh bom tự sát diễn ra trên toàn lãnh thổ Iraq, giết chết 12.284 người, đa số là dân thường, làm bị thương hơn 54.000 người, còn từ 2011 đến nay lại có thêm 1.278 vụ nữa, khiến 15.939 người chết, gần 42.000 người bị thương. Phương thức của bọn khủng bố là giấu bom, chất nổ trong xe hơi rồi khi đến những trạm kiểm soát của quân đội liên quân hoặc khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, chúng kích nổ tự sát.

Cũng không thiếu những kẻ khủng bố mặc áo bom hoặc đặt những thiết bị nổ tự tạo (IED) có sức công phá lớn trên những trục đường quan trọng, nhằm tiêu diệt các loại xe quân sự, kể cả xe tăng. Việc đối phó với hình thức đánh bom tự sát ấy rất khó khăn vì liên quân Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch… và lực lượng an ninh Iraq không thể phân biệt chiếc xe nào có bom, chiếc nào không.

Alabija, sĩ quan thuộc bộ phận chống khủng bố Iraq nói: “Nếu bạn ra lệnh cho một chiếc xe dừng lại để kiểm soát và nếu xe ấy có bom thì kẻ lái xe sẽ kích hoạt kíp nổ trước khi bạn kịp nhìn vào trong xe. Tương tự như vậy, những kẻ mặc áo bom sẵn sàng chấp nhận tan xác nếu biết rằng y sẽ bị khám xét”.

Và trong khi liên quân cũng như lực lượng an ninh Iraq đang lúng túng trước những vụ đánh bom tự sát thì tháng 9-2007, McCormick, giám đốc Công ty Nâng cao chiến thuật an ninh và thông tin liên lạc Anh quốc (ATSC) tuyên bố đã phát minh ra một thiết bị gọi là ADE-651, hoàn toàn có thể phát hiện bom, chất nổ, đạn dược, ma túy, vũ khí sinh học từ cách xa hàng km. Theo McCormick, ADE-651 gồm một ăng ten xoay gắn với một báng cầm tay bằng nhựa, bên trong có những con chip điện tử cảm biến. Nó hoạt động mà không cần nguồn điện hoặc pin nên dễ dàng sử dụng ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Vẫn theo McCormick, ADS-651 vận hành bằng tĩnh điện phát ra từ tay người cầm nó. Ông ta nói: “Trước khi sử dụng, bạn phải đi bộ khoảng 15 phút để sạc tĩnh điện trong cơ thể bạn. Sau đó bạn cầm nó ở vị trí vuông góc với thân người. Nếu phát hiện thấy bom, chất nổ, vũ khí sinh học hoặc ma túy, ăng ten sẽ xoay hướng, chỉ thẳng vào mục tiêu. Các con chip điện tử cảm biến gắn trong tay cầm có thể điều chỉnh để phát hiện ra từng loại vũ khí ngay cả khi những loại vũ khí ấy nằm sau những bức tường, dưới nước hoặc trên máy bay đang bay ở độ cao dưới 5km…”.

Khi được hỏi cụ thể về cơ chế phát hiện các loại vũ khí của ADE-651, McCormick trả lời rất tự tin: “Bằng cách lập trình cho các con chip cảm biến thông qua hệ số tĩnh điện của điện tích ion và cấu trúc của vũ khí đó, ADE-651 sẽ định dạng nó dựa trên nguyên lý cộng hưởng từ (NQR)”.

Nhân viên an ninh Iraq dùng thiết bị ADE-651 để tìm bom xe tại một trạm kiểm soát.

Nhân viên an ninh Iraq dùng thiết bị ADE-651 để tìm bom xe tại một trạm kiểm soát.

Những tuyên bố của McCormick đã gây ra sự chấn động trong việc chống khủng bố, không những ở Iraq mà còn ở một số các quốc gia khác như Afghanistan, Pakistan, Arab Saudi, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Mexico, Jordan, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Lebanon, Algeria, Bahrain, Bangladesh, Georgia, Ấn Độ, Iran, Kenya, Niger, Qatar, Rumani, Tunisia và Syria … Đến cuối năm 2008, đã có 20 nước đặt mua ADE-651, nơi mua ít nhất là 10 chiếc và nhiều nhất là 1.651 chiếc. Tất cả đều được McCormick bán mỗi chiếc từ 5.000 USD đến 60.000USD!

Và thế là chẳng cần kiểm chứng hay thực nghiệm, cũng như không tham vấn các quốc gia đồng minh trong liên quân, đầu năm 2008 Bộ Nội vụ Iraq đặt mua 800 thiết bị ADE-651 với giá 20 triệu bảng Anh. Đến năm 2009, họ mua thêm 700 chiếc nữa với giá 32 triệu bảng Anh mà không qua đấu thầu. Riêng Bộ Quốc phòng Iraq, nơi này đã trả 37.000 bảng Anh để có được 50 chiếc ADE-651 và 11.500 bảng Anh là phí đào tạo.

Cũng từ đầu năm 2008, hàng trăm trạm kiểm soát của cảnh sát và quân đội Iraq trên khắp đất nước đã sử dụng thiết bị ADE-651 để thay thế việc kiểm tra bằng cách lục soát người và các phương tiện tình nghi. Lúc các chuyên gia về đánh bom tự sát của quân đội Mỹ tỏ ý nghi ngờ tính hữu hiệu của thiết bị này, trong đó thiếu tướng Richard Rowe thuộc Lục quân Mỹ nói với tờ The New York Times: “Không một chiếc đũa thần nào có thể phát hiện chất nổ. Nếu có, tất cả chúng ta sẽ sử dụng. Tôi không tin ADE-651 hiệu quả như lời quảng cáo”.

Đại tá Không quân Mỹ Hal Bidlack, cựu trợ lý an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush đã lên án thiết bị này là “trò hề”. Một cuộc kiểm tra được tiến hành tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ, với thiết bị ADE-651 cho thấy một chiếc xe hơi chở 2 người, mang theo 2 khẩu AK-47, 10 quả lựu đạn và 10 kg thuốc nổ, dừng lại trước thiết bị ADE-651 tổng cộng 10 lần mà nó không hề nhận ra.

Trước sự thật hiển nhiên ấy, Thiếu tướng Jihad al-Jabiri thuộc Tổng cục Phòng chống chất nổ của Bộ Nội vụ Iraq vẫn biện hộ: “Dù là ma thuật hay khoa học, điều tôi quan tâm là phát hiện bom. Tôi biết nhiều về bom hơn các anh (ý nói người Mỹ) và nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới”. Chưa hết, trong một cuộc họp báo, tướng Jihad al-Jabiri khẳng định ADE-651 đã phát hiện “hàng trăm quả bom bên đường và bom xe, còn những vụ không phát hiện là do sai sót trong quá trình đào tạo sử dụng”.

Ông Jawad al-Bulani, Bộ trưởng Nội vụ Iraq cũng lên tiếng bảo vệ ADE-651 khi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Al Iraqiya: “ADE-651 đã tìm ra hơn 16.000 vật liệu nổ có thể đe dọa cuộc sống của người dân và hơn 733 quả bom đặt trong xe hơi tự sát đã được xử lý”, đồng thời hàm ý bênh vực ADE-651: “Iraq được coi là một thị trường của nhiều công ty sản xuất các thiết bị phát hiện bom mìn nên cũng dễ hiểu vì sao có những công ty đối thủ khác đang bày tỏ sự coi thường hiệu quả của những thiết bị mà chính phủ đang mua…”.

Thế nhưng số liệu thống kê thì không bao giờ nói dối: Năm 2008, khi quân đội và lực lượng an ninh Iraq bắt đầu sử dụng thiết bị phát hiện bom, chất nổ ADE-651, có 8 vụ đánh bom tự sát xảy ra trên toàn lãnh thổ Iraq, năm 2009 là 10 vụ, 2010 là 11 vụ, 2011 là 14 vụ, 2012 là 9 vụ và 2013 - là năm mà trò lừa đảo của McCormick bị lật tẩy, đất nước Iraq hứng chịu 28 vụ đánh bom tự sát.

Lúc ấy, nhiều nhân viên an ninh Iraq đã lặng lẽ truyền tai nhau về việc ADE-651 chỉ là thứ đồ chơi trẻ con. Trung úy Aniyah, phụ trách một trạm kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố Barsa nói với hãng tin Reuter rằng tháng 2-2010, những người lính trong đơn vị ông ra lệnh cho một chiếc xe hơi 4 chỗ dừng lại và khi đưa ADE-651 đến, nó chẳng có bất kỳ một báo động nào.

Aniyah nói: “Lúc này kính xe đã hạ xuống, tôi đứng sát cửa xe yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ. Khi thấy anh ta thò tay vào bên hông ghế, tôi có linh cảm xấu nên tôi nhoài người vào, nắm tay anh ta bẻ quặt lại. Kết quả khám xét cho thấy trong xe có 40kg thuốc nổ và công tắc kích hoạt được giấu ở ghế xe. Tiến hành hỏi cung, anh ta thừa nhận mình là chiến binh IS, thực hiện đánh bom tự sát. Bên cạnh đó, anh ta cũng khai rằng ngay từ giữa năm 2008, các cấp chỉ huy IS đã thông báo ADE-651 chỉ là đòn chiến tranh tâm lý mà thôi”.

Đánh bom tự sát ở Baghdad dù trước đó chiếc xe chở bom đã được dò tìm bằng ADE-651.

Lật mặt

Giữa năm 2009, đã có nhiều ý kiến của các sĩ quan quân đội Anh, Mỹ, chiến đấu tại Iraq cho rằng thiết bị ADE-651 của Công ty ATSC do McCormick là giám đốc, bán cho Iraq hoàn toàn vô tác dụng nhưng những ý kiến ấy không đủ sức nặng để tạo ra sự chú ý với những người có thẩm quyền. Chỉ đến khi người đứng đầu lực lượng liên quân ở Iraq là tướng Raymond T. Odierno gọi cho Chủ tịch Hội đồng Hỗ trợ cảnh sát quốc tế (International Police Association) là ông Pierre-Martin Moulin thì đầu năm 2010, Interpol Anh quốc mới bắt đầu tiến hành điều tra.

Kết quả cho thấy ATSC là nhà cung cấp chính của thiết bị ADE-651 và tính đến ngày 31-7-2008, nghĩa là chỉ 6 tháng sau khi bán ADE-651 cho Iraq và một số quốc gia khác, ATSC với cổ đông duy nhất là McCormick đã thu về 81,78 triệu bảng Anh. Ngoài ra, ATSC còn có một công ty con là ATSC Exports Ltd cùng các đại lý bán hàng, gồm Cumberland Industries UK, trụ sở tại Kettering, Northamptonshire, Anh và Prosec of Baabda, Liban.

Kết quả điều tra được báo cho Chính phủ Iraq, dẫn đến tháng 2-2011, Tướng Al-Jabiri cùng 2 quan chức khác bị bắt rồi đi tù vì cáo buộc tham nhũng trong vụ mua thiết bị ADE-651 để nhận hối lộ hơn 5 triệu USD từ McCormick

Với số tiền khổng lồ kiếm được nhờ lừa đảo, McCormic mua một trang trại ở Somerset giá 6 triệu bảng Anh, một biệt thự 3,5 triệu bảng Anh ở Bath có bể bơi dưới tầng hầm, 2 nhà nghỉ mát ở đảo Síp và ở bang Florida, Mỹ, một du thuyền sang trọng giá 600.000 bảng Anh, 3 siêu xe mà chiếc rẻ nhất là 158.000 bảng Anh, chưa kể những thứ cao cấp khác. Interpol Anh quốc tuyên bố họ sẽ “theo đuổi sự giàu có của McCormick đến cùng” bằng cách sử dụng Đạo luật tiền tố tội phạm ban hành năm 2002.

McCormick (giữa) lúc bị bắt.

Ngày 5-3-2013, Interpol Anh quốc tiến hành khám xét trụ sở Công ty ATSC và công ty con Cumberland Industries UK, đồng thời đề nghị chính quyền Liban phong tỏa công ty Prosec of Baabda. Ông Nigel Rock, người đứng đầu cuộc điều tra nói: “Không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh McCormick hoặc công ty ATSC của ông ta đã tiến hành các nghiên cứu về tính khả thi của thiết bị ADE-65.

Hơn nữa, năm 2010, khi được Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ đề nghị kiểm tra ADE-651, McCormick đã từ chối. Điều đó dẫn đến hậu quả là hàng chục nghìn dân thường Iraq lẫn những binh sĩ trong lực lượng liên quân hoặc chết, hoặc mang thương tật suốt đời. Hành vi của McCormick cho thấy sự coi thường của ông ta đối với sinh mạng của những người đã sử dụng ADE-651 để bảo vệ an toàn cho chính bản thân họ cùng những người khác. Ông ta làm giàu nhờ vào việc lừa dối”.

McCormick bị kết án 10 năm tù vào ngày 2-5-2013 với 3 tội danh lừa đảo. Làm chứng trước tòa, Chuẩn tướng Simon Marriner, người đã tham chiến ở Iraq giai đoạn 2006- 2009 nói: “ADE-651 trực tiếp liên quan đến việc không ngăn chặn được các cuộc tấn công tự sát bằng bom. Các báo cáo thương vong đều cho thấy xe bom phát nổ khi dừng lại ở các trạm kiểm soát có trang bị ADE-651. Hậu quả là những người lính của chúng tôi, của Iraq và thường dân đã thiệt mạng”.

Lúc tuyên án, chánh án Richard Hone nói: “Chỉ vì lợi nhuận, hành vi gian dối của bị cáo trong việc bán rất nhiều thiết bị vô dụng đã tạo ra cảm giác an toàn cho những người dùng nó, dẫn đến cái chết và thương tật mà không gì có thể sửa chữa được. Lẽ ra phía công tố cần truy tố bị cáo một tội danh nữa, đó là gián tiếp giết người…”.

Vũ Cao (Theo Science - ADE-651 Effectiveness)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mccormick-va-vu-ap-phe-the-ky-i639284/