MC Trịnh Vân Anh: Những việc tôi làm tốt nhất hiện nay đều từng là sở đoản

Là một MC được yêu mến trên sóng truyền hình, gương mặt quen thuộc trong các sự kiện song ngữ, đồng thời là một giảng viên kỹ năng mềm, MC Vân Anh khiến không ít người bất ngờ khi tiết lộ, tất cả những công việc đang làm hiện tại, đều từng là điểm yếu, thậm chí bị người khác chê cười trong quá khứ.

MC Vân Anh chia sẻ việc biến sở đoản thành sở trường (Ảnh: NVCC)

MC Vân Anh chia sẻ việc biến sở đoản thành sở trường (Ảnh: NVCC)

Một cô bé ngại giao tiếp, trở thành MC truyền hình

Suốt 18 năm đi học phổ thông, đa số hình dung của mọi người về tôi đều là: hiền, ít nói, nhút nhát. Rồi năm 19 tuổi, ai cũng giật mình, khi thấy tôi trên sóng truyền hình với vai trò MC.

Bước ngoặt cho sự chuyển mình đó, là danh hiệu Á quân Cầu vồng 2009, lĩnh vực Người dẫn chương trình. Khi đăng ký dự thi, tôi chỉ nghĩ là bản thân cần thay đổi, thử làm điều gì đó mà mình từng sợ. Dù sao vẫn đang đi học, hơn nữa vốn trong mắt mọi người cũng là một đứa kém ăn nói, có trượt cũng chẳng sao.

Bước ngoặt cho sự chuyển của Vân Anh là danh hiệu Á quân Cầu vồng 2009, lĩnh vực Người dẫn chương trình (Ảnh: NVCC)

Vậy là tôi lại bước vào cuộc thi với tâm lý thoải mái nhất, học hỏi là chính, qua được vòng nào hay vòng ấy. Rồi không ngờ, lại đi được đến vòng cuối cùng.

Nhiều bạn từng hỏi tôi về nguyên nhân của việc khó tin này. Vân Anh nghĩ đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố: tâm lý thoải mái, có khiếu về môn văn, có cảm giác với sân khấu vì từng được học hát múa, được hướng dẫn trong quá trình thi và một phần là may mắn nữa.

Nhưng quan trọng nhất là dám thử, vì chỉ có thử sức, trải nghiệm, mới giúp mình khám phá những tiềm năng của bản thân, biến những điều tưởng không thể, thành có thể.

MC Trịnh Vân Anh – gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình (Ảnh: NVCC)

Từ một người mất gốc tiếng Anh, trở thành MC song ngữ Anh – Việt

Năm đầu THCS, ngay giữa sân trường, một người bạn trong lớp không ngần ngại hét lớn với tôi: “Tớ không ngờ lớp này lại có một người học kém tiếng Anh như cậu!” Thực sự lúc đó, tôi chỉ muốn có một cái hố để chui xuống. Dù trước đó, cũng đã nhận biết khả năng ngoại ngữ thua xa các bạn qua những giờ học trên lớp, nhưng chưa bao giờ có cảm giác ê chề như vậy.

Hồi đó, tôi hoàn toàn mất gốc tiếng Anh, chỉ biết vài từ đơn giản. Ngữ pháp sai lung tung, dùng tư duy tiếng Việt để đặt câu tiếng Anh.

Và tôi quyết tâm phải học lại bài bản từ đầu, từ những thứ đơn giản nhất như học sinh tiểu học: học cách phát âm, phân loại đâu là danh từ - động từ - tính từ, đặt câu ngắn…

Sự cố gắng đã giúp Vân Anh cải thiện và nâng cao khả năng tiếng Anh (Ảnh: NVCC)

Sau một năm, tiếng Anh cơ bản đã được cải thiện đáng kể, tôi bắt đầu học nâng cao hơn, và dần yêu thích môn tiếng Anh mà trước đó từng là nỗi ám ảnh.

Đến kì thi đại học, tiếng Anh cũng trở thành môn cứu cánh, giúp tôi gỡ điểm cho môn Toán, mới có thể thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương.

Rồi sau một thời gian đi dẫn truyền hình, tôi nhận được lời mời dẫn tiếng Anh tại một sự kiện. Sau khi đắn đo, tôi nhận lời, chuẩn bị thật kỹ kịch bản, tập ở nhà phần tiếng Anh đến gần như thuộc lòng. Và khi kết thúc chương trình, nhận được lời khen từ khách hàng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Mối duyên với MC song ngữ cũng bắt đầu từ đó.

Khả năng ngoại ngữ tốt giúp Vân Anh tự tin dẫn các chương trình tiếng Anh (Ảnh: NVCC)

Từ một người chị không có cách nào giảng bài cho em gái, trở thành giảng viên

Tôi có một cô em gái, kém mình đến 10 tuổi, nên đương nhiên luôn được bố mẹ giao trọng trách: kèm cặp em học hành. Nhưng dù có đủ kiến thức để làm bài hộ em, tôi lại chẳng thể giảng cho em gái hiểu nổi vì sao lại làm như vậy.

Khi em không hiểu, tôi cũng mất kiên nhẫn, và liên tục hỏi: “Có hiểu không?”, “Sao lại không hiểu?” …

Sau này tôi cũng không còn để tâm tới chuyện đó, cho đến khi nhận được lời mời đi dạy, chia sẻ về kỹ năng mềm, giao tiếp – thuyết trình – dẫn chương trình tại các trung tâm đào tạo. Ngoài tìm tư liệu giảng dạy, tôi nghĩ lại quá trình thay đổi, học hỏi, làm nghề của bản thân, để trả lời các câu hỏi “Vì sao” mà một người mới học thường thắc mắc hoặc làm sai. Tôi đặt tâm thế là một người chia sẻ kinh nghiệm, và thường trao đổi với học viên ngoài giờ để đồng hành, hỗ trợ các bạn tốt hơn.

Vân Anh luôn tâm huyết trong mỗi giờ lên lớp (Ảnh: NVCC)

Cứ như vậy, dần dần, tôi được “tiếng” là dạy dễ hiểu, gần gũi, và những lời mời đi dạy cũng tăng theo. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, tôi bắt đầu thỉnh giảng tại các trường đại học về các môn liên quan tới kỹ năng nói. Ngoài ra, tôi cũng lập một kênh youtube, đặt tên là “Vân Anh tập lái” (dựa trên thực tế nỗi sợ hãi lớn nhất của bản thân: lái xe) về rèn luyện kỹ năng, phát triển bản thân, để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận.

Vân Anh rất thích một câu nói: “20 năm sau, bạn sẽ hối tiếc về những gì đã không làm, hơn là những gì đã làm”. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng liên tục học, làm và thử những điều mình muốn để sống trọn vẹn nhất, để sau này không phải tiếc nuối.

"Quan trọng nhất là dám thử, vì chỉ có thử sức, trải nghiệm, mới giúp mình khám phá những tiềm năng của bản thân, biến những điều tưởng không thể, thành có thể" (Ảnh: NVCC)

Trịnh Vân Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/mc-trinh-van-anh-nhung-viec-toi-lam-tot-nhat-hien-nay-deu-tung-la-so-doan-1646977.tpo