MC Thảo Vân, chiến sĩ 'nhí' của Sư đoàn 337

MC Thảo Vân được khán giả truyền hình cả nước biết đến với vai trò người dẫn chương trình, nhưng ít ai biết rõ chị quê ở Lạng Sơn và đã từng là chiến sĩ 'nhí' của Sư đoàn 337, Quân đoàn 14 năm xưa.

Hồi đó, Sư đoàn 337 chúng tôi làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trên biên giới Lạng Sơn. Sư đoàn bộ đóng quân ở Dốc Đồn, cách nhà Thảo Vân ở phố Phai Món (nay là phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chừng 400m.

Thảo Vân năm 14 tuổi (1984).

Thảo Vân năm 14 tuổi (1984).

Năm 1980, Thảo Vân mới lên 10 tuổi, học lớp 3, Trường Phổ thông cơ sở Kỳ Lừa (nay là Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn). Một hôm, tôi xuống Trung đoàn 108 Pháo binh (đơn vị kết nghĩa với trường Kỳ Lừa) dự chương trình ngoại khóa kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1380-1980) do trung đoàn phối hợp với nhà trường tổ chức. Tình cờ phát hiện cô bé Thảo Vân có nước da ngăm đen, đôi mắt to sáng, giọng hát rất hay và truyền cảm. Cô giáo Nguyễn Lê Thành Công, giáo viên chủ nhiệm của Thảo Vân cho hay, cách đây một năm, cô cũng đã phát hiện giọng hát tuyệt vời của Thảo Vân. Vì thế, cô giáo Công đã động viên Thảo Vân cố gắng luyện tập những bài hát cách mạng để đi phục vụ các chú bộ đội. Vốn là cô bé thông minh, lại có năng khiếu nên Thảo Vân đã học thuộc hàng chục bài hát ca ngợi quê hương, đất nước và Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, ca khúc “Màu áo chú bộ đội” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trở thành bài “tủ” của Thảo Vân trong mỗi lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Lúc đó, tôi đang là cán bộ tuyên huấn sư đoàn, phụ trách văn hóa-văn nghệ nên rất quan tâm tới việc phát triển hạt nhân phong trào. Ngay buổi tối hôm đó, tôi đến nhà Thảo Vân gặp gỡ gia đình và đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Nhung (bố của Thảo Vân) cho phép em tham gia đội văn nghệ của Sư đoàn 337 (cùng với các em Thân Nguyệt Nga, Ngọc Tám, Phúc Anh, Lan Hương...). Ông Nhung nhất trí ngay và phấn khởi nói với con gái: “Tham gia với các chú bộ đội để rèn luyện trở thành người lính tí hon con nhé!”.

Ngay hôm sau, Thảo Vân và các em có mặt tại đội văn nghệ Sư đoàn 337 để làm lễ kết nạp. Một nồi ngô luộc, vài đĩa lạc rang, sản phẩm do anh chị em đội văn nghệ sư đoàn tăng gia sản xuất mới thu hoạch, càng thêm rôm rả trong buổi “lễ tuyên thệ”. Thay mặt Ban Tuyên huấn sư đoàn, tôi trịnh trọng tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, Thảo Vân và các bạn chính thức là chiến sĩ “nhí” của đội văn nghệ Sư đoàn 337. Yêu cầu mọi tác phong sinh hoạt, luyện tập của các em phải như một người lính thực thụ!”. Những ngày nghỉ không phải đến trường, Thảo Vân cùng các bạn chăm chỉ đến đội văn nghệ sư đoàn để luyện tập chương trình rất đúng giờ. Thấy các cô, các chú bộ đội sinh hoạt vất vả, không có xà phòng để giặt quần áo, phát hiện thấy ngay sau nhà tập có cây bồ hòn sai quả, Thảo Vân tranh thủ nhặt từng quả rụng dưới gốc để các cô, các chú dùng thay xà phòng. Em nói với mọi người: “Cháu biết quả bồ hòn có thể dùng thay xà phòng. Vì bố cháu bảo: Trước đây, bố cũng dùng quả bồ hòn thay xà phòng 72% để giặt quần áo!”.

Vào những ngày giáp Tết Quý Hợi 1983, tình hình biên giới trở nên căng thẳng, toàn sư đoàn tôi bước vào báo động 1. 100% quân số trực sẵn sàng chiến đấu, không ai được về nghỉ Tết. Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, Trường Phổ thông cơ sở Kỳ Lừa tổ chức đội văn nghệ xung kích gồm các thầy, cô giáo và các em học sinh, trong đó có Thảo Vân hành quân hơn 20 cây số đường rừng, qua đèo Keo Phầy, Thanh Lòa, Thạch Đạn, Ba Sơn... lên Cao Lâu, Xuất Lễ (xã giáp biên) để tặng quà và biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội.

Khi bước vào tuổi 15, giọng hát của Thảo Vân càng trong trẻo, đằm thắm, trữ tình... Năm 1983, đội văn nghệ Sư đoàn 337 xây dựng chương trình tham gia hội diễn Quân đoàn 14 và Quân khu 1. Trong đó có ca cảnh: “Tượng đài chiến thắng”, kịch bản Ngô Văn Học, biên đạo múa Khắc Hựu, nói về sự hy sinh của người chiến sĩ biên cương, giữ cho cuộc sống bình yên, cho các em học sinh được cắp sách tới trường... Trong màn diễn, khi tiếng súng lặng đi vang lên tiếng hát: Có một bài ca không bao giờ quên/ Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên/ Có một bài ca không bao giờ quên/ Là lời mẹ ru con đêm đêm... do Thảo Vân thể hiện đã làm cả hội diễn lặng đi. Tiết mục “Tượng đài chiến thắng” được tặng Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối.

Sau đó, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 1, NSƯT Quế Loan có ý định tuyển Thảo Vân về đoàn kèm theo những ưu tiên đặc cách. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, Thảo Vân đã ước mơ được tiếp tục theo học đại học, để rồi hôm nay trở thành người dẫn chương trình nổi tiếng được khán giả truyền hình cả nước biết đến. Chị còn giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bài và ảnh: NGÔ VĂN HỌC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mc-thao-van-chien-si-nhi-cua-su-doan-337-566413