MC Quốc Khánh: Tôi đã nhiễm 'virus' Ironman

Tuy bận rộn với công việc của một nhà sản xuất chương trình truyền hình kiêm MC và phiên dịch viên tại các sự kiện, ngày qua ngày, Quốc Khánh vẫn đều đặn dành thời gian cho việc tập luyện thể thao vì trót… 'phải lòng' Ironman.

(SGTT) – Tuy bận rộn với công việc của một nhà sản xuất chương trình truyền hình kiêm MC và phiên dịch viên tại các sự kiện, ngày qua ngày, Quốc Khánh vẫn đều đặn dành thời gian cho việc tập luyện thể thao vì trót… “phải lòng” Ironman.

Ảnh: Sơn Đoàn.

Ảnh: Sơn Đoàn.

4 giờ rưỡi sáng với lịch đạp xe cùng nhóm bạn hay 6 giờ đầu ngày thong dong chạy bộ một mình, kết hợp tập luyện tăng cường lúc giữa trưa và chiều tối; cảm thấy áy náy khi không hoàn thành chỉ tiêu tập luyện đề ra trong tuần; chọn nước suối thay bia trong các cuộc gặp gỡ bạn bè; ngủ sớm, ngủ đủ giấc… là những thói quen mà Quốc Khánh cho rằng thể dục thể thao, cụ thể là Ironman đã thay đổi được con người vốn thuộc về công việc như anh.

Phong cách sống… Ironman

SGTT: Cơ duyên nào đã đưa Quốc Khánh trở thành “người của thể thao”?

– Quốc Khánh: Tôi là người yêu thể thao, cũng thường xuyên chơi đá bóng hơn 10 năm nay nhưng để gọi là tập luyện với cường độ cao để tăng sức bền thì có lẽ kể từ năm 2017, khi tôi đăng ký tham gia giải Ironman 70.3 tổ chức tại Đà Nẵng.

Giải này là thử thách rất lớn đối với những người không tập luyện thường xuyên cũng như chưa tham gia bao giờ như tôi. Để chinh phục thử thách và khám phá giới hạn của bản thân, tôi đã xem Ironman là cái “cớ” để tập luyện tích cực hơn.

SGTT: Công việc bận rộn, anh dành thời gian cho việc tập luyện ra sao?

– Thử thách lớn nhất của Ironman 70.3 là phải tập rất nhiều. Những ai tham gia giải này đều biết họ phải bắt buộc thay đổi cuộc sống và thói quen sinh hoạt hằng ngày, vì nếu không thay đổi chắc chắn sẽ không đủ thể lực để thi. Với tôi, khi đã chấp nhận chơi thể thao sức bền, đặc biệt là Ironman thì buộc phải biết cân bằng công việc, cũng như buông bỏ và đánh đổi những sở thích cá nhân khác.

Tôi tin rằng, Ironman không phải là một giải thưởng mà là một phong cách sống. Phong cách sống ở đây chính là tập luyện thể thao đều đặn mỗi tuần, dậy sớm, ngủ đủ, uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh hơn… Những điều này sẽ giúp mỗi người cải thiện sức khỏe và khi cơ thể khỏe mạnh, hiệu quả trong công việc cũng sẽ tốt hơn.

SGTT: Anh có tuân theo một nguyên tắc tập luyện nào không? Bí quyết để tăng sức bền của anh là gì?

– Nguyên tắc tập luyện của tôi trước tiên là phải tập đều đặn và lắng nghe bản thân mình, tập theo cường độ phù hợp với thể lực bản thân chứ không cố sức. Tôi xác định đây là môn thể thao chơi lâu dài nên tránh để chấn thương, chỉ tập sao để cơ thể thích nghi tốt nhất. Nếu bị đau hoặc đang không khỏe, tôi sẽ ngừng tập và tích cực tập luyện lại vào hôm thấy mình đầy đủ sức lực nhất.

Ảnh: Quang Định.

Bí quyết tăng sức bền của tôi là tập đều cả ba môn phối hợp bơi lội – đạp xe – chạy bộ, cùng “hai môn” không kém phần quan trọng mà mọi người thường bỏ quên đó là ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.

Tìm “cớ” để rèn luyện sức khỏe

SGTT: Với những người yêu thể thao thì rất dễ, nhưng còn với những người chưa tìm thấy niềm vui từ việc tập luyện thì sao? Anh có lời khuyên gì dành cho họ?

– Ironman kích thích cái tôi của mỗi người bởi đây là thử thách lớn, ai chinh phục được đều cảm thấy rất thích thú. Tuy nhiên, tôi vẫn xem đây là cái “cớ”, là động lực để mình tập luyện đều đặn và cải thiện sức khỏe, giải thưởng hay huy chương đều không quan trọng.

Vậy nên, với bất kỳ ai muốn tập thể dục nhưng chưa đủ động lực, hãy tìm một cái “cớ” tương tự cho bản thân để bắt tay vào thực hiện ngay, ví dụ như tập thể dục để giảm cân, tăng cân, tăng sức bền… Và nên bắt đầu bằng các môn mình yêu thích như chạy bộ, cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, yoga…

SGTT: Theo anh, làm thế nào để hạn chế việc bỏ tập luyện giữa chừng?

– Đây là câu chuyện thực tế về nhóm bạn của tôi, các thành viên cựu học sinh Lê Hồng Phong nhiều niên khóa thường đá banh chung với nhau. Năm đầu tiên tôi chơi Ironman, rủ rê không ai hào hứng gì. Nhưng từ từ, bắt đầu từ giải chạy trail Đà Lạt, rồi giải marathon, tới các cuộc đạp xe đường dài… mỗi người đã bắt đầu có hứng thú hơn với việc tập luyện và đến nay cả nhóm đã cùng nhau đi khắp nơi, tham gia nhiều giải chạy cộng đồng rất vui. Phải nói là “virus” Ironman lây rất nhanh. Năm sau chắc chắc cả hội sẽ cùng thi Ironman nội dung solo với đồng phục nhóm tên Dadaman.

Quốc Khánh và nhóm bạn thân gắn bó với thể thao.

Bất kỳ nhóm bạn nào có một đến hai thành viên tích cực tập luyện thể thao hãy “nhóm lửa” để cho các thành viên còn lại cùng tham gia. Ảnh: Sơn Đoàn.

Điều này cho thấy, bất kỳ nhóm bạn nào có một đến hai thành viên tích cực tập luyện thể thao hãy “nhóm lửa” để cho các thành viên còn lại cùng tham gia. Việc tập bạn bè rủ rê cùng nhau tập luyện sẽ hạn chế việc lười biếng hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Đặc biệt, khi cả nhóm có “nguyên tắc” tập luyện như “phạt” thành viên vắng mặt trong các buổi tập cũng sẽ giúp mỗi người tăng cường ý thức và có trách nhiệm với việc tập luyện hơn.

SGTT: Anh cho rằng điều gì là quan trọng nhất khi xây dựng kế hoạch tập luyện thể dục thể thao?

– Với tôi, kỷ luật bản thân là điều rất cần thiết. Thông thường, mình rất dễ dãi với bản thân, cho phép mình ngủ lười, dậy trễ và trì hoãn. Ví dụ như việc hôm nay trời mưa hoặc công việc quá bận rộn thì cho phép mình nghỉ tập một ngày. Điều này rất không nên, mỗi người cần rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân mình, vì trì hoãn sẽ dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội khác.

Kiến Nghiệp thực hiện

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/mc-quoc-khanh-toi-da-nhiem-virus-ironman/