MC Quang Quick: 'Đừng vội ghét Tết bởi ai sống mà không cần có một giá trị cốt lõi'

Là một người trẻ ưa xê dịch, thích cuộc sống tự do, phóng khoáng nhưng MC Quang Quick vẫn dành tình cảm đặc biệt cho dịp Tết cổ truyền. Theo anh, mỗi thứ đều có một lý do tồn tại và con người sống thì nên biết ơn quá khứ và tìm cho mình một thứ gọi là giá trị cốt lõi.

Tết Nguyên đán Kỷ Hơị2019 đang đến rất gần. Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là người dân cả nước lại sống trong không khí háo hức mừng xuân sang. Khắp nơi nhạc xuân rộn rã, những chậu cây cảnh, hoa đào, hoa mai theo chân người bán hàng len lỏi vào từng ngóc ngách. Phố phường rực rỡ sắc màu và trong không gian lan tỏa mùi trầm hương ấm áp, dễ chịu…

Trong khi nhiều người mong ngóng, chờ đợi dịp Tết thì cũng có không ít người lạighét Tết. Họ cảm thấy Tết đè lên vai mình những áp lực vô lý, có quá nhiều thủ tục cần làm và những khoản chi đắt đỏ, tiêu tốn phần lớn số tiền phải vất vả tích lũy cả năm.

Nói về Tết Nguyên đán, MC Quang Quick – Người từng gây ấn tượng với chương trình Quick & Snow show đã có nhiều chia sẻ thú vị:

“Tết Nguyên đán có những thủ tục quá đẹp đến nỗi tôi không nghĩ ra lý do để rũ bỏ”

Khoảng gần chục năm nay, tôi thấy mọi người đón Tết đơn giản và không còn cầu kỳ như xưa. Lúc tôi còn nhỏ, cuộc sống quanh năm thiếu thốn nên đám trẻ con chỉ mong đến Tết để được vui chơi, được ăn ngon, mặc đẹp… Nhưng rồi cùng với sự phát triển của cuộc sống, những việc ấy chúng ta có thể thực hiện quanh năm ngày tháng, không kể một dịp đặc biệt nào. Thế nên, cái háo hức, mong chờ ngày xưa chắc đã không còn nữa. Nhưng dù có như thế nào, tôi nghĩ nhiều người vẫn thích Tết và coi đó như một cột mốc đặc biệt trong năm.

Ngày xưa người ta thường ví “vui như Tết” để nói về niềm vui cực đại, phấn khởi, háo hức và rất đẹp. Dù thời nay, cái Tết có thể diễn ra bình dị hơn, thậm chí một vài người hoài cổ còn bảo là nó nhạt nhòa thì câu ví ấy vẫn đúng và tôi nghĩ, nó sẽ vẫn còn đúng trong nhiều năm sau nữa.

Tôi là một người không tìm ra lý do ghét Tết. Tôi thấy Tết có nhiều thủ tục đẹp đến nỗi mình chẳng có thể khước từ, không làm theo.

Ví dụ như ở gia đình tôi, tối 30 năm nào mẹ cũng làm mâm cơm cúng thần linh và ông bà tổ tiên. Cứ mỗi dịp gần Tết, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh mẹ soạn mâm cơm cúng, bê ra ngoài hiên thắp nhang, thấy không gian quanh nhà chợt bừng sáng ánh đèn, gia đình hàng xóm cũng huyên náo vì khoảnh khắc mừng giao thừa là tôi lại thấy trong lòng bình yên đến lạ lùng. Tôi thực sự ấn tượng bởi hình ảnh dung dị ấy và coi nó như một phần không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Sau giao thừa, gia đình chú tôi ở kế bên thường qua chúc Tết. Mọi người lì xì cho nhau rồi ngồi nói chuyện đến tận 3h sáng. Sáng mùng 1 là thời gian làm cơm cúng gia tiên, đi lễ chũa. Buổi chiều là thời gian thăm viếng 2 bên gia đình nội – ngoại. Sau mùng 1, cả nhà đã làm xong hết những công việc truyền thống. Từ mùng 2, mọi người có thể tự do làm điều mình thích.

Có 1 năm tôi đi du lịch Ấn Độ từ mùng 2 Tết. Tôi nghĩ có đi đâu, làm gì thì cũng sẽ chờ qua mùng 1 khi mà mình cùng với gia đình đã hoàn thành xong hết những công việc cần làm cho Tết.

Gia đình tôi đón Tết bình dị. Thường 2 mẹ con chỉ mua 1 chiếc bánh chưng, 1 cây quất nhỏ, 1 cành đào bé bé xinh xinh và cắm một bình hoa violet, thược dược… Tất cả mọi thứ của Tết mình vẫn có, chẳng thiếu thứ gì nhưng chỉ vừa đủ, không lãng phí, dư thừa. Tôi thấy những thứ ấy đều đẹp và ý nghĩa, chẳng việc gì mình phải bỏ hết đi và khiến cho căn nhà ngày Tết cũng lạnh lẽo, bình thường như tất cả mọi ngày trong năm.

Đối với những người cầu kỳ hơn, họ có thể mua cành đào, cây quất giá tiền triệu hoặc thậm chí cả trăm triệu… thì tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường, miễn sao nó phù hợp với với túi tiền và nhu cầu của họ. Có thể bạn thấy cây đào giá tiền hơn 100 triệu là xa xỉ thì với họ, đó có thể chỉ là một khoản chi rất nhỏ, không đáng kể.

Ngoài số ít những người giàu có, đa phần tôi thấy mọi người bây giờ có xu hướng đón Tết đơn giản nhưng vẫn vui vẻ, ấm áp. Năm 2019, thời thế, xã hội thay đổi nhiều so với lúc tôi còn nhỏ. Có những cái mới mình phải thích nghi nhưng không vì thế mà mình chối bỏ hết những giá trị cũ. Những gì cốt lõi, đẹp đẽ của Tết mình giữ lại và những thứ lỗi thời, lạc hậu thì bỏ qua… Tôi nghĩ đây là một điều cơ bản mà hầu hết mọi người đều ý thức được.

“Nếu ghét Tết – Bạn hãy đặt mình trong vai người xa xứ nhiều năm, đảm bảo chỉ cần nghĩ về Tết là bạn đã buồn tới muốn khóc”

Có nhiều người ghét Tết và than vãn rằng họ đã quán chán cảnh đào, quất chất đầy đường, nhạc xuân ầm ĩ khắp mọi nơi, chán món bánh chưng, gà luộc và việc đi lễ chùa, thăm viếng họ hàng… Nhưng tôi nghĩ, có lẽ họ đang sống trong cảnh không khí Tết bị thừa thãi và năm nào cũng được đón Tết nên mới có cảm xúc như thế. Họ thích sự bình yên, không thích bị làm phiền, thích được nghỉ ngơi, offline với Tết… nhưng tôi nghĩ, nếu họ xa xứ vài năm, có lẽ sẽ không còn những sở thích như thế.

Tôi còn nhớ 2 câu chuyện nhỏ, dung dị thôi nhưng từng làm mình rất xúc động về nỗi niềm của người xa xứ dịp Tết.

Câu chuyện đầu tiên là khi tôi đến Islands dịp gần Noel, bạn bè háo hức rủ tôi đi ăn phở. Lúc ấy, trong đầu tôi thoáng nghĩ, phở Hà Nội ngon lắm rồi và mình cũng đã ăn nhiều rồi, sao phải sang tận Islands để ăn một bát phở lai căng làm gì? Nhưng rồi bạn tôi thuyết phục đó là một quán ăn của chị người Việt lấy chồng sang đây. Tôi tò mò và ghé thử nhưng vẫn không dám gọi phở mà chọn món xôi để ăn lót dạ.

Vừa nếm qua, tôi đã giật mình bất ngờ vì xôi chị nấu rất ngon. Đây là lần đầu tiên ở đất nước xa xôi, tôi thấy một chủ quán có tâm đến thế. Chị nấu ngon y như đang sống ở Việt Nam, phục vụ thực khách sành sỏi về đồ Việt chứ không phải là đang ở tận Islands, nấu qua loa, đại khái cho khách nước ngoài, nơi mà chủ quán bảo đó là phở thì họ cũng biết đó là phở, bảo là xôi thì biết đó là xôi.

Trò chuyện với chị, chị kể vì yêu thích ẩm thực Việt, mong muốn được nấu những món ăn đúng kiểu Việt Nam để bán cho kiều bào bên này, chị đã lặn lội về nước 3 tháng học nghề nấu ăn. Tôi nhận ra ngoài việc coi quán ăn là kế mưu sinh, chị ấy thực sự rất tâm huyết với nó. Tôi nghĩ đó là người phụ nữ yêu và tự hào về đất nước. Chị muốn gửi tình yêu ấy ấy, muốn quảng bá ẩm thực Việt đến khách nước ngoài để người ta thật sự biết thế nào là một bát phở, một bát xôi ngon.

Tôi hẹn chị lần khác sẽ quay lại ăn phở. Sau khi đi nhiều nơi, sang cả Cuba du lịch, tôi quay lại Islands. Trời hôm đó rất lạnh, có cả tuyết nữa, tôi chỉ muốn trốn trong khách sạn rồi ra sân bay để về Việt Nam. Nhưng vì lời hứa cũ, tôi vẫn quay lại quán phở…

Nhìn thấy đồng hương, chị chủ quán rất vui. Khi ra về, tôi chợt hỏi chị, “Tết năm nay chị có về quê không”?Chị ấy bảo không thể về vì còn bận làm quán ăn. Ở bên này, mọi người đâu có nghỉ Tết âm như ở Việt Nam, rồi chị còn phải nuôi 2 con nữa. “Chính ra cứ như tụi em là sướng nhất, bay đi bay về thoải mái…”, chị chủ quán nói. Câu ấy bất giác làm tôi xúc động đến rơm rớm nước mắt.

Đấy, trong khi với mình, cái Tết là điều bình dị thì với nhiều người xa quê lâu nắm, họ chỉ mong một lần được bay về Việt Nam, sống trong không khí rộn ràng ngày xuân và làm hết mọi thủ tục đặc trưng ngày đầu năm mới – thứ mà nhiều người giờ đây đang cảm thấy chán ghét, ngao ngán.

Một lần khác, anh bạn tôi ở Mỹ chụp ảnh mâm cơm Tết Nguyên đán gửi về cho tôi xem. Mâm cơm có đủ bánh chưng, gà luộc, giò chả… Tôi bật cười vì không ngờ ở tận nước Mỹ, bạn tôi cũng có một mâm cơm Tết ngon lành, hoành tráng đến như vậy nhưng chỉ vài giây sau, chúng tôi đã chuyển từ trạng thái vui vẻ, cười ngoác miệng sang tình cảnh buồn nẫu ruột. Anh bạn soạn mâm cơm đầy đặn, chẳng thiếu thứ gì nhưng lại ngồi ăn một mình, vừa ăn vừa khóc vì nhớ nhà.

Tôi chợt nghĩ, hóa ra cái Tết đã thành một nét đặc trưng của Việt Nam, một điều đặc biệt không thể thay thế và là thứ mà những người con xa xứ thường xuyên nhớ về. Chúng ta đang sống ở Việt nam, năm nào cũng đón Tết thì có lẽ sẽ không cảm nhận hết sự ý nghĩa, thiêng liêng ấy. Nhưng có lẽ, chỉ cần sống xa quê vài năm như chị chủ quán hay anh bạn tôi, mọi người sẽ lại nhớ Tết và khao khát nó biết nhường nào.

Du lịch dịp Tết nên hay không?

Nói về chuyện đi du lịch, tôi nghĩ quanh năm mới có một dịp Tết được nghỉ dài ngày, đi du lịch cũng là một gợi ý để tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, tôi không coi đó là một cách “trốn Tết”, tránh khỏi những mệt mỏi, phiền hà do Tết đem lại… Với tôi, nó chỉ là một sự lựa chọn sau khi đã dành thời gian quây quần bên gia đình. Ví dụ như có năm tôi đi Ấn Độ thì cũng bay vào ngày mùng 2.

Dù là một người ưa thích xê dịch và thường xuyên đi du lịch đó đây (đến giờ tôi đã đi được 50 nước) thì cũng rất hiếm khi, tôi đi du lịch dịp Tết. Tôi nghĩ bây giờ mình có thể đi du lịch quanh năm, thích là xách balo lên và đi, không phải chờ Tết đến mới đi được. Thế nên vào dịp đặc biệt này, tôi nghĩ mình nên dành thời gian cho gia đình, người thân và bạn bè.

Mỗi năm chúng ta sẽ có những ngày đặc biệt để tổ chức một cái gì đó ý nghĩa. Ví như tôi dù đã 42 tuổi thì mấy chục năm đã qua, sinh nhật vẫn là ngày rất đặc biệt. Nếu bảo quanh năm đều đi thăm họ hàng, đối xử tốt với người thân nên Tết đến, không cần câu nệ chuyện thăm viếng… thì tôi thấy nó không đúng cho lắm. Với tôi, Tết là dịp đặc biệt, quan tâm nhau vào dịp này cũng là cách thể hiện tình cảm đặc biệt.

Cuối cùng, điều tôi muốn nói là thứ gì sinh ra trên đời đều có lý do của nó. Dịp Tết cổ truyền tồn tại hàng nghìn năm nay ắt hẳn sẽ có nhiều lý do rất đặc biệt. Hơn nữa, con người sống cần biết trân trọng quá khứ và có những nguyên tắc cũng như giá trị cốt lõi cho riêng mình. Thế nên, dù đời sống có hiện đại đến đâu, dù mình có thay đổi như thế nào thì những thứ thuộc về bản chất, cốt lõi ấy cũng không cần và không nên thay đổi.

Vương Phi - Tuấn Lê

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/mc-quang-quick-dung-voi-ghet-tet-boi-ai-song-ma-khong-can-co-mot-gia-tri-cot-loi-4446969.html