MC Minh Trang: 'Người phụ nữ sau khi chia tay thường trở nên sắt đá'

MC Minh Trang cho rằng việc thế hệ 8X trở về trước khó nói lời yêu thương với mẹ bởi dường như trong gia đình không hình thành văn hóa bày tỏ tình cảm.

Mẹ là chủ đề cổ điển, gần gũi, thân quen với văn chương. Nhưng có thêm bao nhiêu cuốn sách về mẹ đi chăng nữa cũng không đủ, bởi tình cảm của mẹ luôn rộng lớn hơn những điều mà con có thể nói ra. Cuốn sách Mẹ với phần tranh của Quentin Gréban, lời của Hélène Delforge mang tới những xúc cảm dịu dàng, thi vị về tình mẫu tử.

Sách Mẹ. Ảnh: Linh Nguyễn

Sách Mẹ. Ảnh: Linh Nguyễn

Trong buổi tọa đàm về bản tiếng Việt cuốn sách (diễn ra tối 22/5 tại Hà Nội), nhiều câu chuyện cảm động về mẹ được kể, đã có những giọt nước mắt xúc động.

Mẹ từng là người con gái

Totto-chan bên cửa sổ là cuốn sách nổi tiếng dành cho thiếu nhi của Kuroyanagi Tetsuko. Trong sách, cô bé Totto-chan là nhân vật chính, nhưng hình ảnh người mẹ in dấu sâu đậm với nhà báo Quỳnh Hương. Chị nói: “Người mẹ ở đây chỉ là nhân vật phụ, nhưng tôi rất ấn tượng. Cô ấy tôn trọng phần bất toàn của con, bảo vệ niềm tin của con, để con thấy rằng con xứng đáng được yêu thương, hạnh phúc trên cuộc đời này”.

Với cây bút Đinh Trần Tuấn Linh, Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán) là cuốn sách ấn tượng về mẹ. Trong đó, cậu bé Mừng bị nghi ngờ là gián điệp. Toàn bộ câu chuyện là sự tự dằn vặt của cậu bé, giây phút được minh oan (chính là khi hấp hối), Mừng gọi báo cho mẹ là “con được minh oan rồi”. “Khi cả thế giới quay lưng thì Mừng vẫn có mẹ, khi được minh oan cậu cũng muốn báo cho mẹ là người đầu tiên. Người mẹ trong truyện không xuất hiện nhiều, nhưng tôi rất ấn tượng vì mẹ luôn ở đó, là điểm tựa cho mọi đứa bé”, Đinh Trần Tuấn Linh nói.

MC Minh Trang ấn tượng với tình mẫu tử trong Cô gà mái xổng chuồng (tác giả Hwang Sun-mi). Người mẹ ở đây là cô gà mái, đã đấu tranh đến hơi thở, sức lực cuối cùng để bảo vệ đàn con của mình.

Có lẽ, chính vì tình yêu thương con vô bờ bến mà chúng ta thường nhìn nhận người mẹ như một hình mẫu. “Mẹ là gì? Là người nói với ta những lời yêu thương, khiến ta nghĩ đến sự dịu dàng, mối ràng buộc ruột thịt, sự nhung nhớ và những hy sinh lặng thầm”, trích sách Mẹ viết về hình mẫu chung của bậc sinh thành.

Từ trái qua: tác giả sách Đinh Trần Tuấn Linh, nhà báo Quỳnh Hương, MC Minh Trang trong buổi tọa đàm về tình mẫu tử tối 22/5. Ảnh: Linh Nguyễn

Cây bút Đinh Trần Tuấn Linh kể cho tới khi làm cha, anh mới nhận ra mình đã ít hiểu về mẹ mình thế nào. Vào năm 2018, anh thực hiện một chương trình với tên “Mẹ làm được mà”. Chương trình khuyến khích người mẹ làm những điều mà mẹ từng ước mơ thời còn con gái. Tham gia chương trình, nhiều bạn trẻ biết được hóa ra mẹ mình cũng muốn đi du lịch, hóa ra mẹ mình có ước mơ như nào, khát vọng ra sao...

“Chúng ta ít thấy bên trong người mẹ cũng là người đàn bà, người phụ nữ”, Đinh Trần Tuấn Linh nói. Một phần nội dung cuốn sách Mẹ thể hiện rõ những ước mơ, khát vọng của người phụ nữ: “Mẹ bảo: ‘Mẹ muốn làm bác sĩ, nhưng…’/ Ba dấu chấm nhỏ…/ Mẹ nói không hết câu/ Thực ra ý mẹ là: ‘Mẹ muốn làm bác sĩ nhưng con đã đến’/ Mẹ không đi học mà nuôi tôi khôn lớn/ Mẹ không chữa bệnh mà chăm sóc từng vết đau cho tôi/ Mẹ bảo mẹ không hối tiếc gì/ Tôi vẫn biết không hẳn là như vậy”.

Làm sao để nói lời “yêu” với mẹ?

Tình cảm của người mẹ dành cho con là vô bờ bến, nhưng với nhiều người con, khi trưởng thành, việc nói ba từ “con yêu mẹ” lại không hề dễ dàng. “Khi nổi giận, chúng ta thường gay gắt, nói nhiều điều đau lòng. Vậy mà, khi yêu thương đong đầy, ta lại khó cất lời”, nhà báo Quỳnh Hương nói.

MC Minh Trang cho rằng việc thế hệ 8X trở về trước khó nói lời yêu thương với mẹ bởi dường như trong gia đình không hình thành văn hóa bày tỏ tình cảm. “Bố mẹ tôi chia tay khi tôi 3 tuổi. Tôi không được chứng kiến một gia đình có cha mẹ chia sẻ tình thương yêu. Người phụ nữ sau chia tay phải cáng đáng mọi việc nên trở thành sắt đá. Có lẽ vì thế, mẹ ít khi nói yêu tôi, trìu mến khen tôi với người khác. Tôi luôn cảm thấy có rào cản khi thể hiện tình cảm, nói yêu mẹ”, Minh Trang kể.

Ý thức được điều đó, khi có con, Minh Trang cố gắng bù đắp cho con, tạo môi trường thoải mái để cho con tự nhiên bày tỏ tình cảm. Chị chia sẻ: “Tôi thường hôn tạm biệt chồng trước khi đi làm, để các con thấy bố mẹ thương nhau như nào. Tôi cũng nói nhẹ vào tai, ôm hôn con, nói yêu con, để các con thấy việc nói yêu mẹ là điều tự nhiên”.

Hình ảnh trong sách Mẹ.

Giống như cách của Minh Trang, cuốn sách Mẹ thể hiện tình mẫu tử một cách tự nhiên nhất. 30 bức tranh với những dòng chữ như thơ ngắn ngủi về một bối cảnh, câu chuyện riêng. Nhưng nếu soi chiếu vào, ta sẽ thấy đâu đó câu chuyện của chính mình. Đó có thể là chuyện nhỏ nhặt thường ngày như việc một bà mẹ bất lực với đứa con biếng ăn hay những cử chỉ âu yếm như cái chạm mũi, cọ vào làn da của mẹ dành cho con mỗi tối…

Với nhà báo Quỳnh Hương, tác giả viết lời trong sách giống như người kể chuyện của thế gian. Tác giả có trong tay nải của mình mọi câu chuyện: chuyện về mẹ ở thế kỷ trước, thời hiện tại, vùng thành thị, miền nông thôn, dân tộc thiểu số, một quý bà, hay người mẹ nghèo không biết chữ… Nhưng mọi câu chuyện ấy đều chạm vào ta, bởi ít nhiều chúng ta đều trải qua tình yêu thương ngọt ngào từ mẹ.

“Vì thế, cuốn sách này như có trăm nghìn cách dẫn lối, dắt tim ta tìm về tình cảm ấm áp nhất dành cho mẹ”, nhà báo Quỳnh Hương nói.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mc-minh-trang-nguoi-phu-nu-sau-khi-chia-tay-thuong-tro-nen-sat-da-post949102.html