Mấy ý nghĩ từ sau hai chuyến công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Cộng hòa dân chủ Đức

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Trần Đương 'Mấy ý nghĩ từ sau hai chuyến công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Cộng hòa dân chủ Đức' tại Hội thảo 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc' do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Lần thứ nhất, Đại tướng dẫn đầu đoàn đại biểu quân đội ta thăm hữu nghị chính thức quân và dân nước anh em theo lời mời của Quân đội quốc gia nhân dân Đức (NVA) từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 1977. Lần thứ hai, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi dự lễ Kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức vào đầu tháng 10 năm 1979.
Trong cả hai chuyến thăm lịch sử ấy, với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Berlin, tôi vinh dự được tham gia đoàn tháp tùng vị lão tướng, đồng thời là nhà báo tài ba, nhà sử học uyên bác, nhà văn hóa kiệt xuất, để viết tin và phục vụ ông trong một số hoạt động báo chí. Đó chính là những ngày tôi hân hạnh được sống và làm việc bên cạnh con người đã trở thành huyền thoại trong tâm tưởng của dân tộc ta, trong tình cảm của nhân dân Đức và của bầu bạn khắp năm châu. Gần ông, phục vụ ông, tôi đã có thể cảm nhận được nhiều điều về sự tài ba, sự uyên bác và tầm cao văn hóa của ông, thể hiện qua phong cách, xử sự, tình cảm và phát ngôn hàng ngày của nhà chính khách lớn. Khỏi phải nói về tình cảm xuất phát tự đáy lòng của lãnh đạo và quần chúng nước bạn dành cho ông. Không phải ngẫu nhiên mà có tới bốn Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED), tất cả các vị tướng lĩnh đứng đầu các Tổng cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, các binh chủng quân đội đều có mặt trong các lễ đón và tiễn Đại tướng. Đông đảo nhân dân Berlin tay cầm cờ hai nước vẫy chào người anh hùng lừng danh của dân tộc ta, nhà quân sự thiên tài của thời đại. Tại các thành phố khác, như: Dresden, Erfurt, Potsdam, Leipzig, Gera, Suhl, hoặc tại căn cứ Hải quân thuộc Cảng Dranske trên bờ Baltic…đâu đâu cũng diễn ra khung cảnh sôi nổi, thắm tình hữu nghị, đầy lòng trân trọng như thế. Những tiếng hò “Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp” đã vang lên không ngớt ở tất cả những nơi Đại tướng xuất hiện. Sự trọng thể ấy còn thể hiện ở việc cả hai lần sang Cộng hòa Dân chủ Đức, Đại tướng đều được nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Erich Honecker tiếp, khẳng định tên tuổi “Võ Nguyên Giáp gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc lâu dài và hiển hách của dân tộc Việt Nam chống các thế lực thực dân và đế quốc xâm lược”.
Do hàng ngày gần gũi, đi sát Đại tướng, có mặt trong tất cả các hoạt động của ông, ngoài việc làm tin, tôi còn ghi chép đầy đủ từng lời của Đại tướng cũng như của các vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền và quân đội tại các địa phương khi đón tiếp ông. Có những lời phát biểu nồng nhiệt như của Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Gera - ông Hans Albrecht - khắc sâu vào tâm trí tôi: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại mà tên tuổi không chỉ gắn liền với lịch sử chống xâm lăng của Việt Nam mà với cả phong trào cách mạng thế giới không ngừng phát triển nhằm đẩy lùi áp bức, xâm lược, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người”.
Như đã nói, bất cứ ở đâu, khi Đại tướng xuất hiện, đều diễn ra không khí thân mật, vui vẻ Công nhân xí nghiệp quang học Zeiss Jena, nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Cờ đỏ, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Dresden (TU), Trường đào tạo chuyên gia nông nghiệp Drosnei…đón ông đến thăm như đón một “người thân” đã lâu. Họ đã giãi bày với Đại tướng về các tâm tư, nguyện vọng, về những vấn đề đặt ra trong đời sống và công việc của họ. Có những cuộc trò chuyện kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Đại tướng luôn tươi cười lắng nghe, hỏi han nhiều chi tiết đời thường làm cho họ càng phấn khởi và tin tưởng. Họ nói rằng, chưa bao giờ được gặp và nói chuyện cởi mở với một vị lãnh đạo cao cấp, một vị tướng huyền thoại như Võ Nguyên Giáp. Phải chăng, tất cả đó đều nói lên tầm vóc văn hóa của nhà quân sự lỗi lạc này ?
Nét mặt của Đại tướng trở nên trầm tư, trang nghiêm khi ông đến viếng và đặt vòng hoa ở Đài kỷ niệm lãnh tụ Ernst Thaelmaun, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đức (KPD), một trong những bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thập kỷ 20, 30 của thế kỷ trước, bị phát xít sát hại tại trại giam Buchenwald, chỉ một thời gian ngắn trước ngày giải phóng nước Đức.
Ông vui vẻ tới thăm các ngôi nhà xưa kia của Đại thi hào J.W.Goethe và nhà soạn kịch lừng danh F.Schiller ở thành phố Weimar. Đại tướng nhận xét: Buchenwald và Weimar rất gần nhau, cùng trên lãnh thổ tỉnh Erfurt, nhưng một nơi khét tiếng về tội ác của phát xít, một nơi là trung tâm sáng tác của các nhà văn hóa cổ điển Đức, làm nên sức hấp dẫn kỳ diệu của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Là một trí thức có tầm hiểu biết sâu rộng, ông còn nói: Kinh thánh viết “Khởi thủy là lời”, còn Goethe khẳng định “Khởi thủy là hành động”.
Là một nhà báo kỳ cựu, ông rất nhạy bén trong việc nhận ra những nét đặc sắc của mỗi nơi ông đến, và ông đặt bút viết vào sổ khách, sổ vàng, sổ lưu niệm những dòng sâu sắc với nét chữ bay bổng, tung hoành. Chỉ trong chừng 5 phút, ông viết đến ba trang trong sổ khách của T.P.Leipzig, với đầy đủ nội dung quan trọng và tình cảm của một nhà văn hóa lớn đối với T.P.Leipzig anh hùng. Sau khi nghe bản dịch nội dung các trang viết của Đại tướng, các vị cùng đi là tướng lĩnh, quan chức cao cấp của Cộng hòa Dân chủ Đức rất cảm ơn và đều cảm phục trí tuệ tuyệt vời của ông.
Cũng tại T.P.Leipzig, ông đã có cuộc nói chuyện với lưu học sinh Việt Nam từ khắp các thành phố ở CHDC Đức đến. Trong hai giờ đồng hồ liền, Đại tướng không những truyền đạt những vấn đề nóng bỏng của đất nước ở thời điểm đó mà còn giới thiệu thật hấp dẫn những chặng đường lịch sử của dân tộc với những sự kiện, số liệu cụ thể, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong quá trình phát triển ấy. Ông căn dặn:
“Các đồng chí, các em, các cháu hãy nghiên cứu thật kỹ và tự hào về cha ông ta, về truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Văn hóa là tinh hoa, là cái trường tồn, là bất diệt. Nguyễn Trãi đã từng nói rất hay về văn hóa. Nó là hồn cốt của dân tộc, nó là ngọn lửa hun đúc lòng yêu nước, hún đúc ý chí cách mạng. Phát huy những truyền thống ấy, các đồng chí, các em, các cháu hãy ra sức học tập những cái hay, cái tốt đẹp, những kinh nghiệm quí báu của nước bạn, trở thành những nhân tài, góp phần xây dựng một nền kinh tế và khoa học tiên tiến, một nền văn hóa phù hợp với thời đại mới. Sống, học tập trên quê hương của các thiên tài thuộc mọi lĩnh vực, từ triết học, đến âm nhạc, từ sâu khấu đến văn học, có lẽ nào các đồng chí, các em, các cháu không mang về cho Tổ quốc những gì tốt đẹp nhất ?”
Hôm ấy, những người nghe ông nói chuyện đều phấn chấn, hào hứng, vỗ tay không ngớt. Tôi xin thật lòng nói rằng, trước kia, tôi vẫn nghĩ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, một nhà quân sự tài danh và tôi đã được đọc những thiên hồi ức vô cùng sinh động của ông về những chặng đường lịch sử của dân tộc ở thời đại Hồ Chí Minh, về những trận đánh lẫy lừng mà ông là người cầm quân. Ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong chiến tranh. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh. Qua hai chuyến công tác đặc biệt ở Đức, tôi mới thực sự cảm nhận nơi ông còn là một nhà văn hóa lớn, một nhà báo vô cùng sắc sảo. Điều ấy thể hiện ở những buổi nói chuyện của ông (mà thường là nói vo) với bạn bè quốc tế, với anh chị em cán bộ ta đang công tác ở nước bạn…Tôi còn được cảm nhận và học tập sự nhạy bén, sắc sảo của ông qua các lần được ông duyệt tin. Nhiều hôm, đến tận khuya, đêm đã về sáng, tôi còn được Đại tướng cho gọi vào Nhà khách Chính phủ để thống nhất lại một vài từ hoặc chi tiết nào đó cần điều chỉnh lại. Những thay đổi này quả là cần thiết và có hiệu quả hơn nhiều, chứng tỏ vị lão tướng vẫn liên tục cân nhắc, suy nghĩ hết sức kỹ lưỡng.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vị “võ tướng” lỗi lạc này có cái tên thân mật là “Văn”. Đúng là một con người “văn võ song toàn”. Cũng từ đấy, mỗi lần nghĩ về ông, viết về ông, tôi có phần nghiêng về phía “Văn” của ông, bởi vì về phần “Võ” đã có biết bao người viết! Vả lại, tôi không am hiểu mấy về mặt quân sự. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ rằng, chúng ta, những người cầm bút, có thể nghiên cứu, khai thác và viết những cuốn sách, những công trình về từng khía cạnh “nhà văn hóa Võ Nguyên Giáp”. Tất nhiên, văn hóa là một khái niệm rộng, rất rộng, trong đó có cả phần văn hóa quân sự. Nhưng, ý tôi là muốn đề cập phần văn hóa - nghệ thuật ở ông. Ông coi hoạt động văn hóa là một phần trong cuộc sống phong phú của ông, giúp ông cân bằng cho những tháng ngày làm việc căng thẳng, vô cùng nặng nhọc của vị Tổng chỉ huy. Thật thú vị khi biết ông say sưa học đánh đàn và đánh giỏi; ông cũng thích chụp ảnh và đã ghi lại được những hình ảnh của chiến trường.
Chính từ sau hai chuyến đi ở Đức theo ông, tôi đã viết ngót 40 cuốn sách về Bác Hồ, dường như ở quyển nào cũng có những trang viết về Đại tướng. Bởi vì, trong suốt mấy thập kỷ cách mạng, trên núi rừng Việt Bắc cũng như thời kỳ trước cách mạng ở Hà Nội bao giờ ông cũng ở bên Bác, cùng các cộng sự ưu tú khác.
Trong ba, bốn chục năm qua, tôi đã sưu tầm được khá nhiều tư liệu về “nhà văn hóa Võ Nguyên Giáp” và có thể biên soạn một cuốn sách dày dặn về đề tài này. Cuốn sách có thể bắt đầu tư sự kiện mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đề cập trong tác phẩm “Một ngày chủ nhật”. Giữa bao nhiêu công việc dồn dập, Đại tướng đã đến dự “Hội nghị Văn nghệ” của quân đội từ 9 đến 14/4/1949 với sự quan tâm đặc biệt về đội ngũ văn nghệ sĩ của quân đội.
Trong các tư liệu sưu tầm được, tôi thấy nổi bật lên tấm lòng yêu thương, trân trọng của ông đối với các văn nghệ sĩ và sự khát khao của ông trong việc đóng góp thiết thực cho nền văn nghệ nước nhà. Đọc cuốn “Hồi ức về Điện Biên Phủ” của ông, tôi nhớ có một chi tiết là giữa “những giờ phút khó khăn nhất”, ông đã nhớ đến một bài thơ của Tố Hữu. Nói chuyện với một nhà báo nước ngoài, ở thời điểm ấy, ông tâm sự: “Đất nước chúng tôi vô cùng tươi đẹp, tiếc rằng tôi không phải nhà thơ để bày tỏ những cảm xúc về đất nước ấy, nhưng tôi cùng đồng đội mình chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc tươi đẹp sẽ giàu mạnh trong hòa bình”.
Ông nói rằng, ông không phải nhà thơ, song qua những bộ tổng tập đồ sộ của ông, có rất nhiều vấn đề ông thể hiện rất nên thơ, đầy chất văn học. Việc ông học đánh đàn và trình diễn xuất sắc những bản nhạc trong nước và quốc tế cũng đủ nói lên tâm hồn nghệ sĩ ở ông.
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay, tôi đã được tham dự một số hội nghị và cuộc gặp mặt mà Đại tướng đến chủ trì, nói chuyện. Ấn tượng về ông ngày càng đậm nét, nhiều bài nói của ông trở thành những bài học vô cùng sâu sắc và bổ ích về văn hóa, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đến tận những năm cuối đời, bất cứ đề cập vấn đề gì của xã hội, của đất nước, ông vẫn truyền cho chúng ta những ý tưởng, những huấn thị vô cùng sáng suốt, hết sức thông tuệ. Quên sao được những câu nói của ông trở thành chân lý bất hủ. Một lần, nói chuyện với anh chị em cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản Thanh niên cùng một số anh em nhà báo, nhà văn, ông đã lưu ý nhiều khía cạnh về truyền thống văn hóa của dân tộc mà thế hệ chúng ta và các thế hệ sau này cần phải hiểu và phát huy. Ông căn dặn: Cha anh ta đã xóa được nỗi nhục mất nước, thế hệ trẻ ngày nay phải xóa đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu. Một lần khác, đến nói chuyện tại Hội nghị tập huấn phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, ông giúp mọi người hiểu ý nghĩa của chân lý “thời gian là một lực lượng”. Và ông căn dặn các nhà báo phải học tập, trau dồi kiến thức, đi vào thực tiễn sản xuất của nhân dân với sự nhạy bén; nhìn thấy trước những nhân tố tích cực, tìm cách cổ vũ, phát huy những nhân tố đó. Tôi đặc biệt ấn tượng về bài nói của ông tại Hội thảo “Nhiếp ảnh về chiến tranh và cách mạng” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức vào tháng 12 năm 1995 tại Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự Hội thảo với tình cảm của “Người anh cả”, ông cho rằng: “Đây là một vấn đề lớn có ý nghĩa đối với lịch sử nước ta” và chỉ rõ: “Với mọi ngành nghệ thuật khác, khi chiến tranh đi qua, người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả chiến tranh qua các nguồn tài liệu tin cậy. nhưng, với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ánh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ánh trực tiếp, sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh, và là một thế mạnh về tính chân thực của nhiếp ảnh”. Ông nhấn mạnh:
“Tính chân thật khách quan ấy, tôi muốn nói rõ, là một cơ sở quyết định giá trị của mọi ngành nghệ thuật. Nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm chuyển tiếp thế hệ. Sự nghiệp đổi mới cần phát huy những truyền thống lịch sử đúng với các thế hệ ngày nay và mai sau”.
Những người tham dự hội thảo, nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh từng lăn lộn và có cống hiến lớn trong các giai đoạn cách mạng vừa qua cảm thấy hết sức tự hào khi được nghe vị lão tướng khẳng định:
“Tất cả những bức ảnh về chiến tranh và cách mạng của ta là một tài sản vô cùng quí giá. Nó là bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, của thời đại ta - Thời đại Hồ Chí Minh. Nó là sản phẩm tinh thần của nhân dân ta, tinh thần giải phóng dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Qua những ý kiến của Đại tướng, ai cũng cảm nhận sự hiểu biết sâu sắc của ông và nhiếp ảnh, diễn đạt thật thấu tình đạt lý về một loạt hình nghệ thuật mà ai cũng nghĩ rằng chắc ông không mấy quan tâm. Ngược lại, giờ đây, nghe ông nói về một vấn đề nghệ thuật, ai cũng cảm nhận được tầm nhìn vĩ mô của nhà lãnh đạo cao cấp trong mấy thập kỷ liên tục, trên một tấm lòng, một cái tâm vô cùng sâu sắc của vị anh cả toàn quân. Chăm chú nghe và vô cùng tự hào về sự nghiệp cầm máy, các nghệ sĩ nhiếp ảnh rất thấm thía ý kiến của Đại tướng:
“Có được hàng vạn bức ảnh quí về chiến tranh và cách mạng như vậy là do các nhà nhiếp ảnh của chúng ta đã ý thức được nhiệm vụ quan trọng vẻ vang của mình trên các mặt trận. Trong chiến tranh, các nhà nhiếp ảnh, các nhà báo chí ở trong quân đội đều là các chiến sĩ”.
Từ những ấn tượng qua cuộc Hội thảo nói trên, tôi đã đọc hàng loạt hồi ức của các văn nghệ sĩ về sự quan tâm, giúp đỡ của Đại tướng đối với công việc của họ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự quan tâm ấy, giúp đỡ ấy thể hiện tình yêu thương, quí mến của ông mà ai cũng biết rằng ông là tấm gương sáng về tình yêu thương ấy, tình yêu thương đối với cấp dưới và chiến sĩ của mình. Đó là một đặc điểm nổi bật ở nhà nhân văn lớn. Những người làm việc bên cạnh ông từng thấy ông nhiều đêm thao thức, nước mắt đầm đìa khi được tin một chiến dịch nào đó, máu chiến sĩ đổ quá nhiều mà chiến thắng lại không tương xứng. Ông thường nói: người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Đại tướng Tổng Tư lệnh phải có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của người lính.
Từ những suy nghĩ trên đây, và cũng từ tấm lòng vô cùng kính mến Đại tướng, tôi đã có thể biên soạn và cho ra đời cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nụ cười hiền hậu trong đời thường” (Nhà xuất bản Thanh niên). Nhưng, chưa đủ. Tôi còn giữ khá nhiều hồi ức của các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa thuộc nhiều thế hệ về ông, hàng trăm bài thơ bày tỏ nỗi niềm thương nhớ khi được tin ông vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng giữ được những dòng cảm tưởng của ông khi xem các tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn thơ… mà ông tâm đắc. Riêng về mối quan hệ giữa ông và nhà thơ Tố Hữu, cũng có thể viết được một bài báo bổ ích. Về quan hệ giữa ông và Ernst Frey, một người Áo, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng vậy. Tất cả đó còn nằm trong dự định của tôi. Cuộc hội thảo quan trọng này - với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” sẽ chắp cánh cho chúng tôi thực hiện các dự định đó.

Trần Đương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/may-y-nghi-tu-sau-hai-chuyen-cong-tac-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-o-cong-hoa-dan-chu-duc-66162