Mấy vấn đề trao đổi về Trần Hoằng Nghị *

trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà nghiên cứu sử học Đặng Hùng nhân hội thảo khoa nhọc về Trần Hoàng Nghị.

Tôi rất vinh dự nhận được giấy mời đến dự Hội nghị Hội thảo khoa học "Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)". Là con em của quê hương Thái Bình, chúng tôi rất phấn khởi được biết năm 2006 có gần 30 nhà nghiên cứu của các viện nghiên cứu hàng đầu: Viện Sử học Việt Nam, Viện Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam… đã về Thái Bình giúp đỡ sưu tầm các tài liệu quan trọng như: Văn bia, minh chuông, thần tích, thần sắc, thần phả, phong tục tập quán… mà không dễ gì địa phương chúng tôi có thể làm được, vì những hạn chế về kinh phí, nhân lực, trình độ và thời gian. Đây quả là việc làm đáng quý, đáng trân trọng.

Riêng cá nhân tôi, trong Hội thảo này chỉ xin mạo muội được phát biểu về ba vấn đề sau:

1. Có phải Trần Hoằng Nghị là thân sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ) không? Ông có phải là Thần Hoàng làng Phương La hay không?

2. An Hạ Vương được thờ ở đình làng Miễu có phải là anh ruột của Trần Thủ Độ không? Ông mang họ Lý hay họ Trần?

3. Cụ Trần Hoằng Nghị có phải là người có công giúp dân mở làng, mở chợ, truyền nghề dệt cho dân làng Phương La hay không?

Trước hết tôi xin khẳng định rằng tôi không dám bàn về một dòng tộc, dòng họ nào, mà với tinh thần cầu thị khoa học, trong bài viết này tôi xin bàn về ba vấn đề đã nêu trên để làm sáng tỏ về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ - con người đã gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp nhà Trần ở thế kỳ XIII-XIV. Có thể ý kiến của tôi sẽ làm mất lòng một vài quý vị nào đó, nhưng thiết nghĩ đây là hội thảo khoa học, vì thế mong được các vị lượng thứ cho.

I. Có phải Trần Hoằng Nghị là thân sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ) không? Ông có phải là Thần hoàng làng Phương La hay không?

Hiện tại các bộ sử nước ta như: Việt Sử lược, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam nhất thống chí là các bộ địa chí ghi chép khá tường tận về các di tích lịch sử, văn hóa và nhân vật của các địa phương, đều không thấy chép gì về Trần Hoằng Nghị và lại càng không cho chúng ta biết thân phụ của Trần Thủ Độ là ai. Ngay cả việc Trần Thủ Độ có bao nhiêu con, cháu cũng không thấy có bộ sử nào nhắc tới. Duy nhất có sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc viết ở Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV là cho chúng ta biết một chi tiết rất quan trọng về con, cháu của Trần Thủ Độ. Sách này viết: "Chương Thành hầu Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt và là cháu nội của Quốc thúc Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Văn Lộng đem cả gia quyến đầu hàng quân Nguyên năm 1285 và chết ở Hán Dương - Trung Quốc năm 1313".

Trong cuộc Hội thảo kỷ niệm 800 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ được tổ chức tại Thái Bình ngày 26 tháng 5 năm 1994, cụ Dương Quảng Châu qua bài viết "Trần Thủ Độ với Thái Bình", lần đầu tiên "công bố" thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị Đại Vương. Tư liệu mà cụ Châu đưa ra trong hội thảo là tư liệu điền dã mà cụ sưu tập được ở các địa phương trong và ngoài tỉnh Thái Bình, chứ không phải là tư liệu dựa trên các tài liệu chính sử. Năm 2001, Sở Văn hóa Thái Bình tái bản sách "Thái Bình với sự nghiệp đời Trần", có bổ sung thêm một số bài viết, trong đó có bài "Đất và người Tinh Cương - Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần" của đồng tác giả Dương Quảng Châu - Phạm Hóa. Hai ông đã tái khẳng định một lần nữa về thân phụ của Trần Thủ Độ để khẳng định Trần Thủ Độ là con của Trần Hoằng Nghị. Xin đọc bài "Trần triều Hoằng Nghị Đại Vương và những tồn nghi" (Đặng Hùng - Tạp chí Xưa & Nay, tháng 12/2006).

Khi đọc kỹ hai bài viết của cụ Châu (in ở hai thời điểm khác nhau), chúng tôi thấy dường như cụ đã nhận ra sự sai sót của mình trong việc phát hiện thân sinh và anh em của Trần Thủ Độ. Nếu ở bài một (in năm 1995), cụ Châu cho rằng cụ Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghị… (và) Trần Hoằng Nghị sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ. Thì ở bài hai (in năm 2001), cụ Châu lại viết rất khác về anh em của Trần Thủ Độ. Có lẽ vì không tìm thêm được tài liệu, cũng không thể chứng minh được An Hạ Vương là anh của Trần Thủ Độ, đồng thời dường như đã nhận ra sự sai sót trong các tư liệu điền dã của mình, nên cụ Dương Quảng Châu đã tránh việc Trần Thủ Độ có ba anh em (ở bài một) và chỉ nói có hai anh em (ở bài hai): Trần An Quốc và Trần Thủ Độ. Nhưng cụ lại mắc tiếp một sai lầm khác khi viết về thân phụ của Trần Hoằng Nghị. Cụ Châu cho rằng người sinh ra Trần Hoằng Nghị là Trần Quả (em của Trần Hấp chứ không phải là con của Trần Hấp, khác với bài một) và không những lẫn lộn về thân sinh của Trần Hoằng Nghị, tác giả lại gắn Trần An Quốc với Trần An Hạ là một người.

Ấy vậy mà có tác giả lại viết: "Cụ Trần Hoằng Nghị là con trai thứ của Trần Hấp, em Trần Lý và Trần Hoằng Nghị chính là thân phụ của Trần An Hạ, Trần An Quốc, Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ). Trong tình hình tư liệu hiện tại, đồng ý với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình (Dương Quảng Châu, Phạm Hóa, Trần Xuân Sinh, Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức…), chúng tôi cho rằng "Thân phụ của Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị Đại Vương"(1).

Bài "Vương phi Đàm Chiêu Trinh"(2) của hai tác giả Phạm Minh Đức - Bùi Duy Lan đã viết: "Sau khi hai vợ chồng An Hạ Vương chết, vua Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, cho làm lễ truy liệm, lại cho khắc vào bia đá để truyền mãi đến đời sau. Nhà vua truy phong cho ông là An Hạ Đại Vương, cho mang họ của vua, vì vậy có người nhầm lẫn giữa An Hạ Cương và An Quốc - anh Trần Thủ Độ"(3).

Khi viết về Trần Thủ Độ, ông Trần Xuân Sinh cũng đã trích dẫn theo tài liệu của cụ Dương Quảng Châu. Vậy mà không hiểu dựa vào đâu mà tác giả nói trên lại viết: "Trong tình hình tư liệu hiện tại, đồng ý với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình". Có chăng tác giả chỉ đồng ý với ý kiến của cụ Châu đưa ra (bởi tư liệu này là của cụ Châu dẫn ra chứ không phải là của các vị trên). Tư liệu mà tác giả muốn thuyết phục mọi người tin rằng Trần Hoằng Nghị là thân sinh của Trần Thủ Độ cũng lại chỉ dựa vào tư liệu điền dã "truyền khẩu" và "bài vị" có ghi họ tên của Trần Hoằng Nghị ở trong miếu thờ cụ và ở nhà thờ tổ họ Trần tại làng Phương La. Nhưng liệu những tư liệu này có đáng tin cậy không?

Trong bài (đã nêu trên) viết: "Bài Hoằng Nghị Đại Vương thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, chúng tôi có viết: Hiện trong miếu nhỏ còn lưu giữ được một tấm bài vị có ghi dòng chữ: "Phụng Đại Vương Thượng đẳng Phúc thần Trần Hoằng Nghị. Đồng tứ vị phu nhân" (Nghĩa là: Nơi đây phụng thờ vị Đại Vương được phong làm Thượng đẳng Phúc thần là Trần Hoằng Nghị cùng với bốn phu nhân của ngài)". Nếu tính từ năm 1986 đến năm 2005, thì ở Thái Bình đã có ít nhất ba cuộc hội thảo về sự nghiệp thời Trần và Trần Thủ Độ.

Trước khi tổ chức các cuộc hội thảo nói trên, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình, Sở Văn hóa - Thông tin đã cử hàng chục cán bộ, cộng tác viên, trong đó có cả cụ Dương Quảng Châu, ông Nguyễn Tiến Đoàn, cụ Hứa, cụ Dốc… xuống các huyện, xã trong tỉnh; đặc biệt là ở các xã Thái Phương, Tiến Đức, Canh Tân, Phú Sơn, Hồng An… huyện Hưng Hà. Có thể nói, đoàn công tác đã "chà đi xát lại" nhiều lần để tìm kiếm các thư tịch, văn bia, thần sắc, thần phả, tiếp xúc các cụ già trong làng để tìm hiểu về di tích, dòng họ của nhà Trần và Trần Thủ Độ trên đất Thái Bình, nhưng cũng không thấy ai trong đoàn nhắc tới bài vị và những chữ viết trên đó. Chắc hẳn cụ Châu cũng chưa từng nhìn thấy bài vị đó (mặc dù cụ là người rất ham săn tìm các tư liệu, hiện vật, di tích, văn bia về Trần Thủ Độ). Vì thế trong bài "Từ đất Thái họ Trần dựng nghiệp"(1) không thấy cụ Dương Quảng Châu viết gì về tấm bài vị này và kể cả thân thế của Trần Hoằng Nghị cũng không được nhắc tới. Năm 2001, Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình tái bản tập sách nói trên, cụ Dương Quảng Châu đã sửa lại bài viết của mình và thay đổi tên bài thành "Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần". Trong bài viết, cụ Trần Hoằng Nghị và tên bốn người vợ (của cụ) lần đầu tiên được tác giả đưa vào bài viết theo lời kể truyền khẩu chứ không phải là theo bài vị: "Con cháu họ Trần hiện nay ở Thái Phương vẫn còn truyền khẩu về bốn người vợ của Trần Hoằng Nghị mang húy hiệu là: Tô Thị Nàng, Quê Huê Nàng, Dong Huê Nàng và Hoàng Đức Mây" (Sđd).

Năm 1938, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã bắt các chức dịch tổng, xã, làng phải kê khai thần hoàng cùng với sắc phong, thần tích, thần phả để đưa vào Viện Viễn Đông Bác cổ lưu giữ. Nhưng qua tra cứu, xét thấy các vị thần hoàng được thờ ở Xuân La, Phương La chỉ có ba người là Trang Nghị Đại Vương, Hoàng Bà Bến Súc Trấn Quốc Đại Vương và Thiên Quan Đại Vương chứ không có thần tích, thần phả, bài vị của vị Phúc thần Hoằng Nghị Đại Vương như một số tác giả đã viết: "Đâu phải ngẫu nhiên cụ từng được nhà nước quân chủ trước đây phong làm "Phúc thần" (tức thần hoàng làng) (Sđd).

Thực tế cho đến nay, ở làng Phương La chưa có hiện vật, tư liệu khảo cổ nào khẳng định "Hoằng Nghị Đại Vương là thần hoàng" của làng này ngoài bài vị mà tác giả bài viết trên nêu ra( "Thái Bình với sự nghiệp thời Trần" - xuất bản năm 1986.). Chúng tôi không phải là nhà khảo cổ học, văn bản học nhưng qua con mắt trực giác của mình thì thấy có lẽ bài vị này chỉ xuất hiện ở… thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Rất mong các nhà khảo cổ học, văn bản học thẩm định về niên đại xuất hiện và kiểu chữ viết của bài vị này.

Như vậy, thiết tưởng đã rõ bài vị mà một số tác giả nêu ra chưa đủ sức thuyết phục để mọi người tin rằng có một vị thần hoàng ở làng Phương La là Trần Hoằng Nghị và cũng chưa thể đồng ý với ý kiến của tác giả: "Chúng ta đành tạm chấp nhận nguồn tư liệu điền dã tại quê hương Hoằng Nghị Đại Vương. Cụ là cha đẻ Trần Thủ Độ"(Tạp chí Xưa & Nay, tháng 12-2006.).

Tuy còn hạn chế rất nhiều về kiến thức sử học nhưng chúng tôi vẫn biết rằng đối với sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử..., các nhà viết sử xưa thường chỉ kết luận đúng hoặc không đúng hoặc còn tồn nghi. Ngay cả Ngô Sỹ Liên khi viết về Trần Thủ Độ cũng đã hoài nghi việc Trần Thủ Độ có tàn sát hay không tàn sát tôn thất nhà Lý, vì thế ông đã phải chua thêm: "Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại"(3). Ngô Sỹ Liên sống ở thời nhà Lê, gần với thời nhà Trần, vậy mà khi viết sử, thấy điều gì còn tồn nghi cũng không dám "tạm chấp nhận tư liệu điền dã" như cách suy nghĩ của mét sè nh# nghi#n c#u ngày nay.

II. An Hạ Vương được thờ ở đình làng Miễu có phải là anh ruột của Trần Thủ Độ không? Ông mang họ Lý hay họ Trần?

Thực tế, chữ Hán Nôm tôi không biết, nhưng những lần đi điền dã cùng ông Nguyễn Tiến Đoàn, chứng kiến sự cần mẫn, tỉ mỉ, thận trọng của ông qua việc đọc, dịch các văn bản thần sắc, thần phả, văn bia với một phong cách nghiên cứu khoa học thực sự khiến tôi rất khâm phục. Có lẽ vì thế tôi không dám khẳng định bản dịch của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân hay ông Nguyễn Tiến Đoàn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường - ông nào dịch đúng, ông nào dịch sai. Tôi chỉ nhận thức được qua bản dịch của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân và nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn cùng có điểm chung, đó là:

Cả hai bản dịch đều khẳng định vị Thần hoàng được thờ ở đình làng Miễu, xã Đông Quang, Đông Hưng là họ Lý - Lý An Hạ chứ không phải là họ Trần - Trần An Hạ.

Cả hai bản dịch của hai ông đều cho biết Lý An Hạ được vua Trần cho mang họ vua (họ Trần sau khi ông mất). Thử hỏi, nếu Lý An Hạ đã là họ Trần thì cần gì vua phải ban Quốc tính (họ Trần)?

Điều đó phù hợp với quan điểm của ông Phạm Minh Đức - Bùi Duy Lan đã viết: Trước lăng mộ có câu đối, tương truyền là của vua Trần Thánh Tông ban tặng:

"An Hạ Hầu, An Hạ Vương công tích liệt oanh tồn quốc sửVi Vương Phi, Vi Hậu Muội phương danh ngật ngại (ngãi) tại thiên thu"(Sđd, bài "Vương Phi Đàm Chiêu Trinh".)

Có điều rất khó hiểu khi đọc những lời chú thích của Ban Biên tập, ở cuối bài dịch nghĩa "Bài văn bia làng Miễu" (do Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân dịch), Ban Biên tập ghi: "Về tiểu sử và quê hương An Hạ Đại Vương được ghi chép trong văn bia đình Miễu này có vài chi tiết khác với kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu tỉnh Thái Bình. Thực ra, văn bia được viết vào cuối thế kỷ XVII, cách thời An Hạ Đại Vương khoảng 5 thế kỷ, cho nên những thông tin trên chưa chắc đã chính xác. Trong Hội nghị khoa học "Hoằng Nghị Đại Vương" này, căn cứ vào các bộ gia phả họ Trần và ký ức của hậu duệ đức Hoằng Nghị tại Bến Trấn - Phương La, chúng tôi vẫn ghi nhận An Hạ Đại Vương là con thứ của cụ Trần Hoằng Nghị" (BBT).

Dù là người có vốn kiến thức hạn hẹp về sử học đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn hiểu rằng khi nghiên cứu về lịch sử dân tộc, danh nhân, đình chùa… ngoài các nguồn tư liệu thư tịch, thần phả, thần tích ra thì văn bia của người xưa để lại cũng là một tài liệu rất quan trọng. Nhưng không hiểu phương pháp nghiên cứu khoa học của ban biên tập như thế nào mà khi chưa đưa ra được những bằng chứng đáng tin cậy, chưa tìm được những tấm bia có nội dung khác hoặc gần tương tự với nội dung tấm bia làng Miễu (cùng viết về nhân vật An Hạ Vương), không biết văn bia làng Miễu khác ở chỗ nào, chỗ sai đó có ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung của văn bia hay không mà đã vội vàng viết: "Về tiểu sử và quê hương của An Hạ Đại Vương được ghi chép trong văn bia làng Miễu này có vài chi tiết khác với kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu Thái Bình"?

Phải chăng nội dung tấm văn bia đã khẳng định An Hạ Vương là người của dòng họ Lý chứ không phải họ Trần và ông cũng không phải là anh em của Trần Thủ Độ. Có lẽ điều đó lại trái với suy nghĩ, cách nhìn của một số người, hay vì một lý do nào khác nên buộc tác giả bài viết đã nêu phải cho rằng "có vài chi tiết khác?".

Trong khi không thừa nhận giá trị lịch sử đích thực của văn bia làng Miễu thì một số nhà nghiên cứu lại đi tin vào những lời truyền ngôn (chưa được chứng minh bằng các phương pháp khảo cổ học, thần tích, thần phả, văn bia…) ở làng Mẹo. Người đời có câu: "Tam sao thất bản". Tôi không phủ nhận thông tin truyền khẩu vì nó có thể là đúng, có thể là sai, nhưng tính nhất ngôn của nó thì quả là khó chính xác. Tác giả viết: "Trong các cuộc điều tra điền dã tại quê hương Hoằng Nghị Đại Vương, chúng tôi đều được các cố lão trong dòng họ Trần và kể cả các dòng họ khác ở đây cho biết: Cụ Trần Hoằng Nghị là con trai thứ của cụ Trần Hấp, em của Trần Lý, là nguyên tổ Hoàng tộc nhà Trần và cụ Trần Hoằng Nghị chính là thân phụ của Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ).

Thật khó hiểu, trong khi nằng nặc phủ nhận tính lịch sử, độ tin cậy của tấm bia ở thế kỷ XVII (tại làng Miễu), thì một số nhà nghiên cứu lại tin vào lời kể (truyền khẩu) của những người ở thế kỷ XXI về nhân vật huyền thoại Trần Hoằng Nghị. Trong khi viện dẫn: "Đồng ý với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình (Dương Quảng Châu, Phạm Hóa, Phạm Minh Đức…), họ đã không nhìn nhận những mâu thuẫn và sự thiếu nhất quán trong các tư liệu của cụ Châu đưa ra qua hai bài viết (ở hai thời điểm khác nhau). ở hai bài viết này, có lúc cụ Châu cho rằng Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị (bài 1), khi lại viết Trần Quả (em Trần Hấp) sinh ra Trần Hoằng Nghị. Kh#ng híou, độ thiếu thống nhất trong các tư liệu điền dã của cụ Châu và sự đồng ý với nhận định của cụ Dương Quảng Châu, Phạm Hóa mà tác giả bài viết "Trả lời bài Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương và những tồn nghi…" đưa ra là đúng hay sai?

Thật là lạ khi tác giả đã viết: "Thái độ thận trọng trong khoa học, không đồng nghĩa với thái độ bất khả tri, nghi ngờ tất cả, phủ nhận tất cả". Nhưng có lẽ tác giả mới chính là người nghi ngờ những hiện vật có thực như văn bia làng Miễu và phủ nhận những tài liệu mà nhiều nhà khoa học đã dẫn ra để chứng minh sự vô lý trong các tư liệu điền dã "truyền khẩu" của cụ Dương Quảng Châu.

III. Cụ Trần Hoằng Nghị có phải là người có công giúp dân mở làng, mở chợ, truyền nghề dệt cho dân làng Phương La hay không?

Trong "Trả lời bài Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương và những tồn nghi" có đoạn: "Như vậy đã rõ, vị thủy tổ họ Trần về làng Mẹo - tức khu Bến Trấn xưa - xã Phương La nay - lập nghiệp, dựng làng và truyền nghề dệt, mở chợ không thể là ai khác mà chính là cụ Hoằng Nghị Đại Vương" (Sđd).

Xin hỏi: Vị thủy tổ này là ai? Nếu theo tư liệu của cụ Châu thì đó là cụ Trần Hấp hay cụ Trần Quả? Liệu có đúng là cụ Trần Hoằng Nghị không? (nếu có nhân vật này).

Tôi chỉ xin nêu ra vấn đề: Cứ coi như cụ Trần Hấp hoặc Trần Quả là người sinh ra Trần Hoằng Nghị, thì vị thủy tổ đầu tiên của dòng học Trần ở làng Mẹo phải là một trong hai người nói trên chứ không phải là Trần Hoằng Nghị. Nếu đúng vậy thì vị này làm nghề chài lưới chứ đâu biết nghề dệt mà truyền cho dân làng. "Đại Việt sử ký toàn thư", kỷ nhà Trần, có viết: "Đời trước của vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Kinh sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề chài lưới…" (tr.434).

Đánh cá là nghề nặng nhọc (so với nghề dệt vải). Nếu đúng là cụ Trần Hấp hoặc cụ Trần Quả (giả sử có nhân vật này), biết nghề dệt sao lại không lên bờ làm nghề này? Quả là thật khó hiểu và rất phi lô gích. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", nếu tính từ đời cụ Trần Kinh đến đời cụ Trần Thừa là bốn đời ("Đại Việt sử ký toàn thư" ghi là "đời đời làm nghề đánh cá"). Đây là điều khó có thể tin được khi nói cụ thủy tổ sinh ra Trần Hoằng Nghị đã truyền nghề dệt cho dân làng. Ngay cả việc nếu có nhân vật Trần Hoằng Nghị thì liệu có đúng như một số nhà nghiên cứu viết không: "Vị thủy tổ họ Trần về làng Mẹo, tức Bến Trấn xưa, xã Phương La nay - lập nghiệp dựng làng, truyền nghề dệt, mở chợ không thể là ai khác mà chính là Trần Hoằng Nghị Đại Vương"…

Đến đây ta thấy tư liệu điền dã của cụ Châu và tác giả bài viết dẫn ở trên rất mâu thuẫn. Người thì cho rằng cụ thủy tổ về làng Mẹo là Trần Hấp (hoặc Trần Quả). Người thì nói vị thủy tổ đó là Trần Hoằng Nghị. Chúng ta cũng chưa có được thông tin nào đáng tin cậy để tin rằng, vào thời kỳ đó, cụ thủy tổ của làng Mẹo đã mở chợ. Bởi tất cả các thông tin mà tác giả và cụ Dương Quảng Châu nêu ra đều là nghe người ở thế kỷ XX-XXI kể lại. Nó không được chứng minh bằng các di vật khảo cổ hoặc các văn bản thư tịch cổ, thần sắc, thần phả… Nếu cứ nghe truyền khẩu mà không có đủ tư liệu để chứng minh sự việc đó là đúng rồi bảo người khác phải tin thì khó có thể chấp nhận được, bởi nó thiếu hẳn tư duy nghiên cứu biện chứng khoa học, nhất là khoa học lịch sử. Các tư liệu điền dã chỉ nhằm để làm sáng tỏ một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật lịch sử nào đó… chứ nó không thể là yếu tố quyết định chính, hoặc cũng không phải là tài liệu chính sử để căn cứ vào đó mà khẳng định những tư liệu điền đã là đúng sự thật 100%. Trong đoạn kết của bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình", nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu viết: "Do có nhiều khó khăn, hạn chế về tư liệu, trên đây là mấy suy nghĩ bước đầu, mong được các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử tiếp thêm công sức làm sáng tỏ hơn về quê hương, gia đình, con người và sự nghiệp của Trần Thủ Độ" (Sđd).

Đấy là suy nghĩ rất thấu tình, thấu lý của cụ Châu trong quá trình điền dã chứ không phải là sự khẳng định của tác giả về việc Trần Hoằng Nghị ở Phương La và ông có phải là thân phụ của Trần Thủ Độ hay không. Đây thực sự là những trăn trở của cụ trước một tư liệu điền dã, chứ không phải là một tư liệu chính sử; nhưng nếu bây giờ chúng ta lấy điều suy nghĩ đó của cụ (mà không hiểu ý nghĩa của những lời viết ở đoạn trích trên) để rồi khẳng định các tư liệu cụ Châu viết ra là hoàn toàn đúng thì quả là oan cho cụ. Căn cứ vào bài viết của của tác giả trên, chúng ta cũng chưa thể làm sáng tỏ thêm được điều gì về thân sinh, gia đình, con cháu của Trần Thủ Độ. Thực ra tác giả chỉ dừng lại theo "mấy suy nghĩ bước đầu" của cụ Dương Quảng Châu mà thôi, vì những tư liệu của tác giả đó đưa ra cũng chỉ là dựa theo những tư liệu truyền khẩu theo kiểu "tam sao thất bản", chứ cũng không có một tư liệu chính sử nào để đủ sức thuyết phục người đọc, người nghe tin rằng có nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân sinh của Trần Thủ Độ ở làng Mẹo.

Là người yêu thích lịch sử, đặc biệt là lịch sử Vương triều Trần, tôi trộm nghĩ người viết sử phải trung thực, khách quan, điều gì đúng phải khẳng định là đúng, điều gì sai phải ghi nhận là sai; vấn đề nào còn tồn nghi chưa rõ đúng sai thì phải ghi là tồn nghi chứ không nên kết luận vội vàng thiếu khoa học như kiểu của một số nhà nghiên cứu hiện nay. Tôi mạo muội nêu những suy nghĩ của mình trong cuộc hội thảo này, rất mong được các nhà khoa học, các nhà sử học, các cao nhân thứ lỗi cho những khiếm khuyết của tôi mà rộng tay chỉ giáo để tôi được mở rộng tầm mắt, học hỏi thêm theo đúng điều cha ông vẫn dạy: "Học hải vô nhai" (Biển học không cùng).

Chúc Hội thảo thành công và làm sáng tỏ được thân sinh cùng cuộc đời sự nghiệp, con cháu… của Thái sư Trần Thủ Độ - một danh nhân của quê hương Thái Bình nói riêng, của đất Việt nói chung.

--------------------

(*) Tham luận của Nhà nghiên cứu Đặng Hùng tại Hội thảo khoa học: "Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)" do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tháng 1 năm 2007.

(1) "Trả lời bài Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương và những tồn nghi của Đặng Hùng" - Tiến sĩ, Phó giáo sư Nguyễn Minh Tường - Tạp chí Xưa và Nay, tháng 12/2006.
(2) "Nữ Thần và Thánh Mẫu Thái Bình". Phạm Minh Đức - Bùi Duy Lan - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin - 2004.
(3) Sđd, tr.162.

Đặng Hùng - Hội Viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/may-van-de-trao-doi-ve-tran-hoang-nghi-72180