Mấy vấn đề của văn chương

Giải thưởng là để ghi nhận thành tựu, định hướng cho sáng tác và thưởng thức, góp phần thúc đẩy sáng tạo của văn nghệ sỹ, phấn đấu có những tác phẩm hay phục vụ nhân dân và đất nước. Uy tín của một giải thưởng phụ thuộc rất nhiều vào Hội đồng xét giải. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm và năng lực của Hội đồng xét giải là một vấn đề phải tính đến trước tiên.

Nhà văn chuyên nghiệp?

Tôi rất mặc cảm khi nghe danh hiệu này. Ngày xưa làm gì có danh hiệu ấy. Ai dám gọi Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu... là nhà thơ chuyên nghiệp. Viết văn không phải là một nghề nên không có chuyện chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Đây chỉ là một việc phát ra từ tâm hồn làm phong phú thêm cuộc sống, chứ có ai lập nghiệp bằng con đường này đâu. Các cụ còn có câu lập thân tối hạ thị văn chương đấy thôi.

Bây giờ cơ chế thị trường, hội nhập thế giới thì chúng ta cũng phải chấp nhận danh hiệu này. Nhưng khái niệm nhà văn chuyên nghiệp có cách hiểu khác nhau. Nếu hiểu nhà văn chuyên nghiệp là người chuyên sống bằng nghề viết văn thì hiện ở Việt Nam có được mấy người? Nhưng thế chẳng lẽ lại toàn nhà văn nghiệp dư cả, khi các nhà văn sống bằng một công việc có thu nhập ổn định, còn viết văn chỉ thu nhập thêm? Bởi các nhà văn nổi tiếng ở nước ta từ trước đến nay cũng chỉ có rất ít tiền từ thu nhập viết văn.

Không ai muốn gọi mình là nhà văn nghiệp dư nên dần dần từ chuyên nghiệp được hiểu như trình độ tinh thông nghề nghiệp. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều bài báo đã nói đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo và phê bình văn học nghệ thuật. Nhưng thạo nghề, tinh thông nghề nghiệp đâu có được đánh giá cao trong lĩnh vực này. Thạo nghề, tinh thông nghề nghiệp cũng chỉ để lại những tác phẩm trung bình, tức là có trình độ trên nghiệp dư. Còn những tác phẩm hay đâu phải cứ tinh thông nghề nghiệp là có được. Tác phẩm hay ra đời từ hồn thơ, hồn văn chứ! Sự thạo nghề, tinh thông nghề nghiệp thì có thể học, có thể rèn luyện. Còn tác phẩm hay là ở hồn thơ, hồn văn cao hay thấp. Mà hồn văn hồn thơ cao hay thấp thì phần nhiều từ bẩm sinh, sự bồi đắp cũng có thể làm tôn cao thêm, vạm vỡ hơn nhưng khó khăn vô cùng. Bảo là bí ẩn thì là bí ẩn. Sự thực thì bí ẩn đến mấy con người cũng có thể hiểu được. Có điều đây là một lĩnh vực cao siêu thuộc thượng tầng kiến trúc nên nó không theo quy luật thông thường. Nó cũng có quy luật, nhưng là một quy luật cao. Một quy luật vô cùng phức tạp, người bình thường rất khó nhận biết.
Trước đây danh hiệu nhà thơ nhà văn cao quý vô cùng. Nhắc đến họ là mọi người đều kính phục. Bây giờ, danh hiệu này không còn thiêng liêng nữa, nếu chưa nói là hơi bị nhàm. Phim Vòng nguyệt quế vừa chiếu trên giờ vàng của VTV1 còn có nhân vật nhà thơ tên Thái (bút danh Thái Bạch), bị bôi bác, nhạo báng. Đúng là ngoài đời có những kẻ như thế thật. Thuở sinh viên tôi cũng có mấy người bạn tương tự lúc nào cũng đọc thơ ông ổng. Sau này ra đời không thấy họ thơ thẩn gì nữa. Nhưng đấy mà là nhà thơ ư? Đâu phải cứ viết văn, làm thơ thì gọi là nhà thơ, nhà văn. Mà cũng lạ, cái danh đã bị xuống cấp đến thế mà vẫn có nhiều người thích. Thế mới hiểu, ngày xưa các cụ gọi là cái bả danh lợi cũng là phải.

Trong mắt tôi, các nhà văn nhà thơ luôn luôn cao quý, và không có nhà văn chuyên nghiệp, chỉ có nhà văn thôi.

Giải thưởng văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần của con người. Mà trong đời sống tinh thần của con người thì văn học nghệ thuật lại được xếp hạng cao. Vì vậy, từ xưa đến nay, ở nước ta cũng như các nơi khác trên thế giới, những hoạt động văn học nghệ thuật luôn luôn được tôn trọng, được đề cao, trở thành tâm điểm chú ý của cả xã hội. Một giải thưởng về lĩnh vực này là một vấn đề nhạy cảm đối với những người trong giới, những người yêu văn học nghệ thuật và với toàn xã hội.

Điều khó khăn đối với tất cả các giải thưởng văn học nghệ thuật là tiêu chí đánh giá trong lĩnh vực này không thể cân đo đong đếm một cách cụ thể được. Từ xưa, các cụ đã có câu Văn chương tự cổ vô bằng cứ hoặc Văn mình vợ người cũng để nói điều khó khăn trong khách quan đánh giá. Điều này đòi hỏi các ban tổ chức giải, các hội đồng xét giải phải có năng lực và trình độ cao về lĩnh vực trao giải, phải khách quan vô tư vì sự nghiệp chung và phải có một cơ chế xét giải thật khoa học. Không có được hai phẩm chất và cơ chế ấy thì các Ban - Hội đồng nào cũng sẽ dẫn đến sự chệch choạc trong việc xét trao giải.

Theo dõi các giải thưởng văn học nghệ thuật của nước ta hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta sẽ nhận thấy dẫu giải thưởng nào thì cũng còn những khiếm khuyết. Nhưng những giải thưởng thời gian trước đây, dẫu sao cũng còn được đa số tâm phục, khẩu phục. Bước vào cơ chế thị trường, tình hình đã có biến đổi hẳn. Cơ chế thị trường là một cơ chế vì lợi ích; lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân song song tồn tại, đan xen nhau và có nhiều khi mập mờ, lẫn lộn. Giữa biển đời cuộn sóng cần phải có người cầm trịch, tay lái vững vàng, nếu không sẽ lộn tung lên. Giải thưởng cao nhất ở nước ta về văn học nghệ thuật là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, trao đợt I thì được đa số văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng yêu văn học nghệ thuật tâm phục, khẩu phục. Đến lần trao giải đợt II đã có nhiều dư luận bàn ra, tán vào. Đợt III, ngay từ khi mới có danh sách được đề nghị trao giải đã nổi lên những làn sóng dư luận trái chiều, phản đối những trường hợp này nọ, dẫn tới phải tổ chức đối thoại, rồi có người xin rút.

Còn giải thưởng của các hội chuyên ngành và giải thưởng văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành thì càng có nhiều vấn đề. Tôi có thời gian dài công tác ở một hội văn học nghệ thuật địa phương. Ở đây trình độ văn học nghệ thuật của hội đồng văn học nghệ thuật tỉnh và đa số hội viên có hạn chế. Chỉ có số ít hội viên hội văn học nghệ thuật các tỉnh là hội viên của các hội chuyên ngành trung ương. Nên mỗi đợt xét giải thường nảy sinh nhiều vấn đề. Đôi khi có những tác phẩm không thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật mà chỉ là tác phẩm về lĩnh vực văn hóa cũng được đưa vào xét giải, thậm chí còn được cả giải thưởng. Trường hợp tác phẩm không xứng đáng nhưng lại được giải cao vì những lý do ngoài văn chương thì nhiều. Rồi cũng có những người không nhận giải. Trong số những người không nhận giải cũng có người vì lý do chính đáng là tác phẩm của mình có chất lượng hơn mà phải nhận giải thấp hơn tác phẩm kém chất lượng; nhưng cũng có trường hợp không nhận giải để được dư luận một lần nữa chú ý đến, để tỏ ra cao đạo…

Giải thưởng của các hội chuyên ngành cũng không ít những vấn đề còn tồn tại. Mở đầu cho giải thưởng các hội chuyên ngành thường là Giải thưởng của Hội Nhà văn. Tôi không nói đến việc hay dở, đúng sai của giải thưởng này. Tôi chỉ nói Giải thưởng của Hội Nhà văn từ trước đến nay luôn là một giải thưởng sang trọng, nhưng có năm gần đây biết bao dư luận nhiều chiều từ khi giải được công bố đã làm cho giải không còn thiêng nữa, không còn sang trọng nữa. Trách nhiệm này thuộc về Hội đồng xét giải và Ban chấp hành Hội. Rõ ràng, Hội đồng xét giải đã không đưa ra được những quyết định thuyết phục hội viên và đông đảo công chúng yêu văn chương.

Giải thưởng là để ghi nhận thành tựu, định hướng cho sáng tác và thưởng thức, góp phần thúc đẩy sáng tạo của văn nghệ sỹ, phấn đấu có những tác phẩm hay phục vụ nhân dân và đất nước. Uy tín của một giải thưởng phụ thuộc rất nhiều vào Hội đồng xét giải. Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm và năng lực của Hội đồng xét giải là một vấn đề phải tính đến trước tiên. Tiếp đến là cơ chế xét giải quy định làm sao để không còn kẽ hở cho những lợi ích cá nhân, phe nhóm, những động cơ phi văn học nghệ thuật có thể tác động đến giá trị khách quan của giải. Thứ ba là việc tổ chức quá trình xét giải phải thật thận trọng và dân chủ, để tránh sự cứng nhắc cực đoan nhưng cũng không được buông lỏng, dễ dãi.

Không ai kỳ vọng vào sự chính xác tuyệt đối của các giải thưởng nhất là các giải thưởng về văn học nghệ thuật. Nhưng những người hoạt động văn học nghệ thuật và đông đảo công chúng yêu văn nghệ vẫn mong muốn các giải thưởng phải được trao cho những tác phẩm xứng đáng. Một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp. Nhưng nếu Một miếng giữa đàng mà để lại điều tiếng không hay thì thà không có còn hơn. Lý do mà một số văn nghệ sĩ có uy tín lại thờ ơ với một số giải thưởng là như vậy. Họ chỉ biết sáng tạo hết mình để có được những giá trị mà họ tự cho rằng đã nói được những tư tưởng và tình cảm của mình, và họ tin vào những giá trị ấy. Nhưng trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật, các Hội đồng giải thưởng, Ban chấp hành các Hội thì không thể buông xuôi.

Đinh Quang Tốn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/may-van-de-cua-van-chuong-tintuc418643