Mấy suy nghĩ về vấn đề nêu gương

Trong kiểm điểm cán bộ, công chức, viên chức và kiểm điểm đảng viên hằng năm, tuyệt đại đa số đều tự nhận đã làm tốt việc nêu gương trước quần chúng nhân dân, song trên thực tế, những biểu hiện của việc thiếu gương mẫu trong cán bộ, đảng viên thì không hiếm. Lần này, nhân dân rất kỳ vọng vào Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương sẽ tạo được bước chuyển cơ bản về vấn đề này.

Ngay từ khi thành lập và huấn luyện “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, Bác Hồ đã yêu cầu người cán bộ cách mạng cần phải nêu gương trước quần chúng. Đến khi thành lập Đảng và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Bác luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương, trước hết về đạo đức, lối sống và hành động. Bởi theo Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”...

Đảng ta cũng luôn đề cao vấn đề nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Trong Điều lệ Đảng, quy định tiêu chuẩn của đảng viên đã bao hàm trong đó vấn đề nêu gương, đó là “đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam,… có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”. Nhiều văn bản khác của Đảng cũng đề ra và yêu cầu vấn đề nêu gương đối với cán bộ, đảng viên.

Trong mấy năm gần đây, Đảng ban hành quy định về vấn đề nêu gương đó là: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55- QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đến Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thông qua “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (Quy định 08).

Từ quy định của Ban Bí thư, đến quy định của Bộ Chính trị và lần này nâng lên thành quy định của Ban Chấp hành Trung ương, cho thấy Đảng nhận thức nêu gương là vấn đề cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Ở khía cạnh khác, có thể thấy, Đảng phải liên tiếp ban hành các quy định về vấn đề nêu gương, cũng có nghĩa là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu, chưa triệt để và chưa thực chất.

Thực tế, trong kiểm điểm cán bộ, công chức, viên chức và kiểm điểm đảng viên hằng năm, tuyệt đại đa số đều tự nhận đã làm tốt việc nêu gương trước quần chúng nhân dân. Điều ấy ở phương diện chung thì không sai, bởi có hàng triệu cán bộ, đảng viên vẫn ngày đêm tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân theo đúng nghĩa của nó. Vì vậy, các địa phương và cả đất nước vẫn phát triển đi lên. Tuy nhiên, đằng sau con số tuyệt đại đa số tự giác nêu gương ấy, chúng ta cũng như quần chúng nhân dân vẫn thấy có gì đó chưa thật hoàn toàn tin tưởng.

Ở cấp quốc gia, sau hơn hai năm kể từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến tháng 11-2018 đã có 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật; trong đó có 13 ủy viên Trung ương và nguyên ủy viên Trung ương, cho thôi chức một Ủy viên Bộ Chính trị… Đây là thành tích về chống tham nhũng nhưng lại là điều không vui về đội ngũ cán bộ.

Ở cấp địa phương chưa có con số thống kê cụ thể nào về số người bị kỷ luật trong thời gian vừa qua, song những biểu hiện của việc thiếu gương mẫu trong cán bộ, đảng viên thì không hiếm. Xin nêu một vài ví dụ để bạn đọc cùng chia sẻ, suy ngẫm.

Trong báo cáo hằng tháng của cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng ở địa phương, thường xuyên có dòng “trong tháng không phát hiện ra tham nhũng”, trong khi dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi: tại sao đoạn đường này vừa mới nghiệm thu đưa vào sử dụng đã hỏng; tại sao dự án này lại phát sinh nhiều tiền thế; tại sao ông A, ông B lại giàu lên nhanh thế,… Vì không phát hiện được tham nhũng nên người đọc, người nghe không biết nói thế nào, đành nhìn nhau… “cười”!.

Có đồng chí trên diễn đàn “chém gió” hùng hồn, trơn tru về chống tham nhũng, yêu cầu mọi người phải nêu gương về chống tham nhũng, song ở dưới hội trường, hầu hết người nghe đều biết đồng chí ấy có biệt thự, có xe sang, có đất ở chỗ này chỗ kia trị giá nhiều tỷ đồng, nếu chỉ với lương công chức chắc phải vài trăm năm, không ăn tiêu gì mới mua sắm nổi. Người nghe im lặng, lơ đãng hoặc nhìn sang người bên cạnh rồi lại… “cười”!.

Trong khi toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả” thì có đồng chí lại tiếp tục đưa con, cháu, “người nhà” vào cơ quan này cơ quan kia, thậm chí chỉ để làm văn thư, nấu cơm, lái xe, tạp vụ. Người nghe, người chứng kiến chỉ biết lắc đầu, hoặc thốt lên “không thể học theo các vị được”, đến giờ mà công tác cán bộ vẫn theo kiểu “5c” à?…

Một số năm gần đây, vào dịp cuối năm các cơ quan thường phát động phong trào tết cho người nghèo, một hoạt động nhân văn. Ấy thế mà có cán bộ làm lãnh đạo khi được nhân viên đến thu tiền ủng hộ thì thật bất ngờ nhận được câu trả lời: “Tớ còn đang khó khăn đây làm gì có tiền để ủng hộ. Chuyện nghe như bịa, nhưng người viết khẳng định có thật trăm phần trăm.

Ở khu dân cư, thông thường việc thu gom rác được quy định theo giờ và các gia đình phải có đồ để đựng rác trước khi công nhân môi trường chở đi, nhưng có những gia đình không làm như vậy, họ đổ rác bừa ra lề đường, khi bị nhắc nhở thì họ trả lời: việc quét, dọn, thu gom là nhiệm vụ của công nhân môi trường… Đám cưới con những người có vị thế thì số lượng khách mời đông hơn vài lần so với dân thường, bởi vì “mình quan hệ rộng”…

Những việc làm, hành động nêu trên dù không phải là phổ biến, nhưng phần nào “vô hiệu hóa” nhiều văn bản, quy định của Đảng, là tấm gương phản chiếu, để lại hậu quả không nhỏ, nhất là làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, và đội ngũ cán bộ hiện nay. Tôi nhớ không nhầm thì cách đây hơn hai chục năm, tiếu lâm chính trị đã có câu “hãy làm theo họ nói, đừng làm theo họ làm”, hoặc “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”… mà đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc lại.

Việc nêu gương trước hết phải được thực hiện bằng sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn vậy phải thay đổi được nhận thức, phải nâng cao lòng tự trọng; cán bộ, đảng viên phải biết xấu hổ khi làm những việc mà dư luận không đồng tình. Nếu không như vậy thì vẫn có nghìn, vạn lý do biện minh cho sự thiếu gương mẫu của họ. Mặt khác, cần sự thẳng thắn, dũng cảm phê bình của cấp ủy, cơ quan và phong trào nói thẳng, nói thật trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, khuyến khích sự giám sát của nhân dân. Bởi vì, quần chúng nhân dân luôn chú ý tới lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên để xem có nên noi theo hay không noi theo. Và cũng qua đó, họ biết rất rõ cán bộ, đảng viên, nhất là cán những cán bộ đảng viên hằng ngày cùng công tác, làm việc, hoặc chung sống trong cộng đồng dân cư với họ có những ưu điểm, nhược điểm gì, và đã sửa chữa nhược điểm, phát huy ưu điểm như thế nào, đến đâu?

Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương, tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi thì mới có tác dụng lôi cuốn cấp dưới và quần chúng noi theo. Ngay trong gia đình, mỗi người cần luôn nêu gương về sự tích cực lao động, học tập và công tác; vị tha, nhân văn trong quan hệ giữa người với người. Đối với cơ quan, đơn vị công tác, làm việc hay cộng đồng dân cư mình sinh sống cần nêu gương về việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương… Cán bộ, đảng viên nói chung, những người quản lý, lãnh đạo nói riêng cần học trước, làm trước để quần chúng nhân dân, cấp dưới nhìn vào đó mà noi theo.

Vấn đề nêu gương không mới, nhưng lần này nhân dân rất kỳ vọng vào Quy định số 08. Nhiều người cho rằng, quy định đã rất rõ, rất hay rồi, vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào? Nhìn chung, nhân dân mong muốn vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực sự, nhìn thấy… để người dân và cấp dưới phấn khởi, vui vẻ noi theo./.

ĐỖ VĂN LƯỢC

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/may-suy-nghi-ve-van-de-neu-guong-119743