Mấy suy nghĩ về hành vi, ngôn ngữ trong quan hệ giao tiếp có tính truyền thống văn hóa của dân tộc

Hiện nay, sự than phiền của xã hội, lo lắng của gia đình về những hành vi không lễ phép của lớp con cháu trong giao tiếp ứng xử thực sự là điều đáng lo ngại, không còn là hiện tượng cá biệt để an ủi lớp ông bà cha mẹ về hành vi vô lễ và ngôn ngữ không văn hóa.

Chúng ta đều biết rằng, nếp sống là cách thức biểu hiện qua sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử của bản thân con người đối với gia đình, cộng đồng, xã hội. Nếp sống mang tính nhân văn, ăn sâu vào tiềm thức con người, nó là kết quả của cốt cách văn hóa, thể hiện qua hành vi ứng xử và ngôn ngữ trong quan hệ cuộc sống giữa người với người. Mỗi dân tộc sống trên hành tinh này, dù dân tộc đó còn lạc hậu hay văn minh, họ đều có nét đặc trưng riêng về quan hệ giao tiếp, ứng xử mang tính truyền thống, để tạo thành một phong tục, một văn hóa giao tiếp riêng dân tộc đó.

Ở phương Tây, quan hệ giao tiếp thường thể hiện qua hành vi bắt tay, kèm theo lời cám ơn, chúc mừng... Việc bắt tay cũng có qui ước riêng để thể hiện mối quan hệ thứ bậc, tùy theo tuổi tác, giới tính mà thể hiện hành vi, như người lớn tuổi, người có cương vị thứ bậc trong gia đình, xã hội hay nữ giới, họ gặp nhau thường chủ động chìa tay ra trước bắt tay người khác.

Với các dân tộc phương Đông, nghi thức giao tiếp có nét đa dạng hơn. Mỗi dân tộc đều có những hành vi bày tỏ sự kính trọng trong giao tiếp khác nhau. Sự khác nhau đó đều xuất xứ theo một phong tục, nghi lễ phản ảnh giá trị đạo đức trong quan hệ gia đình, xã hội của dân tộc đó. Ví như dân tộc Lào, Căm pu chia, Thái Lan, người ta chào nhau bằng cách đứng thẳng người chắp hai tay để trước ngực rồi cúi đầu để chào nhau. Người Nhật Bản, Triều Tiên họ gặp nhau thường đứng thẳng người rồi cúi đầu gập người xuống để chào nhau, hay có lễ nghi trong quan hệ gia đình như con cháu đến thăm chúc Tết, mừng thọ ông bà cha mẹ thường quì xuống chắp hai tay lạy...

Đơn cử một vào nét về nếp sống trong lễ nghi giao tiếp truyền thống của một số nước phương Đông để nói đến dân tộc Việt Nam ta cũng có một lễ nghi ứng xử giao tiếp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Căn cứ vào những trang lịch sử, những bức tranh phỏng họa ghi lại những nghi lễ qua các triều đại từ thời Hùng Vương cho đến các triều đại sau này cho thấy cung cách lễ nghi giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam từ trong lễ nghi ứng triều cho đến giao tiếp ngoài xã hội đều có nét chung nhất về giao tiếp chào hỏi đều đứng thẳng người vòng tay trước bụng, cúi đầu để chào hỏi... trừ các quần thần, quan chức yết kiến vua chúa mới quì gối bái lạy... Trong mối quan hệ gia đình, xã hội, nếp sống giao tiếp cũng được phản ảnh qua hành vi chào hỏi theo cách vòng tay cúi đầu. Trong học đường, thời trước sách dạy luân lý ở nhiều cấp học đều minh họa hình ảnh về cung cách, lễ nghi giao tiếp giữa con cháu ông bà cha mẹ đối với trẻ em "đi thưa về trình" gặp người lớn ngoài xã hội cung cách vòng tay cúi đầu để chào hỏi là phổ biến. Như vậy, nét đặc trưng văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Việt Nam ta từ xa xưa đến nay theo cách vòng tay, cúi đầu là một hành vi văn hóa đẹp, có tính truyền thống, không thể xem đó là một kiểu giao tiếp phong kiến trong mối quan hệ giao tiếp của xã hội và gia đình.

Bước sang thế kỷ 19, theo chân thực dân Pháp đưa vào nước ta cung cách bắt tay trong giao tiếp pha trộn với cung cách giao tiếp vòng tay cúi đầu của người Việt Nam, nhất là tầng lớp công chức làm việc ở các công sở của người Tây. Tuy vậy, trong mối quan hệ giao tiếp của người Việt Nam khi bị ảnh hưởng cung cách bắt tay của người Tây vẫn có cử chỉ văn hóa riêng, người Việt Nam rất tôn trọng người lớn tuổi, khi chào hỏi nhau thường đưa hai tay ra để bắt tay người đó một cách chân tình, kính trọng.

Mấy thế kỷ qua, không chỉ riêng Việt Nam mà hầu như các nước phương Đông trong quan hệ ngoại giao và giao tiếp trong công sở, ngoài xã hội, việc gặp nhau chào hỏi, bắt tay đã thành phổ biến trong nếp sinh hoạt xã hội, cộng đồng.

Trải qua gần bốn năm thế hệ, nhất là các thế hệ con cháu hiện nay, cung cách chào hỏi theo kiểu vòng tay cúi đầu đã mai một, ít gia đình còn giữ được truyền thống đó.

Việc tiếp thu văn hóa giao tiếp kiểu phương Tây là sự chọn lọc trong tinh hoa văn hóa ứng xử tiến bộ của thế giới, điều đó không có nghĩa là đồng hóa, cũng không làm mất đi nếp văn hóa có truyền thống trong quan hệ giao tiếp ứng xử của Việt Nam. Tuy nhiên điều muốn đề cập ở đây là mặt tích cực và tiêu cực trong học đường, và gia đình hiện nay về quan niệm giáo dục hành vi, ngôn ngữ và quan hệ giao tiếp cho con cháu chúng ta như thế nào? Từ đó cũng nên xây dựng những tiêu chí xuất phát từ nền đạo đức truyền thống trong quan hệ ứng xử, giao tiếp để giáo dục trong gia đình và nhà trường.

Hiện nay, các bậc phụ huynh mỗi người quan niệm theo cách suy nghĩ riêng của mình, không ít các bậc cha mẹ, ông bà cho rằng việc buộc con cháu vòng tay cúi đầu chào người lớn là phong kiến, lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại mới. Theo họ, cái thời mới bây giờ là trẻ con cũng bắt tay ông bà, cha mẹ và người lớn, nếu không cũng giơ tay vẫy chào, thế mới là nếp giao tiếp của thời đại mới!. Một bộ phận ông bà, cha mẹ vẫn muốn duy trì việc giáo dục con cháu mình nề nếp thưa chào theo phong tục truyền thống vòng tay cúi đầu trước người lớn. Ở học đường, các trường học trong hệ mầm non, các cô giáo đang giáo dục bày vẽ các cháu chào cô giáo và cha mẹ, ông bà, người lớn theo cung cách vòng tay cúi đầu rất lễ phép. Nhưng điều nghịch lý ở đây là các cháu đủ tuổi rời trường mầm non để vào các cấp học tiểu học trung học phổ thông thì chương trình học tập đạo đức, giáo dục công dân ở các cấp học không tìm thấy nội dung giáo dục về giao tiếp, ứng xử trong quan hệ gia đình và xã hội.

Như vậy, cả một thế hệ trẻ, suốt 12 năm học tập ở trường, mặc dù trường nào cũng trương lên khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng trong chương trình giáo dục nội khóa về văn hóa ứng xử, giao tiếp có tính truyền thống của dân tộc bị lu mờ, trong khi trong quan hệ gia đình giữa thế hệ ông bà, cha mẹ các cháu chưa có được tiếng nói chung về cách giáo dục hành vi ứng xử, giao tiếp cho lớp con cháu.

Hiện nay, sự than phiền của xã hội, lo lắng của gia đình về những hành vi không lễ phép của lớp con cháu trong giao tiếp ứng xử thực sự là điều đáng lo ngại, không còn là hiện tượng cá biệt để an ủi lớp ông bà cha mẹ về hành vi vô lễ và ngôn ngữ không văn hóa. Nó đã trở thành một thực trạng khá phổ biến của xã hội như nói tục chửi thề, không tôn trọng kính nhường người lớn, có khách đến nhà thăm ông bà cha mẹ, con cháu thờ ơ, quay mặt đi không chào hỏi... ngông nghênh nơi đông người, ngoài xã hội, chưa nói đến tình trạng thanh thiếu niên hiện nay từ trong sinh hoạt gia đình đến nơi công cộng lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại, có ai hỏi đến như không nghe, không thấy.

Đất nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế, lối sống phương Tây đang từng ngày lan tràn vào cùng những hẫng hụt của lối sống không có hướng rõ ràng cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa ứng xử có truyền thống của dân tộc. Chúng ta có phần tập trung chống sự du nhập văn hóa đồi trụy đang len sâu vào thế hệ trẻ, coi nhẹ việc giáo dục nếp sống văn hóa trong hành vi ứng xử và ngôn ngữ trong giao tiếp từ trong gia đình đến xã hội, điều mà hàng ngày đập vào mắt mọi người để rút ra được nhận xét về một nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc của lớp trẻ đang bị mất dần.

Bản sắc văn hóa, trước hết thể hiện nếp sống trong hành vi, ngôn ngữ, ứng xử chỉ làm nên vẻ đẹp, tạo nên sức mạnh về tinh thần cho dân tộc, đánh mất bản sắc văn hóa đó sẽ dẫn đến nguy cơ tha hóa về đạo đức, đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, làm yếu đi một khâu quan trọng của sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong xã hội hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay.

Đà Nẵng 15/9/2018 - NKT

Nguyễn Kim Tuấn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/may-suy-nghi-ve-hanh-vi-ngon-ngu-trong-quan-he-giao-tiep-co-tinh-truyen-thong-van-hoa-cua-dan-toc-63844