Mấy người khóc vợ như chúa Nguyễn Phúc Chu?

Chúa Nguyễn Phúc Chu là một trong 9 vị chúa Nguyễn, ông sinh năm 1675, là con cả của chúa Nguyễn Phúc Trăn. Mẹ quê ở huyện Tống Sơn (Thanh Hóa). Từ nhỏ, chúa Nguyễn Phúc Chu đã được giáo dục cẩn thận. Ông nối ngôi khi mới 17 tuổi, lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Chúa là một người rất tôn sùng đạo Phật.

Chúa Nguyễn Phúc Chu, khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi.

Chúa Nguyễn Phúc Chu, khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi.

Vừa lên ngôi, chúa cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ Am, chúa cũng tự ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời. Bên cạnh là người văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ, Nguyễn Phúc Chu còn nổi tiếng là người có rất nhiều vợ và đông con: 146 người con, cả trai lẫn gái. Trong số những người vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu, chỉ thấy sử sách chép truyện về hai bà, đó là bà họ Hồ và bà họ Nguyễn.

Bà họ Hồ, theo Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 1, mặt khắc 15, 16, có ghi chép bà là người ở huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, là con gái của Chưởng doanh Hồ Văn Mai. Vào cung, bà được chúa yêu chiều, cho làm Hữu cung tần thứ tư, sau được lên thăng làm Chiêu Nghi.

Tính bà nhân thuận, cung kính, trong cung đều được cảm hóa vì đức tính bà. Bà sinh được hai người con trai, con trưởng là Phúc Chú, được nối ngôi chúa, còn con trai thứ là Phúc Tư, được phong Luân Quốc công. Bà mất vào mùa xuân tháng 2, năm Bính Thân (1716), thọ 37 tuổi. Bà được ban tên thụy là Từ Huệ, táng ở lăng Vĩnh Thạnh và được liệt vào hàng phu nhân.

Còn bà họ Nguyễn là người được chúa yêu quý nhất. Bà sinh ra đã được học hành và giáo dục cẩn thận, hầu chúa rất có tín nhiệm. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 1, mặt khắc 16, 17, đã khắc nguyên văn về Bà như sau: “Nguyễn Kính Phi, là con gái Tham chính Nguyễn Hữu Hiệp, năm Hiển Tông mới làm chúa, bà vào hầu ở nội đình, được cất nhắc làm Hữu Cung tần thứ 3, rồi thăng Chánh Nội phủ.

Mùa thu, năm Giáp Ngọ (1714), bà mất, được tặng là Kính Phi, tôn bằng hàng phu nhân, thụy là Từ Đức, táng ở xã Trúc Lâm, lập đền thờ ở Hà Khê. Bà là con nhà dòng vào hầu chúa được yêu chiều, tương truyền bà sinh được 11 con. Bà mất được một năm, chúa thương tiếc không thôi… Bấy giờ, trong các cung tần từ trần, không ai được ân sủng lạ lùng như thế. Người đời cho là việc long trọng vậy”.

Đối với chúa Nguyễn Phúc Chu, sự ra đi của bà đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, chúa sai lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ và làm rất nhiều bài thơ khóc bà với lời lẽ, tình ý rất thiết tha. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 24, 25, còn ghi chép 4 bài thơ khóc vợ của chúa như sau: “Bấy giờ Kinh phi Nguyễn Thị mất, chúa thương nhớ không nguôi, ngự chế bốn bài thơ điệu vong viết trên tường trai phòng:

Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 1, mặt khắc 15, 16, ghi chép về hai bà vợ (bà họ Hồ và bà họ Nguyễn) của chúa Nguyễn Phúc Chu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Bốn bài thơ khóc vợ (bà Họ Nguyễn) do chúa Nguyễn Phúc Chu viết trên tường trai phòng với lời lẽ thiết tha, thương nhớ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Bài thứ nhất: Phiên âm:

Vấn thiên hà sự chiết ngô phi,
Hoa tạ tam cung nguyệt yếm huy.
Bất đặc nữ trung vong khổn phạm,
Hoàn tri kỳ nội thất dung nghi.
Thời đương thất tịch ngân hà ám,
Sau ký thiên niên giới lộ hy.
Mạn đạo tiếu nhân nhi phụ thái,
Cổ kim thùy cánh thử tình vi?

Dịch nghĩa:

Hỏi trời sao giết vợ ta,
Ba cung hoa rụng, trăng kém sáng.
Không những mất khuôn phép của giới đàn bà,
Đâu ngờ mất cả dáng điệu trong kỳ hẹn ước.
Đêm thất tịch mà sông ngân mờ tối,
Sầu nghìn thu vì móc hẹ chóng tan.
Đừng cười người ta thói đàn bà con trẻ.
Xưa nay ai không có tình này!

Bài thứ hai: Phiên âm:

Khứ niên chức nữ nhập song minh,
Khước bị trùng vân tựu địa sinh. Chế cẩm vị hoàn ti tại trục,
Xuyên trâm tài bãi tuyến phiêu doanh.
Không hoài ngũ dạ Quỳnh lâu địch,
Khởi vọng song xuy Ngọc điện sinh.
Nhất phiến mê ly nghi thử tế,
Uyên ương tú chẩm mộng nan thành.

Dịch nghĩa:

Năm ngoái sao Chức nữ soi cửa sổ,
Nay bị mây dầy che lấp đi.
Dệt gấm chưa xong, tơ còn ở trục,
Xâu kim vừa bỏ, chỉ còn phất phơ.
Tiếng sáo Quỳnh lâu, năm canh tưởng nhớ,
Tiếng sênh Ngọc điện, khó có lứa đôi.
Tấm lòng mê mẩn ngờ như lúc ấy,
Gối thêu uyên ương, nằm mộng khó thành.

Bài thứ ba: Phiên âm:

Nội trợ tằng kinh ức ỷ ny,
Duy dư đồng nhữ lưỡng nan kỳ.
Phi nhân mộ sắc tiềm huy lệ,
Chỉ vị tôn hiền trọng phú thi.
Việt hải tuy khoan nan tái hận,
Tẩm lăng nghi cận dị quan bi.
Trường đê thả mạc tài dương liễu,
Hảo đãi thanh minh túng mục thì.

Dịch nghĩa:

Việc nội trợ vẫn nhớ dung tư yểu điệu,
Duy ta cùng mình, khó hẹn nhau.
Không phải vì mến sắc mà thầm khóc,
Chỉ quý tính nết mới làm thơ.
Biển rộng mông mênh, mà khó chở hận,
Tẩm lăng gần gũi, để dễ xem bia.
Chớ trồng dương liễu trên đê dài,
Để tiết thanh minh trông cho quang.

Bài thứ bốn: Phiên âm:

Nhữ thọ tuy vi, phúc tự trường,
Nhân truyền phúc trạch Nguyễn cung hương.
Phao tư kim ngọc doanh song níp,
Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường.
Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ,
Liên tài nhất thế động trung tràng.
Kim bằng diệu pháp không vương lực,
Tiến bạt u hồn đạt thượng phương.

Dịch nghĩa:

Mình tuổi thọ dẫu ít, nhưng phúc thì nhiều,
Người ta thường đồn phúc trạch thơm trong cung họ Nguyễn.
Vàng ngọc hai hòm đều vứt bỏ,
Để lại con cháu đầy một nhà.
Đối cảnh bao lần ngậm nước mắt,
Tiếc tài suốt đời động lòng thương.
Nay nhờ phép màu của đức Phật,
Tiếp dẫn linh hồn lên cõi tiên.

Có thể nói nội dung bốn bài thơ là sự tuyệt vọng, đau khổ của chúa Nguyễn Phúc Chu khi mất đi người vợ hiền. Và chính Chúa cũng phải thừa nhận rằng vì sao mình lại làm thơ khóc vợ:

“Không phải vì mến sắc mà thầm khóc,
Chỉ quý tính nết mới làm thơ”.

Thơm Quang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/may-nguoi-khoc-vo-nhu-chua-nguyen-phuc-chu-25093.html