May mặc Việt và nguy cơ thua ngay trên sân nhà

Sự xuất hiện của hàng loạt 'ông lớn' ngành thời trang thế giới tại thị trường nước ta đã khiến cho các doanh nghiệp may mặc Việt gặp không ít khó khăn.

Nghịch lý là khi các thương hiệu ngoại đang ngày càng chú ý đến thị trường đầy tiềm năng của nước ta thì chúng ta lại hầu như chỉ đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 14,58 tỉ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỉ USD, tăng 9,1%. Nếu so sánh với những nước xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả vượt trội và luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới.

Cùng với đó, trong một cuộc khảo sát thị trường gần đây, có tới 56% người Việt được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho chất lượng hàng Việt dù có tốt nhưng chủ yếu cũng chỉ để xuất khẩu. Theo nhiều nhà phân tích, nước ta luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang ở trạng thái cộng hay trừ. Diễn biến trên thị trường thời trang cũng dễ hiểu khi ngày càng xuất hiện nhiều các thương hiệu quốc tế tham gia thị trường nội địa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp may mặc trong nước vẫn quá chú trọng vào việc xuất khẩu mà quên mất thị trường nội địa đầy tiềm năng. Bản thân việc xuất khẩu của các doanh nghiệp lại phần lớn là gia công. Đây là nghịch cảnh đã xảy ra nhiều năm, tuy nhiên, các doanh nghiệp may mặc nội địa vẫn chưa có bước chuyển mình rõ rệt. Mỗi năm chúng ta xuất hàng chục tỉ USD hàng may mặc ra nước ngoài, nhưng đa phần là dưới thương hiệu của các quốc gia khác. Đây là điều đáng lo trong bối cảnh ngành may mặc đã hội nhập tương đối sâu. Nếu các doanh nghiệp may mặc Việt không khẳng định được thương hiệu riêng, chủ động được các thiết kế riêng, cứ mãi tiếp tục con đường từ trước đến nay thì chúng ta sẽ mãi chỉ là những người đi gia công cho các nước khác.

Nhiều năm trước, người tiêu dùng chứng kiến sự thống lĩnh thị trường của các thương hiệu thời trang nội địa như Việt Tiến của Công ty cổ phần May Việt Tiến, Foci của Công ty Thời trang Nguyên Tâm, Blue Exchange của Công ty Thời trang Xanh Cơ Bản, PT2000 của Công ty TNHH may Phạm Tường 2000 hay Ninomaxx của Công ty Thời trang Việt... Tuy nhiên, cùng với sự chuyển dịch kinh tế, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng thay đổi. Thay vì tâm lý “ăn no mặc ấm” như trước kia, người tiêu dùng nói chung và giới trẻ nói riêng với xu hướng “ăn ngon mặc đẹp”, ngày càng chịu chi cho các món đồ thời trang. Đó cũng là nguyên do lý giải vì sao thời trang thương hiệu Việt đang ngày càng đìu hiu.

Băn khoăn lớn nhất cho ngành thời trang Việt lúc này là làm sao để tồn tại và giành thế cân bằng trong cuộc đổ bộ của thời trang ngoại. Đây là chuyện không dễ, nhất là khi hoạt động phát triển công nghiệp thời trang của nước ta vẫn khá chậm, còn việc định vị thương hiệu chưa thật sự rõ ràng. Người tiêu dùng không khỏi băn khoăn doanh nghiệp thời trang Việt ở đâu khi các thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ, ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Còn nhớ cửa hàng đầu tiên của Zara được mở tại TP.HCM vào năm ngoái đã tạo nên cơn sốt khi hàng trăm người háo hức xếp hàng chờ mở cửa, đi ra với gương mặt rạng rỡ cùng hóa đơn dài như tờ sớ trên tay - điều chưa từng xảy ra với các cửa hàng thời trang trong nước. Chưa hết, con số hơn 5,5 tỉ đồng doanh thu chỉ trong ngày đầu mở cửa đã phá kỷ lục doanh thu trên cả 2.000 điểm bán toàn cầu tại 88 quốc gia của thương hiệu này hẳn khiến nhiều doanh nghiệp nội phải giật mình. Thừa thắng xông lên, đến nay, thương hiệu may mặc này đã lấn sân ra thị trường Hà Nội và cũng tạo cho các tín đồ mua sắm một tâm lý phấn khích không kém.

Theo một con số thống kê, cho tới nay, đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài xuất hiện tại thị trường Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte…, độ phủ sóng của các nhãn hiệu thời trang ngoại ngày càng dày đặc. Các thương hiệu này tham gia thị trường Việt thông qua nhiều hình thức từ việc mở chi nhánh như Zara, H&M hay thông qua các nhà phân phối đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng.

Mong sao các doanh nghiệp dệt may nước ta sớm trở mình để người Việt được tự hào sử dụng các sản phẩm có thương hiệu của chính đất nước mình.

TRUNG KIÊN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/may-mac-viet-va-nguy-co-thua-ngay-tren-san-nha-n138992.html