Máy in và sự ra đời của báo chí

Máy in sơ khai là một thiết bị đơn giản, nhưng nó đánh dấu một cuộc cách mạng với hàng loạt tiến bộ khoa học và công nghệ.

Các công đoạn in báo tại Việt Nam.

Các công đoạn in báo tại Việt Nam.

Cùng với đó là sự phát triển của tư tưởng tự do, mà hệ quả quan trọng là sự ra đời của báo chí.

Máy in là một trong những phát minh có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Nhờ máy in, con người có thể phổ biến thông tin và tri thức một cách nhanh chóng và dễ dàng với chi phí thấp.

Trước khi biết đến in ấn, nhân loại chỉ có thể lưu trữ thông tin bằng các ký hiệu và chữ viết tay. Để ghi lại thông tin người ta cần rất nhiều thời gian, do đó việc lan truyền chúng trở nên hết sức khó khăn.

Vì thế, sách trở thành một thứ hết sức đắt đỏ, và chỉ những người giàu có hoặc may mắn mới có thể sở hữu chúng. Tuy nhiên, khi biết đến in ấn, con người có thể xuất bản thông tin nhanh hơn và nhờ vậy nhiều người tiếp cận được với tri thức hơn.

Lịch sử in ấn

Ảnh chụp bản gốc Kim Cương Kinh, được in ở Trung Quốc thời nhà Đường năm 868.

Theo các nghiên cứu, con người từ lâu đã biết đến cách in ấn thủ công. Khoảng 1.200 năm trước, in ấn đã có mặt ở Trung Quốc và Trung Đông, với việc sử dụng các mộc bản. Theo sử sách Trung Quốc, cách đây 1.000 năm người Hoa Hạ đã nghĩ ra máy in với các ký tự có thể di chuyển.

Tuy nhiên, các triều đại Trung Hoa không sử dụng rộng rãi loại máy in này, mà nguyên nhân có thể do hệ thống chữ viết quá phức tạp, cùng với đó là tư duy bảo thủ của một bộ phận giới tinh hoa khi coi các bản thảo viết tay mới là tinh túy học thuật. Do đó, việc in ấn ở Trung Quốc chủ yếu vẫn duy trì theo lối thủ công cho đến thế kỷ XIX.

Châu Âu Trung Cổ cũng biết đến in ấn thông qua buôn bán với các nước Hồi giáo và Trung Hoa, với các bằng chứng cho thấy công nghệ này đã xuất hiện ở đây ít nhất từ 800 năm trước.

Đó cũng là khoảng thời gian châu lục này chuyển mình sang hậu kỳ Trung Cổ, nền kinh tế châu Âu đạt được những bước phát triển mới sau những trì trệ của sơ và trung kỳ Trung Cổ.

Học thuật châu Âu phát triển nhờ liên tục tiếp thu tri thức từ các học giả Hồi giáo trong hàng trăm năm, cùng với đó là những bước tiến mạnh mẽ của nền giáo dục kinh viện. Đây chính là những tiền đề cho trào lưu Phục hưng của châu Âu sau này. Và đối với Johannes Gutenberg, đó là cơ hội để ông kiếm lợi từ các phát minh của mình.

Sự ra đời máy in ở châu Âu

Bản phục dựng máy in Gutenberg, trưng bày ở Bảo tàng In Quốc tế, California, Hoa Kỳ.

Theo các ghi chép để lại, Gutenberg được công nhận là người đã phát minh ra máy in ở châu Âu vào khoảng những năm 1440. Có thể, ông đã thu thập thông tin từ các nhà buôn và học giả, từ đó hình dung được những người ở phía Đông xa xôi đã in ấn như thế nào, và phát minh ra mẫu máy của mình.

Ông sử dụng cơ chế ấn của máy ép nho cho máy in, cùng với đó là những khuôn chữ bằng sắt với các ký tự có thể di chuyển và mực dầu. Vốn là một thợ đúc, ông hiểu rõ cách thức để tạo ra các khuôn chữ sắt, và nhận thấy phải làm mực dầu thay cho mực nước vì chỉ loại mực này mới có thể bám lên bề mặt kim loại.

Phát minh của Gutenberg là một thiết bị đơn giản, nhưng nó cho phép con người xuất bản nhanh hơn và cho các nhà tư tưởng một phương thức sản xuất hàng loạt để phổ biến thông tin dễ dàng hơn.

Với chi phí rẻ hơn nhiều so với các văn bản viết tay, trong vòng 50 năm kể từ khi máy in Gutenberg ra đời, ước tính đã có khoảng 500.000 cuốn sách được in, với khoảng 1.000 nhà in trên khắp châu Âu.

Sự ra đời của báo chí

Trang bìa của tờ báo đầu tiên, bản in năm 1609.

Nhờ in ấn, tri thức và thông tin dần trở nên phổ biến. Tỷ lệ người biết chữ ở châu Âu tăng lên đáng kể. Nó cũng đặt nền móng cho việc nghiên cứu và xuất bản được tiến hành thuận lợi, từ đó góp phần khai sinh ra phong trào Phục hưng và Kháng cách.

Đây là giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng với sự phát triển của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Một hệ quả từ các phong trào Phục hưng và Kháng cách chính là sự ra đời của báo chí. Nhờ máy in, báo chí được sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn, tiếp cận với nhiều thành phần xã hội.

Năm 1556, chính quyền Venice lần đầu tiên xuất bản ấn phẩm hàng tháng “Notizie scritte” (Thông báo viết tay) với giá bán một gazzetta, một đồng xu của Venice thời đó.

Cũng từ đó mà “gazzetta” về sau được sử dụng để chỉ các ấn phẩm báo chí. Những bản tin viết tay này được sử dụng để truyền tải tin tức chính trị, quân sự và kinh tế trên khắp châu Âu, chủ yếu là ở Ý.

Tuy nhiên, ấn phẩm này cùng một số ấn phẩm khác chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một tờ báo đúng nghĩa, vì chúng thường không dành cho đại chúng và chỉ giới hạn trong một số chủ đề nhất định.

Các ấn phẩm báo chí sơ khai ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Ở Anh và Pháp, các bản tin dài bắt đầu được xuất bản và được gọi là “relations”, trong khi ở Tây Ban Nha chúng được gọi là “Relaciones”. Các ấn phẩm tin tức sự kiện đơn lẻ được in trên các tờ thông cáo khổ lớn.

Trong khi đó, các bài tường thuật dài hơn thường được xuất bản dưới dạng các tập sách mỏng và nhỏ, có thể chứa các hình minh họa khắc gỗ. Tỷ lệ biết chữ thời đó rất thấp so với ngày nay, do đó những ấn phẩm này thường được đọc to cho công chúng.

Việc xuất bản các chuỗi sự kiện tin tức quan trọng và truyền tải chúng tới đối tác kinh doanh xuất hiện ở Đức và Ý từ đầu thế kỷ XV, và đến đầu thế kỷ XVII người Đức đã bắt đầu sử dụng máy in cho mục đích này.

Tiền thân của chúng là các “Messrelationen” (Báo cáo hội chợ thương mại), xuất bản nửa năm một lần, tổng hợp tin tức cho các hội chợ sách lớn tại Frankfurt và Leipzig từ những năm 1580.

Tờ “Relation aller Fuernemmen und gedenckwürdigen Historien” (Tuyển tập tất cả những tin tức nổi bật và đáng nhớ) được Hiệp hội Báo chí Thế giới công nhận là tờ báo đầu tiên, được bắt đầu xuất bản ở Strasbourg vào năm 1605.

Nối tiếp nó là hàng loạt các tờ báo được xuất bản ở Wolfenbüttel (1609), Frankfurt (1615), Berlin (1617), Hamburg (1618)... Đến năm 1650, ở Đức có 30 thánh phố có các tờ báo hoạt động.

Có thể nói, nếu không có máy in, báo chí sẽ không thể xuất hiện hay đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Cỗ máy in đơn giản của Gutenberg đã khởi nguồn cho cuộc cách mạng tự do thông tin, từ đó thay đối hoàn toàn lịch sử loài người.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/may-in-va-su-ra-doi-cua-bao-chi-Uikoragng.html