Máy giặt, sấy giá hơn chục tỷ: Lại 'hổng' thẩm định giá

Đang có sự buông lỏng quản lý khiến giá thẩm định phụ thuộc vào bên mua hoặc bên bán, thiếu đi tính khách quan, độc lập?

Có sự bắt tay 3 bên?

Ngày 17/9/2020, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án nâng không giá thiết bị máy giặt, máy sấy xảy ra tại một số bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn.

Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh trúng liên tiếp 5 gói thầu cung cấp máy giặt, máy sấy vào 5 bệnh viện tuyến huyện tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, giá các thiết bị này đã được nâng khống, cao hơn gấp nhiều lần so với thực tế (từ hơn 2 tỷ đồng được nâng lên thành 14 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo một số bệnh viện tuyến huyện mua máy giặt, máy sấy từ Công ty CP Đầ tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, giá trị gói thầu được dựa trên cơ sở chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Toàn Cầu (Công ty này được Bộ Tài chính công nhận là công ty thẩm định giá).

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao một doanh nghiệp chuyên về thẩm định giá lại không xác định được giá trị của sản phẩm để làm căn cứ chứ bên mở thầu xác định?

Máy giặt, máy sấy cung cấp cho một số bệnh viện ở Hà Tĩnh được nâng khống giá lên cao gấp 6 lần.

Máy giặt, máy sấy cung cấp cho một số bệnh viện ở Hà Tĩnh được nâng khống giá lên cao gấp 6 lần.

Trả lời câu hỏi này của Đất Việt, ngày 17/9/2020, TS Nguyễn Đình Long - Khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: "Theo Luật Đấu thầu thì đơn vị thẩm định giá được thành lập và hoạt động khách quan, không phụ thuộc vào bên mua bên bán.

Tuy nhiên, có một thực tế là có sự "bắt tay" giữa đơn vị thẩm định giá với bên mở thầu hoặc bên trúng thầu để đạt được lợi ích cho cả 3 bên.

Trong hồ sơ thầu, phía thẩm định giá phải nêu lên được căn cứ xác định giá trị sản phẩm đấu thầu mà bên tham gia đấu thầu đưa ra. Thế nhưng, điều này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, bên mở thầu không thể tin tưởng tuyệt đối từ phía thẩm định giá mà cần đặt ra những câu hỏi khi thấy có sự bất thường về giá cả. Không phải, phía bán và phía thẩm định giá đưa ra mức giá nào là chấp nhận mức giá đó".

Từ vụ việc thổi giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (TP. Hà Nội) cho tới nâng khống giá thiết bị tại một số bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh, TS Nguyễn Đình Long cho rằng, trong công tác giám sát các công ty thẩm định giá đang có lỗ hổng, khiến các doanh nghiệp này tự do, đánh mất đi nguyên tắc của mình.

"Đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thẩm định giá là Bộ Tài chính. Thông thường, công ty thẩm định giá được kiểm tra theo quý, theo năm hoặc cũng có thể là bị kiểm tra bất thường. Nhưng tại sao cơ quan chức năng lại không phát hiện ra sai phạm, để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động và xảy ra các sự vụ như trên?" - ông Long đặt ra câu hỏi.

Từ đó, ông Long cho rằng, các quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thẩm định giá ở Việt đều có đủ. Cụ thể nhất là thông tư năm 2016 của Bộ Tài chính về quy định kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá nên cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ, quyền hạn để tiến hành xử lý những doanh nghiệp vi phạm.

"Theo tôi, cần phải có chế tài xử nghiêm những doanh nghiệp thẩm định giá. Nhẹ thì rút giấy phép hoạt động, nặng thì có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể buông lỏng, thả nổi như thời gian qua" - ông Long bày tỏ.

Để làm được điều này, ông Long cho rằng, điều quan trọng vẫn phụ thuộc và những cán bộ thanh tra, kiểm tra thẩm định giá cấp trên. Khi xảy ra sai sót, chính những cán bộ này cũng không thể tránh được trách nhiệm liên đới.

Doanh nghiệp ở Hà Tĩnh liên tiếp trúng 5 gói thầu cung cấp máy giặt, máy sấy vào bệnh viện.

Doanh nghiệp thẩm định giá cũng là nạn nhân...

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam chia sẻ, lĩnh vực thiết bị y tế có tính đặc thù công nghệ, độc quyền nên nhiều thẩm định viên không đủ kiến thức, trình độ đánh giá, điều chỉnh mức độ chênh lệch để quy về thiết bị cần thẩm định giá.

Thị trường mua sắm công thiết bị y tế lâu nay tại Việt Nam gần như độc quyền, chỉ có 1 người mua và 1 người bán. Khi xây dựng tiêu chí kỹ thuật của hàng hóa cần mua sắm, người mua có thể đã chỉ định sẵn đơn vị trúng thầu thông qua các hàng rào kỹ thuật.

Giá trúng thầu sẽ bao gồm cả các chi phí từ khâu khảo sát thiết kế lập dự toán (tổng mức đầu tư) của dự án, các chi phí khác trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu… Từ đó, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá sẽ được người mua đề nghị thực hiện theo đề bài định sẵn này.

Việc độc quyền dẫn đến hạn chế thông tin thị trường, bên cung cấp được hãng chỉ định độc quyền cung cấp vào dự án, mỗi khi có yêu cầu báo giá thì thông tin này có thể đã bị khống chế, làm giá qua hệ thống phân phối loại thiết bị này. Việc khảo sát thị trường của thẩm định viên khó thoát khỏi bẫy vô hình đã giăng ra.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/may-giat-say-gia-hon-chuc-ty-lai-hong-tham-dinh-gia-3419165/