Mây đen trở lại

Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã cơ bản vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, 'mây đen' khủng hoảng đang trở lại khi đàm phán Brexit khó khăn và căng thẳng thương mại với Mỹ đang đe dọa tăng trưởng kinh tế Eurozone. Trong khi đó, tình trạng nợ nần cũng như việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) điều chỉnh chính sách cũng đang khiến kinh tế Eurozone 'dễ bị tổn thương'.

Tiến trình đàm phán Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU) hiện vẫn bế tắc và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới, trong đó có EU, đang “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone. Về Brexit, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới đây vừa nhận định, việc các nhà đàm phán Anh và EU đang phải chạy đua với thời gian khi đàm phán vẫn chưa đạt tiến triển có thể đẩy tiến trình này lâm vào bế tắc. Hiện tại, hội nhập giữa EU và Anh đang diễn ra sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, do đó Brexit không chỉ gây ra tổn thất đối với Anh mà còn đối với cả 27 nước thành viên còn lại trong EU. Các chuyên gia kinh tế của IMF cho rằng, những nền kinh tế mở hơn của EU, trong đó có Bỉ, Hà Lan và Ai-len, sẽ cảm nhận rõ nhất tác động của Brexit đối với kinh tế; thiệt hại về kinh tế đối với Ai-len sẽ tương tự như đối với Anh. Trong khi đó, về cuộc chiến thương mại toàn cầu, IMF cho rằng nguy cơ đối với kinh tế Eurozone đang ngày một tăng liên quan biện pháp áp mức thuế mới của Mỹ đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.

Trên thực tế, các số liệu thống kê cũng cho thấy, hầu hết các nền kinh tế thành viên Eurozone hiện đã “nhiễm lạnh” từ hai vấn đề nêu trên. Kết quả khảo sát mà công ty giám sát dữ liệu IHS Markit vừa công bố cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu đang “bốc hơi” tại Eurozone. Trong ba tuần đầu tháng 9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của 19 nền kinh tế trong Eurozone đã giảm xuống còn 54,2%, thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích. Nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit nhận định rằng tháng 9 trở thành tháng tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Eurozone trong gần hai năm qua bởi hoạt động xuất khẩu trong tình trạng gần như đình trệ. Trước đó, các số liệu thống kê hai quý đầu năm nay cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế của Eurozone đã chững lại. Theo số liệu chính thức của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), GDP của Eurozone tăng 0,3% trong giai đoạn quý II-2018, thấp hơn mức 0,4% của quý trước đó.

Các chuyên gia kinh tế của IHS Markit nhận định rằng, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại toàn cầu và vấn đề Brexit, kinh tế Eurozone còn chịu tác động tiêu cực từ việc nhu cầu toàn cầu suy yếu (nhất là trong ngành sản xuất ô-tô) và bất ổn chính trị gia tăng tại cả Eurozone. Các yếu tố này khiến cho hoạt động kinh doanh sụt giảm. Trong khi đó, các chuyên gia tài chính đánh giá rằng, một trong những thách thức lớn với EU nói chung và Eurozone nói riêng hiện nay là việc “bình thường hóa” chính sách tài chính, tiền tệ mà không ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Chủ tịch ECB M.Ðra-ghi mới đây đã khiến giới quan sát bất ngờ khi tuyên bố sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp hiện tại từ mức 30 tỷ ơ-rô/tháng xuống còn 15 tỷ ơ-rô/tháng từ tháng 10-2018, trước khi chấm dứt chương trình này vào cuối năm. Theo ông Ðra-ghi, ECB đã quyết định rút dần chương trình kích thích kinh tế kéo dài ba năm trị giá 2.400 tỷ ơ-rô vào cuối năm nay do xu hướng lạm phát đang đi đúng hướng để tiến tới mục tiêu mà ngân hàng này đề ra là dưới 2%.

Hãng tin AFP vừa dẫn lời các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, các ngân hàng trung ương không thể “nới lỏng định lượng” mãi và việc tất yếu là họ phải quay trở lại chính sách bình thường trong bối cảnh kinh tế thế giới đã phục hồi. Việc ECB rút dần chương trình kích thích kinh tế như trên là hợp lý. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để sự thay đổi đột ngột trong chính sách tiền tệ không tạo ra các cuộc khủng hoảng mới. Bởi vì, trong suốt thập kỷ vừa qua, hầu hết các chính phủ, công ty và nhà đầu tư, nhất là ở châu Âu, đã quá quen với các gói “kích cầu” kinh tế, dựa vào nguồn ngân sách sẵn có của ngân hàng trung ương để duy trì các khoản nợ của họ.

Tình trạng nêu trên cho thấy nền kinh tế Eurozone đã mất đà tăng trưởng sau khi phát triển mạnh mẽ trong năm ngoái. ECB mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone, theo đó dự báo nền kinh tế của khối này chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay và 1,8% trong năm 2019. Việc kinh tế Eurozone lại lâm vào khó khăn và đối mặt những thách thức lớn nêu trên sẽ buộc ECB phải cân nhắc quyết định rút lại các biện pháp kích thích kinh tế. Ðồng thời, kinh tế Eurozone giảm tốc cũng đang làm dấy lên quan ngại về “bóng ma khủng hoảng” kinh tế toàn cầu có thể quay trở lại, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang leo thang.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37709902-may-den-tro-lai.html