'Mây đen' che phủ

Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp, đang trở thành 'mây đen' che phủ triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế thế giới có thể suy giảm khó lường do tác động xấu, phức tạp của dịch.

Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Singapore. (Ảnh: Getty Images)

Du khách đeo khẩu trang khi tham quan Singapore. (Ảnh: Getty Images)

Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), ngày 16-2, Tổng Giám đốc IMF K.Georgieva cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức từ 0,1 - 0,2% do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tác động toàn diện của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu còn phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và vẫn quá sớm để có thể đánh giá hết do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với hai lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Trước đó, trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 3,3%, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.

Theo các phân tích, dự báo của giới chuyên gia về tác động của dịch Covid-19 với kinh tế thế giới những ngày gần đây, dịch bệnh nguy hiểm này có thể tác động tiêu cực lâu dài đến một số ngành kinh tế và tạo lực cản đáng kể với nhiều nền kinh tế lớn của châu Á. The Economist vừa dẫn nhận định cho rằng, du lịch toàn cầu sẽ mất tới 80 tỷ USD vì vắng khách Trung Quốc. Thiệt hại nặng nhất là các nước ASEAN bởi 20 điểm đến yêu thích hàng đầu của khách Trung Quốc đều ở khu vực này. Khách du lịch Trung Quốc tới ASEAN sẽ giảm khoảng 30 - 40%, dẫn tới thiệt hại doanh thu khoảng 7 tỷ USD. Riêng ngành du lịch của Trung Quốc sẽ không hồi phục đến quý I-2021, nhất là các tour du lịch nước ngoài.

Dịch Covid-19 đang và sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng và các ngành sản xuất trên toàn cầu trong bối cảnh nhiều nhà máy, công ty tại Trung Quốc đang tê liệt, trong khi Trung Quốc vốn là “công xưởng thế giới” và là quốc gia xuất khẩu số một thế giới về hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp. Các nhà phân tích của Bloomberg cho biết, hàng hóa trung gian của Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới 40% chuỗi cung ứng tại châu Á. Mỹ cũng phải nhập khẩu 10% hàng hóa trung gian từ các nhà máy ở Trung Quốc. Việc chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 còn gây hệ lụy với chính nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2019, đã xuất hiện làn sóng các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Hiện tại, xu hướng chuyển khỏi Trung Quốc càng gia tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lo ngại dịch bệnh tại đây còn kéo dài. Tổ chức xếp hạng Moody’s đã hạ dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 5,7% xuống còn 5,2% trong năm 2020.

Dịch Covid-19 cũng “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mới đây ước tính, ngành du lịch của Nhật Bản có thể thiệt hại 1,29 tỷ USD trong khoảng thời gian quý I-2020, do lượng du khách Trung Quốc sụt giảm. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng dịch bệnh có thể khiến nhà tổ chức giới hạn số lượng tham gia sự kiện Tokyo Marathon diễn ra vào tháng 3 tới. Tại Singapore, quốc gia đã có hàng chục ca nhiễm Covid-19, chính phủ cũng vừa chủ động hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, nền kinh tế Singapore sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm nay.

Trong bối cảnh tăng trưởng của các nền kinh tế yếu đi, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng đã “lây lan” tới thị trường dầu mỏ. Theo đó, những ngày gần đây, giá dầu thế giới giảm do nhu cầu sử dụng “vàng đen” yếu đi. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, dịch Covid-19 có thể sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ trong quý I-2020 giảm khoảng 435.000 thùng/ngày so cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế nêu trên cho thấy, dù IMF đánh giá còn quá sớm để đưa ra các dự báo về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu, nhưng “triển vọng xám” của kinh tế thế giới hiện đã rõ ràng. IMF cũng như giới phân tích đang hy vọng “đỉnh dịch” kết thúc trong tháng 2 này và hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh sau giai đoạn giảm sút. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, ngay từ bây giờ, các chính phủ và cộng đồng quốc tế cần sớm có giải pháp dài hạn, bài bản để đối phó.

ĐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43301202-%E2%80%9Cmay-den%E2%80%9D-che-phu.html