May cho Mỹ là Nga không cấm vận ngược động cơ RD-180

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga đã tiếp tục chuyển cho các công ty Mỹ 8 động cơ RD-180 dùng cho tầng 1 của tên lửa đẩy Atlas 5.

Nga giao 8 động cơ RD-180 cho Mỹ trong năm 2018

Theo tin đưa của bộ phận báo chí Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Energomash, công ty sản xuất động cơ tên lửa của Energomash hôm 31/10 đã tiếp tục chuyển cho các công ty Hoa Kỳ Pratt & Whitney, United Launch Alliance và FH AMROSS lô hàng gồm bốn động cơ tên lửa đẩy RD-180.

"Bốn động cơ RD-180 đã được giao cho khách hàng. Trước đó, đại diện của các công ty Pratt & Whitney, United Launch Alliance và FH AMROSS đã ký văn bản giao nhận động cơ vào ngày 26 tháng 10 năm 2018" - thông cáo báo chí của Energomash cho biết.

Đây là lô hàng thứ hai được Nga giao cho các khách hàng của Mỹ kể từ đầu năm nay. Vào tháng 4, khách hàng Mỹ đã được Energomash cung cấp một lô bốn động cơ tương tự.

Năm 1997, Moscow và Washington đã ký một thỏa thuận trị giá gần một tỉ dollars cho việc cung cấp 101 động cơ RD-180, tương đương giá bán sỉ mỗi chiếc gần 10 triệu USD. Loại động cơ này được sử dụng trong giai đoạn một của tên lửa đẩy Atlas 5 do Mỹ sản xuất. Ngoài động cơ RD-180, Nga còn cung cấp cho Mỹ động cơ RD-181.

Khoảng hai năm trước, Quốc hội Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm sử dụng loại động cơ này kể từ sau năm 2019, nhưng sau đó đã hủy bỏ quyết định của mình, khi Lầu Năm Góc và NASA khẳng định, trong vòng 3 năm tới Hoa Kỳ chưa có khả năng tạo ra động cơ riêng của mình.

Ngay sau đó, theo yêu cầu của Lầu Năm Góc, tập đoàn ULA (United Launch Alliance) đã ký hợp đồng mua thêm của NPO Energomash 20 động cơ RD-180, để nước này có đủ số động cơ tên lửa phục vụ các vụ phóng tên lửa Atlas 5 cho đến năm 2019.

Đến tháng 7 năm 2018, công ty Mỹ lại ký hợp đồng mua thêm sáu động cơ RD-180 của Nga, thời hạn giao hàng là vào năm 2020 để phục vụ cho kế hoạch phóng tên lửa trong năm.

Trước đó, giới chuyên gia hàng không vũ trụ nhận định rằng, nhiều khả năng công ty United Launch Alliance sẽ tiếp tục sử dụng động cơ của Nga cho đến năm 2024 hoặc 2025, thậm chí đến năm 2028, bởi các động cơ của Mỹ phát triển vẫn chưa thành công.

Hơn nữa, giới chuyên gia cũng không tự tin về sự thành công của các công ty Mỹ. Theo họ, Mỹ là một cường quốc công nghệ cao, nhưng các công ty Mỹ không đủ khả năng phát triển động cơ tên lửa hiệu quả như Nga, với chất lượng cực cao, tỷ lệ nghịch với giá cả rất thấp.

Động cơ RD-180 là không thể thay thế trong tầng thứ nhất tên lửa đẩy Atlas 5 của Mỹ

Phụ thuộc vào động cơ Nga, Mỹ kêu gọi tinh thần trách nhiệm Nga

Đánh giá của các chuyên gia đã được NASA chứng thực khi họ đã viện dẫn tới “sự cao thượng và tin thần trách nhiệm” để yêu cầu Moscow không nên ngừng kế hoạch cung cấp động cơ, để đáp trả các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Nga sau vụ đầu độc Sergey Skripal.

Giám đốc NASA Jim Brydenstain trong cuộc phỏng vấn với C-SPAN hồi tháng 8 đã ghi nhận vai trò đặc biệt của hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ trong không gian. Ông nhấn mạnh rằng, đối thoại giữa hai nước trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục bất chấp sự suy giảm quan hệ chung.

Ông Brydenstein gọi tình huống này là cơ hội duy nhất cho NASA và bày tỏ hy vọng duy trì quan hệ đối tác với Nga, đồng thời cũng viện dẫn sự cần thiết phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bởi chúng được lập ra trước khi quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng.

Theo ông, các công ty đảm bảo phóng vệ tinh và thiết bị công cụ khoa học dành cho NASA cũng như chuyển tải hàng lên Trạm Không gian Quốc tế đều hoạt động trên cơ sở thương mại. Do đó, các hợp đồng trong lĩnh vực này cần phải được tôn trọng.

“…nếu một vài chi tiết do nguyên nhân nào đó bị gây cản trở, thì các công ty Nga và Mỹ vẫn phải thực hiện những bước đi cần thiết để hoàn thành trách nhiệm theo hợp đồng" - Người lãnh đạo của NASA tuyên bố.

Tuy nhiên, chính Mỹ lại không thực hiện tốt những điều mà NASA đã nêu, khi nhiều hợp đồng Moscow đã ký với các nước khác trước khi Washington ban lệnh trừng phạt (ví dụ như hợp đồng mua tàu sân bay trực thăng Mistral của Pháp hay hợp đồng mua máy bay chiến đấu Su-35 của Trung Quốc), nhưng vẫn bị Mỹ tìm mọi cách ép buộc khách hàng của Nga phải hủy bỏ hoặc ban lệnh trừng phạt họ.

Do đó, Moscow cũng có quyền đáp trả tương đương đối với chính hàng hóa bán cho Washington, tuy nhiên, Nga đã không chấp nhặt những điều này, và đó chính là sự may mắn của hàng không vũ trụ Mỹ.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/may-cho-my-la-nga-khong-cam-van-nguoc-dong-co-rd-180-3368322/