'Máy chém' treo lơ lửng, Tillerson rối bời trước chuyến thăm châu Âu

Tin đồn về sự lung lay của chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ có thể khiến tiếng nói của Tillerson giảm bớt trọng lượng trong các buổi làm việc với những người đồng cấp châu Âu.

Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay vào sứ mệnh ngoại giao nhằm giúp các đồng minh ở châu Âu chống đỡ trước các đợt tấn công và can thiệp của Nga.

Tuy nhiên, khi ông chuẩn bị lên đường sang Brussels, Vienna và Paris vào ngày 4/12, mối bất hòa với Tổng thống Donald Trump đã khiến tiếng nói đại diện cho Washington của ngoại trưởng Mỹ bị nghi ngờ.

Sự không rõ ràng này đặc biệt nghiêm trọng khi Washington đóng vai trò lãnh đạo trong giải quyết các khủng hoảng ở Triều Tiên và Syria.

"Đúng lúc Tillerson tới Brussels để đưa ra tuyên bố ủng hộ mà EU và NATO cần từ lâu, thì dường như ông ta không còn chỗ dựa pháp lý nữa khi máy chém đang treo lơ lửng vậy trên đầu", một quan chức EU về đối ngoại nói với Reuters. "Châu Âu tiếp tục nghi ngờ như trước về chính quyền Trump".

Nguồn tin dấu tin từ Nhà Trắng cho biết ngoại trưởng Mỹ có thể sẽ bị thay thế trong vài tuần tới. Trong khi đó, Tổng thống Trump nhắc nhở rằng: "Tôi là người ra quyết định cuối cùng".

Tillerson đã bác bỏ những tin đồn "nực cười" về việc phụ tá thân cận nhất của Trump muốn ông từ chức. Nhưng các tin tức này chắc chắn sẽ khiến ông bứt rứt không yên khi ngồi với những người đồng cấp châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel trước chuyến thăm châu Âu. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel trước chuyến thăm châu Âu. Ảnh: AFP.

Chuyến đi của ông để dự hội nghị cấp bộ trưởng của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna.

Cuộc gặp mặt được theo dõi sát sao nhất sẽ là cuộc họp với người đồng cấp Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, bên lề các cuộc đàm phán của OSCE vào cuối tuần.

Tại NATO, các đối tác trong liên minh muốn nghe xem Mỹ có thể giúp họ phòng thủ như thế nào trước mối đe dọa toàn cầu mới từ các tên lửa hạt nhân tầm xa của Triều Tiên.

Tillerson đã đưa ra một bài phát biểu quan trọng về chính sách châu Âu tại Washington hôm 28/11 để nêu chương trình nghị sự trước chuyến đi với những lời lẽ gay gắt hướng tới Nga.

Ông sẽ nói với các đồng minh phương Tây của NATO rằng họ phải kề vai sát cánh chống lại "những kẻ thù đe dọa an ninh và phản đối lối sống của chúng ta", trong khi Nga sẽ buộc phải đảo ngược sự can thiệp của nước này ở phía đông Ukraine thông qua áp lực trừng phạt không ngừng.

"Bạn thân nhất"

"Bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến mà không dẫn tới sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine đều không thể chấp nhận được", Tillerson tuyên bố.

"Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương của chúng ta là nhằm truyền đạt cho chính phủ Nga rằng chúng ta sẽ không đứng nhìn sự vi phạm thô bạo các quy tắc quốc tế", AFP dẫn lời ngoại trưởng Mỹ.

Tuy nhiên, để lời cảnh báo này có sức nặng, Tillerson phải được xem là tiếng nói đại diện cho toàn bộ chính phủ Mỹ và tổng thống, người tỏ ra không mấy hăng hái trước các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Cuộc gặp của Tillerson với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ được theo dõi sát sao nhất trong chuyến đi lần này. Ảnh: AFP.

Ông Trump, người từng đề cập tới việc trở thành "bạn thân nhất" của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013, cũng là người phản đối đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay. Đạo luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới từ tháng 1 năm sau đối với sự can thiệp của Nga ở Ukraine và cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhà Trắng thậm chí đã cố gắng giảm nhẹ kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga đã triển khai các tin tặc và chiến dịch tuyên truyền nhằm giúp Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Nhưng kể từ chiến thắng đó, những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của Trump, bao gồm Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, đã có lập trường dứt khoát hơn.

Quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn

Quan hệ với Nga đang ở mức tệ sau vụ đóng cửa các sứ mệnh ngoại giao ăn miếng trả miếng mặc dù hai bên dường như muốn hợp tác để ổn định tình hình Syria.

Bất chấp sự thù hằn, tiến trình này có thể được thực hiện trong tuần với các điều khoản chấp thuận một phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Ukraine.

Putin đề nghị đội quân Mũ Nồi xanh của Liên Hợp Quốc triển khai bảo vệ các khu vực không vũ trang mà OSCE đang tìm cách giám sát trong các cuộc ngừng bắn chập chờn giữa lực lượng của Kiev và quân nổi dậy của Nga. Trong khi đó, các cường quốc phương Tây muốn thấy lực lượng này thực hiện nhiệm vụ lớn hơn.

Những người ủng hộ chính phủ Cộng hòa Donetsk tự xưng do Nga hậu thuẫn tụ tập tại khu vực xung đột phía đông Ukraine, ngày 7/9. Ảnh: AFP.

Sau cuộc gặp với ông Tillerson ở Washington hôm 30/11, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nói với các phóng viên rằng họ có quan điểm tương đồng về cuộc khủng hoảng.

"Chúng tôi tin rằng rất cần sự ủy thác tích cực của Liên Hợp Quốc cho một sứ mệnh gìn giữ hòa bình", ông nói.

"Có những sự khác biệt rất lớn giữa Nga, Mỹ và châu Âu", ông cảnh báo về những cuộc đàm phán cam go sắp tới.

Theo ông Gabriel, phái bộ của Liên Hợp Quốc phải có quyền thực thi thỏa thuận ngừng bắn và giải giáp vũ khí hạng nặng từ vùng Donbass đang bị tranh chấp và xung đột giằng xé.

Bất chấp những bằng chứng áp đảo về sự can dự, Moscow tiếp tục phủ nhận vai trò trong cuộc chiến ở Đông Ukraine.

Lá chắn tên lửa

Hôm 29/11, châu Âu đã bị đánh động khi chính quyền Kim Jong Un tuyên bố chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng có thể tấn công các mục tiêu trên lục địa này về mặt lý thuyết.

Bất kỳ lá chắn tầm cao nào để bảo vệ châu Âu khỏi các tên lửa Triều Tiên bay qua có thể phá vỡ các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân với Nga và dẫn tới các tranh chấp ngoại giao mới.

Trong khi đó, ông Trump từng thẳng thắn khẳng định Mỹ đã trả phần nhiều hơn và phải chịu thiệt trong chi phí quốc phòng chung của NATO.

Tillerson sẽ đến Brussels vào cuối ngày 4/12. Ông có các cuộc hội đàm với lãnh đạo EU và NATO vào ngày 5 và 6/12 trước khi bay tới Vienna cho chương trình của OSCE.

Trước khi về Mỹ vào ngày 8/12, ông sẽ dừng chân ở Paris để thảo luận với các quan chức cấp cao của Pháp.

Hashtag tuần qua: TT Trump đau đầu vì tên lửa Triều Tiên tái xuất Triều Tiên tuyên bố đạt được năng lực hạt nhân toàn diện trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đối diện với tình thế không có nhiều lựa chọn để ngăn chặn mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/so-phan-treo-lo-lung-tillerson-roi-boi-truoc-chuyen-cong-du-chau-au-post801044.html