'Máy chém' nghênh ngang trên phố chờ chực giết người, cơ quan chức năng ở đâu?

Những chiếc xe như ''máy chém'' vẫn nghênh ngang trên đường, liệu ai dám chắc mình không thành nạn nhân của 'cỗ máy giết người' đó, còn cơ quan chức năng đang ở đâu?

Nhiều cháu bé bị tôn cứa cổ

Tháng 9/2016, tại Hà Nội, một cháu bé 9 tuổi chết thương tâm vì bị tấm tôn đặt trên chiếc xe ba gác dừng giữa đường cắt cổ. Sự việc đó gây nên sự bàng hoàng, phẫn nỗ lớn trong dư luận. Người dân lên tiếng, công an Hà Nội ngay lập tức thực hiện đợt ra quân xử lý xe 3 bánh, xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh...

Vụ tai nạn kinh hoàng diễn ra vào năm 2016 cướp đi tính mạng của bé trai 10 tuổi.

Vụ tai nạn kinh hoàng diễn ra vào năm 2016 cướp đi tính mạng của bé trai 10 tuổi.

Những tưởng sự việc kinh khủng đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Vậy mà chiều 12/5/2020, công chúng lại một lần nữa bàng hoàng, sững sờ và tức giận khi biết tin một cháu bé 8 tuổi đang đi xe đạp bị tấm tôn trên xe chở ngang qua cắt vào cổ, chảy nhiều máu. Rất may, cháu bé giữ được tính mạng nhưng theo kết luận của các bác sĩ, chỉ cần chệch một mm nữa vết cắt sẽ làm đứt động mạch cảm, bé có nguy cơ tử vong cao.

Tháng 3/2010, một phụ nữ ở Vĩnh Long sau khi va chạm với xe ba bác bị tấm tôn trên xe cứa vào vùng cổ, ngực và phải đi cấp cứu.

Những vụ tai nạn như thế này khiến nhiều người ví, những chiếc xe chở tôn cứ nghênh ngang trên phố chẳng khác nào những chiếc máy chém. Chúng âm thầm gieo rắc nỗi kinh hoàng trên phố và có thể cướp đi tính mạng của rất nhiều người vào bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là các em nhỏ.

Sự dung túng chết người

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng này, trước tiên lỗi thuộc về người chủ xe. Họ đã quá chủ quan, coi thường tính mạng của người khác khi chở những chiếc "máy chém" ngông nghênh đi lại khắp các đường phố ngõ ngách.

Những người chủ xe này đa phần là dân lao động phổ thông, có cuộc sống khổ cực, phải vất vả kiếm sống từng ngày. Khi xảy ra tai nạn, họ đều lấy lý do vì mưu sinh. Tuy nhiên, không ai có quyền lấy lý do mưu sinh, lo cho cuộc sống của bản thân mà có thể phớt lờ tính mạng, sự an toàn của người khác.

Không những thế, khi vụ em bé 9 tuổi bị tấm tôn cướp đi sinh mạng, có một số người tỏ ý bênh vực chủ xe, cho rằng họ cũng cực chẳng đã vì mưu sinh nên mới phải như thế. Vẫn biết, trong bất cứ xã hội nào, khi xảy ra sự việc gì, chúng ta cũng cần nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ nhân văn. Nhưng nhân văn trong trường hợp này là mù quáng. Nhân văn trong trường hợp này chính là gián tiếp đặt mạng sống của chính chúng ta, của con em chúng ta, người thân của chúng ta vào tình huống nguy hiểm.

Những người lấy lý do mưu sinh liệu có đủ can đảm để nhìn vào mắt người mẹ mất con. Sáng họ tiễn con đi học, chiều về đã không thể ôm con trong vòng tay. Con họ bị cướp đi tính mạng một cách đau đớn nhất. Đó chỉ là những đứa trẻ. Các bé không thể bị tước đi tính mạng chỉ vì sự bất cẩn, cẩu thả của người lớn.

Những chiếc máy chém vẫn ngênh ngang đi lại trên phố.

Chính vì sự nhân văn mù quáng đó mà sau vụ tai nạn kinh hoàng cướp đi mạng sống của bé trai 9 tuổi, ở các cả các thành phố, những chiếc xe quá khổ, quá tải chở những vật sắc nhọn, cồng kềnh vẫn hiên ngang đi lại hàng ngày, hàng giờ trên khắp các tuyến đường. Chỉ cần nhìn thấy những "chiếc máy chém này", nhiều người đã bủn rùn, rùng mình sợ hãi.

Nếu chúng ta cứu suy nghĩ nhân văn như thế này, sẽ có bao nhiêu người gặp nguy hiểm về tính mạng như hai cháu bé trên?

Sự việc cháu bé 8 tuổi bị tôn cứa vào cổ lần này cũng cho thấy sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó đứng đầu là lực lượng cảnh sát giao thông. Họ phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường an toàn cho những người tham gia giao thông chứ không phải phó mặc cho sự run rủi. Các nhà làm luật, các nhà quản lý cần đưa ra và áp dụng những chính sách, quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm, xử lý mạnh tay, kể cả áp các hình phạt hình sự đối với những hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường tính mạng của người khác.

Quay trở lại vụ tai nạn của cháu bé 9 tuổi vào năm 2016. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đồng loạt ra quân để kiểm tra, xử lý các vụ xe thô sơ, xe tự chế, xe xích lô, ba gác... chở hàng quá khổ, quá tải gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cách làm này bị nhiều người nhận xét "mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu họ nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông ngay từ đầu thì có lẽ những tai nạn đau lòng như trên sẽ không xảy ra.

Sẽ có thêm bao nhiêu người nữa bị thiệt mạng bởi những "cố máy chém" như thế này?

Đáng nói hơn, chỉ sau vài ngày ra quân sau cái chết của cháu bé 10 tuổi, tình hình lại đâu vào đấy. Các kênh truyền thông liên tiếp có những ghi nhận về việc những phương tiện vận chuyển cồng kềnh, gây nguy hiểm và thô sơ ngang nhiên đi lại trên phố và không bị xử lý bởi lực lượng cảnh sát giao thông và những cơ quan liên quan.

Phải chăng việc đồng loạt ra quân xử lý các phương tiện này sau cái chết của cháu bé 9 tuổi chỉ là cách xử lý đối phó, nhằm xoa dịu sự giận dữ của dư luận chứ thực sự, những lực lượng này chưa đặt vấn đề an toàn của người dân lên hàng đầu?

Lần này, khi thông tin cháu bé 8 tuổi suýt bị tấm tôn cướp đi tính mạng, rất nhiều người đã bày tỏ ý kiến, người chủ xe phải bị xử lý hình sự vì tội vô ý gây thương tích, chết người. Dư luận cũng mong mỏi các cơ quan liên quan phải ban hành chế tài xử lý thật nghiêm những kẻ coi thường tính mạng của người khác.

Bạn có đồng ý với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Video: Bé trai 10 tuổi tử vong vì bị xe chở tôn cứa vào cổ

Minh Hoàng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-kien/may-chem-nghenh-ngang-tren-pho-cho-chuc-giet-nguoi-co-quan-chuc-nang-o-dau-ar545836.html