Máy bay trinh sát tuyệt mật của Mỹ sử dụng hệ thống định vị của Nga và Trung Quốc

Trang tin quân sự Defense One dẫn lời quan chức Không quân Mỹ giấu tên đăng tải, các phi công điều khiển máy bay trinh sát tuyệt mật tầm cao U-2 Dragon Lady được trang bị thiết bị cầm tay có khả năng xâm nhập và sử dụng tín hiệu định vị thông qua hệ thống dẫn đường vệ tinh GLONASS của Nga và BeiDou của Trung Quốc. Các thiết bị này sẽ được sử dụng khi máy bay mất tín hiệu định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Theo đó, do thường xuyên phải hoạt động trong các vùng không phận thù địch ở độ cao lớn, phi công lái máy bay U-2 cần phải có thiết bị có khả năng định vị trong mọi tình huống và việc bẻ khóa và sử dụng bí mật hệ thống định vị khác ngoài GPS là cần thiết.

Đánh giá về vấn đề này, tướng không quân Mỹ James M. Holmes cho biết: “Phi công điều khiển máy bay U-2 sử dụng hệ thống định vị GPS là điều bình thường. Tuy nhiên, họ cũng phải làm chủ kỹ năng sử dụng các hệ thống BeiDou, GLONASS và Galileo (châu Âu), trong trường hợp mất tín hiệu GPS để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ”.

 Máy bay trinh sát tuyệt mật tầm cao U-2 Dragon Lady của Không quân Mỹ.

Máy bay trinh sát tuyệt mật tầm cao U-2 Dragon Lady của Không quân Mỹ.

Tướng James M. Holmes không nói chi tiết về việc các phi công Mỹ làm thế nào trên máy bay U-2, nhưng theo Defense One, Không quân Mỹ đã mua ít nhất 100 đồng hồ dẫn đường hàng không D2 Charlie trang bị cho phi công lái máy bay U-2 hồi năm 2018.

Được thiết kế chuyên biệt cho khả năng dẫn đường hàng không, đồng hồ D2 Charlie cung cấp khả năng định vị đa kênh cho phi công, giúp họ nhận biết về vị trí tốt hơn trong không gian. Đây có thể coi là “cánh cửa lách” phi công Mỹ sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Điểm đặc biệt khác là khi đồng hồ D2 Charlie kết nối với hệ thống Garmin Connect cài đặt trên các thiết bị di động, nó sẽ cung cấp thông tin về điều kiện thời tiết ở khu vực máy bay đang hoạt động.

Dù không công khai, Lầu Năm góc hiện không hạn chế quân nhân sử dụng các hệ thống định vị khác ngoài GPS. Các nghiên cứu được tiến hành trong các năm 2011 và 2012 do Tạp chí Sensors tiến hành cho thấy, việc đối chiếu tín hiệu định vị giữa GPS và các hệ thống dẫn đường nước ngoài khác cung cấp nhiều lợi ích về độ chính xác, giảm nhiễu và đa dụng hơn. Không quân Mỹ hiện có 31 vệ tinh định vị trong hệ thống dẫn đường GPS. Con số này ở hệ thống GLONASS là 24, Galileo là 30 và BeiDou là 33.

Một chiếc đồng hồ dẫn đường hàng không đơn giản như D2 Charlie có giá trị rất lớn đối với phi công trong việc định vị, nhất là đối với máy bay U-2.

“Việc sử dụng hệ thống định vị hỗn hợp có thể thu nhận tín hiệu GLONASS mang lại nhiều lợi thế so với các thiết bị chỉ sử dụng duy nhất kênh GPS. Mặc dù cần thêm con số thống kê để khẳng định lại vấn đề này, nhưng kết quả tương tự cũng đã được khẳng định với hệ thống định vị khác như Galileo”, Tạp chí Sensors đăng tải.

Hiện tại, không rõ việc sử dụng các hệ thống định vị không phải của Mỹ trên các máy bay trinh sát tầm cao như U-2 có ảnh hưởng gì tới việc thực hiện nhiệm vụ hay không, nhưng việc quân đội các quốc gia nước ngoài sử dụng hệ thống GPS cho nhiệm vụ quân sự là điều rất phổ biến.

TUẤN SƠN (theo DefenseTalk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/may-bay-trinh-sat-tuyet-mat-cua-my-su-dung-he-thong-dinh-vi-cua-nga-va-trung-quoc-611971