Máy bay trinh sát Nga bị bắn rơi ở Syria: Vì sao Tổng thống Putin dịu giọng?

Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng cho thấy không có những chỉ trích gay gắt nhằm vào Israel như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga dù ông Putin cho biết Moscow vẫn cần xem xét kỹ điều gì đã xảy ra.

Máy bay trinh sát IL-20 của Nga. Ảnh: AFP

Reuters ngày 19-9 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, vụ máy bay trinh sát Il-20 của không quân nước này bị tên lửa phòng không Syria bắn rơi trên Địa Trung Hải là hậu quả của “chuỗi sự kiện bất ngờ đầy thảm kịch”, trong đó có sự liên quan của Israel, khiến 15 binh sĩ thiệt mạng.

Ông Putin nói với các phóng viên: “Có vẻ như đây là một chuỗi các sự kiện bất ngờ đầy thảm kịch, bởi vì máy bay của Israel không bắn hạ máy bay của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải nghiêm túc điều tra những gì đã xảy ra”, ông Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó chỉ trích không quân Israel đã có các hoạt động vi phạm chủ quyền của Syria.

Nga còn nhiều việc phải làm?

Tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin rõ ràng cho thấy không có những chỉ trích gay gắt nhằm vào Israel như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga dù ông Putin cho biết Moscow vẫn cần xem xét kỹ điều gì đã xảy ra.

Phản ứng ôn hòa này của Tổng thống Putin dường như phần nào giải quyết một cuộc khủng hoảng có thể liên quan đến những cường quốc bên ngoài, vốn ủng hộ phe đối lập trong cuộc nội chiến phức tạp của Syria, sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Israel gây ra vụ việc. Những tuyên bố mạnh mẽ của Bộ quốc phòng Nga về việc “có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng” đối với Israel đã làm dấy lên những đồn đoán, Moscow sẽ cung cấp tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria, thậm chí đe dọa chiến đấu cơ Israel hoạt động ở Trung Đông. Nhưng có vẻ như giọng điệu ôn hòa của Tổng thống Putin dường như đã dập tắt những đồn đoán này. Các nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Nga có nhiều lý do, cả về chiến thuật lẫn chiến lược để không trút cơn giận dữ lên Israel sau sự cố này.

Thực tế là ông Putin hiểu rõ, Israel không phải là bên duy nhất có lỗi trong thảm kịch này. Sau vụ việc, quân đội Israel bày tỏ “thương tiếc” về cái chết của các binh sĩ Nga nhưng đổ lỗi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran. Tel Aviv khẳng định, Syria đã phóng tên lửa S-200 sau khi tiêm kích F-16I đã trở về không phận Israel, hậu quả khiến chiếc Il-20 đang tìm cách hạ cánh của Nga trúng đạn. “Hệ thống phòng không khí của Syria hoạt động quá bừa bãi và theo những gì chúng tôi biết, họ không bận tâm đến việc phải đảm bảo không có máy bay Nga nào ở trên không vào thời điểm đó”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Israel nêu rõ. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Netanyahu cũng đổ lỗi cho Syria và khẳng định sẽ cung cấp “tất cả thông tin cần thiết” để điều tra vụ việc. Chưa có kết quả điều tra cuối cùng, nhưng nếu đúng như tuyên bố của Israel, chứng tỏ khả năng nhận diện kẻ thù và đồng minh của các chỉ huy tên lửa Syria còn nhiều hạn chế. Và Tổng thống Putin thấy rõ, Nga còn rất nhiều việc phải làm để củng cố năng lực phòng không cho Syria.

Và theo giới quan sát, ông Putin cũng hiểu Israel không thể hành động như vậy. Bởi vì bất kỳ xung đột nào với Nga có thể cản trở khả năng tiến hành các cuộc không kích của Israel tại Syria nhằm vào những gì mà Tel Aviv coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh” – đó là các lực lượng được Iran hậu thuẫn hoặc các nhóm Hezbollah. Tel Aviv đã thực hiện khoảng 200 cuộc tấn công như vậy trong 2 năm qua, các quan chức Israel cho biết.

Mở cuộc điều tra

Khoảng 23 giờ ngày 17-9 (giờ Moscow), căn cứ không quân Nga Hmeimim đã mất liên lạc với phi hành đoàn của máy bay trinh sát Il-20 trong cuộc tấn công của 4 máy bay Israel F-16 nhằm vào các mục tiêu tại Syria ở tỉnh Latakia.

Bộ Quốc phòng Nga ngay sau đó phản ứng đầy giận dữ, quyết liệt khi cáo buộc trách nhiệm cho Israel. Theo bộ trên, quân đội Israel cố tình tạo ra một tình thế nguy hiểm bằng việc lợi dụng máy bay Nga làm lá chắn trước những hệ thống phòng không Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov cho rằng, Israel cố tình tạo ra sự khiêu khích này và những hành động của Tel Aviv được Moscow xem là một sự thù địch.

Ngày 19-9, người phát ngôn của Ủy ban Điều tra Nga Svetlana Petrenko cho biết, trưởng cơ quan điều tra quân sự thuộc ủy ban này mở một cuộc điều tra phạm tội trong vụ rơi máy bay Il-20 trên Địa Trung Hải. Phát biểu với báo giới, nữ phát ngôn viên này nêu rõ: “Các nhà điều tra của Ủy ban Điều tra Nga và các chuyên gia pháp y sẽ làm việc tại hiện trường cùng với các đại diện của Bộ Ngoại giao Nga”. Tất cả tình huống liên quan tới vụ việc đang được dựng lại.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_195554_may-bay-trinh-sat-nga-bi-ban-roi-o-syria-vi-sao-tong-thong-putin-diu-giong-.aspx