Máy bay tiêm kích Kowsar của Iran giống F-5F Tiger II của Mỹ?

Ngày 3/11, Iran đã công bố ra mắt chương trình sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu Kowsar, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani trong buồng lái Kowsar

"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ sản xuất loại máy bay này với số lượng cần thiết để trang bị cho lực lượng Không quân quốc gia", Reuters trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Amir Khatami.

Máy bay tiêm kích Kowsar lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 21/8/2018. Theo báo cáo của hãng tin Tasnim của Iran, Kowsar là máy bay phản lực quân sự thuộc thế hệ thứ tư, được trang bị một hệ thống tính toán đạn đạo trên máy vi tính và một radar đa năng. Đây là dòng máy bay đầu tiên được thiết kế và chế tạo hoàn toàn tại Iran.

Trước đó, cổng thông tin Al-Masdar trích dẫn một nguồn tin tại Damascus thông báo rằng Tehran có kế hoạch cung cấp cho Syria máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không do Iran sản xuất.

Iran tự hào về tiêm kích Kowsar

Tổng thống Iran, Hassan Rouhani đã đến thăm và chúc mừng những người tham gia thiết kế chế tạo máy bay chiến đấu mới và đã ngồi vào buồng lái của chiếc Kowsar đầu tiên.

Tổng thống đánh giá rằng tổ hợp công nghiệp quốc phòng Iran đã có bước tiến vượt bậc khi lần đầu tiên trong lịch sử đất nước đã có thể tự thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu thuộc vào hàng tiên tiến trên thế giới. "Chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu chống lại các cường quốc quân sự có ý đồ dòm ngó, xâm chiếm lãnh thổ và tài nguyên của chúng ta. Nếu chúng ta không mạnh, chúng ta sẽ bị diệt vong", Tổng thống Iran phát biểu trong buổi lễ ra mắt máy bay chiến đấu Kowsar.

Tiêm kích Kowsar do Iran tự sản xuất

Sản xuất tại Iran

Lực lượng không quân Iran ngày nay chủ yếu được trang bị các máy bay chiến đấu của Liên Xô và Mỹ, mà máy bay của Mỹ thì được mua từ trước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Iran cũng có máy bay chiến đấu do mình tự sản xuất - HESA Azarakhsh và HESA Saeqeh, tuy nhiên, chúng được chế tạo hoàn toàn dựa trên cơ sở máy bay chiến đấu F-5 của Mỹ, được Hoa Kỳ bắt đầu phát triển từ cuối thập niên 1950.

Chiến đấu cơ Kowsar, theo Tasnim, hoàn toàn do Iran thiết kế, chế tạo, thuộc thế hệ máy bay phản lực thứ tư và sẽ được sản xuất cả trong phiên bản buồng lái đơn và đôi. Được trang bị một radar đa năng và một hệ thống tính toán đạn đạo trên máy vi tính, máy bay chiến đấu được đặt tên theo dòng sông Khausar trên thiên đường được đề cập trong Kinh Qur'an.

Đặc điểm kỹ thuật của máy bay chiến đấu hai ghế lái không được công bố. Tuy nhiên, Israel cho rằng Kowsar không thể tự hào về bất kỳ giải pháp đột phá hoặc sáng tạo nào.

Những lời nhận xét từ nước ngoài

"Tôi thấy rằng đây là một loại máy bay chiến đấu rất cũ của Mỹ", phát ngôn viên chính thức của văn phòng Thủ tướng Israel, Ofir Hendelman, đã bình luận như vậy về chiến đấu cơ Kowsar của Iran.

Một ý kiến tương tự được chia sẻ bởi chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London (IISS) Joseph Dempsey, người đã so sánh phiên bản Kowsar mới với máy bay chiến đấu F-5F Tiger II hai chỗ ngồi của Mỹ.

Tuy nhiên, Dempsey lưu ý rằng Kowsar không phải là bản sao của máy bay chiến đấu Mỹ. "Mặc dù bề ngoài Kowsar trông giống với F-5F, nhưng về thực chất nó không giống với máy bay chiến đấu của Mỹ. Ví dụ, từ các bức ảnh, bạn có thể đánh giá màn hình hiển thị buồng lái kỹ thuật số hiện đại hơn và ghế phóng được tạo ra trên cơ sở K- 36 của Nga", ông Dempsey nói với ấn phẩm The Defense Post.

Butin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), nói với Reuters rằng Kowsar bị giới hạn về khả năng radar, cũng như sức mạnh hỏa lực và phạm vi hoạt động.

Cân bằng sức mạnh

Mặc dù có những lời nhận xét thiếu thiện ý từ các chuyên gia Anh và Israel, Kowsar vẫn thể hiện khả năng đáng kể của tổ hợp công nghiệp quân sự Iran. Trong số những nước láng giềng của Cộng hòa Hồi giáo Iran, chỉ có Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ mới có máy bay chiến đấu do riêng mình sản xuất.

Trong trường hợp này, PAC JF-17 Thunder của Pakistan được phát triển cùng với Tập đoàn Hàng không Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô. Một chiếc máy bay huấn luyện tuabin cánh quạt hạng nhẹ tiên tiến cho đào tạo phi công TAI Hurkus vẫn chưa được đưa vào hoạt động phục vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Israel gọi Iran là mối đe dọa chính ở Trung Đông, được trang bị máy bay chiến đấu F-35I thế hệ thứ năm của Mỹ. Saudi Arabia, vốn đã cắt đứt quan hệ với Tehran vào năm 2016, cũng quan tâm đến việc mua thêm máy bay F-35.

Việc giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời bị cấm vào ngày 13/8/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngân sách quốc phòng 716 tỷ đô la cho năm tài chính 2019 bắt đầu từ ngày 1/10/2018. Washington đã đưa ra quyết định như vậy trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Ankara, do ý định của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mua lại hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson về tội liên kết với Đảng Lao động người Kurd và “tổ chức khủng bố Fetullahists” bị cấm tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/may-bay-tiem-kich-kowsar-cua-iran-giong-f-5f-tiger-ii-cua-my-520463.html