'Máy bay ngày tận thế' Il-76VKP của Liên Xô/Nga có gì đặc biệt?

Máy bay chỉ huy lực lượng hạt nhân trên không chiến lược Il-76VKP được tạo ra dưới thời Liên bang Xô Viết để đảm nhiệm vai trò tương tự chiếc E-4B của Không lực Hoa Kỳ.

 Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Liên Xô vào thập niên 1980, Văn phòng thiết kế Ilyushin đã tiến hành hoán cải 2 máy bay vận tải hạng nặng Il-76MD cho nhiệm vụ đặc biệt.

Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Liên Xô vào thập niên 1980, Văn phòng thiết kế Ilyushin đã tiến hành hoán cải 2 máy bay vận tải hạng nặng Il-76MD cho nhiệm vụ đặc biệt.

Các phi cơ này được tiến hành một số sửa đổi để đảm nhiệm vai trò trạm chỉ huy lực lượng hạt nhân trên không trong trường hợp các cơ sở mặt đất bị gián đoạn hoặc mất liên lạc trong chiến tranh toàn diện.

Với chức năng như trên, chiếc Il-76MD nhận mã định danh mới là Il-76VKP (hay còn gọi là Il-82), có vai trò tương tự như "Máy bay ngày tận thế" E-4B của Không lực Hoa Kỳ.

IL-76VKP có một số nhiệm vụ tương tự với máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) A-50, tuy nhiên nó được sử dụng cho trường hợp hẹp hơn khá nhiều.

Công việc hoán cải được tiến hành với chiếc Il-76MD mang số hiệu CCCP-76.450 vào ngày 22/9/1987, trong khi chiếc Il-76MD thứ hai có số khung CCCP-76.451 là ngày 30/11/1987.

Thông số kỹ thuật cơ bản của "Trung tâm chỉ huy hạt nhân trên không" Il-76VKP bao gồm chiều dài 46,59 m; sải cánh 50,5 m; chiều cao 14,76 m.

Máy bay có diện tích cánh lên tới 300 m2; trọng lượng rỗng và trọng lượng cất cánh tối đa của nó vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Chiếc Il-76VKP được trang bị 4 động cơ turbine phản lực Soloviev D-30KP có lực đẩy 12.000 kgf, cho tốc độ tối đa 780 km/h, tầm hoạt động 6.800 km với trần bay 12.000 m.

Kíp điều khiển gồm 5 người, dĩ nhiên là chưa kể tới đội ngũ các nhân viên kỹ thuật đảm bảo liên lạc trên không rất hùng hậu.

Đặc điểm nổi bật của Il-76VKP là sự xuất hiện của một "cục u" lớn ngay trên nóc buồng lái, đây là không gian chứa thiết bị liên lạc với vệ tinh đi kèm đường thông tin quang truyền hình có độ bảo mật cao.

Máy bay sẽ thực hiện vai trò kết nối với các cơ sở phóng tên lửa hạt nhân trên mặt đất, với sở chỉ huy của các đơn vị không quân chiến lược.

Ngoài ra chiếc Il-76VKP còn một kênh liên lạc tần số cực thấp để kết nối với tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động ngoài khơi.

Hai chiếc Il-76VKP trên ra đời khi Liên bang Xô Viết bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái, do vậy chưa rõ tình trạng hoàn thiện của chúng ra sao cũng như độ tin cậy của các thiết bị đặc biệt được "cấy ghép".

Theo một số báo cáo, cả hai chiếc máy bay Il-76VKP trên đều được biên chế cho một phi đội tác chiến đặc biệt đóng tại sân bay Chkalovsky, mọi thông tin liên quan đến chúng đều được bảo mật rất kỹ.

Đây là một mẫu phi cơ hiếm hoi của Liên Xô vẫn chưa được phân loại rõ ràng. Hai nguyên mẫu vẫn được lưu giữ tới năm 1999 nhưng không rõ tình trạng kỹ thuật cụ thể.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-may-bay-ngay-tan-the-il76vkp-cua-lien-xo-nga-co-gi-dac-biet/792447.antd